Khổ vì làn da “đỏng đảnh”

Sự kiện: Dưỡng da mùa hè

Không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, nhưng chứng bong da đỏ da đã khiến nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, phải khổ sở vì sinh ra với làn da nhạy cảm.

Thực tế cho thấy, không ít phụ nữ đến khám trong tình trạng trùm kín mặt bởi không muốn cho ai nhìn thấy làn da bị nổi vân đỏ từng mảng lớn, số khác lại bị bong tróc da, toàn bộ gương mặt bị kích ứng. Nguyên nhân đơn giản chỉ vì “hôm trước ngồi ôtô mà không thoa kem chống nắng”.

Số khác tìm bác sĩ trong tâm lý hoang mang bởi sau chuyến đi du lịch về, da mặt bị ngứa châm chích như kiến bò, càng gãi da càng nổi mẫn đỏ kèm nóng rát. Tưởng mình ăn phải thức ăn dị ứng nhưng sau khi kiểm tra, bác sĩ xác định nguyên nhân do làn da nhạy cảm.

Theo chuyên ngành da liễu và thẩm mỹ, da nhạy cảm là cụm từ thường được dùng để phân loại da dễ bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài cũng như giảm hoặc mất chức năng của hàng rào bảo vệ da.

Đặc tính chung của da nhạy cảm là làn da có bề mặt khô, thậm chí rất khô, đồng thời rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Người có da nhạy cảm thường sở hữu làn da mỏng, dễ bong tróc trước những thay đổi của hóa chất hoặc của thời tiết, dễ thấy nhất là khi chuyển mùa hoặc trong mùa lạnh.

Da nhạy cảm còn là loại da dễ bị kích ứng. So với người có làn da khỏe mạnh, phần lớn người có làn da nhạy cảm chỉ cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian ngắn cũng sẽ xuất hiện ngay biểu hiện ửng đỏ, rát da kèm theo.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các nghiên cứu cho thấy da nhạy cảm cũng dễ bị rát bỏng bởi các tác động khác như đi bơi dưới trời nắng, chạy xe máy thậm chí ngồi xe ôtô trong thời gian kéo dài dưới nắng gắt. Ngoài ra, ở những trường hợp thường xuyên dùng mỹ phẩm hoặc thay đổi mỹ phẩm cũng khiến làn da nhạy cảm ửng đỏ, nổi sần như da cóc hoặc nổi mụn.

Người có da nhạy cảm cũng dễ bị nổi những vân đỏ trên da khi đi du lịch đến những địa phương vốn có khí hậu thay đổi. Biểu hiện dễ thấy nhất là tình trạng bong tróc da từ chế bào chết, viêm da, da nổi ửng đỏ từng mảng lớn khắp cơ thể. Đó là lý do khiến không ít người không dám đi du lịch thậm chí suốt ngày ra phố phải kè kè với chiếc khẩu trang.

Cần phân biệt da nhạy cảm với chứng viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng là một trong những bệnh lý nhiều người mắc phải, tạo cảm giác ngứa ngáy; khó chịu. Đây được đánh giá là bệnh mạn tính, có xu hướng bùng phát và sẽ tự khỏi sau một thời gian. Bệnh viêm da dị ứng sẽ khiến cho da bị ngứa, nóng, khô và tróc vảy. Mảng da khô thường sẽ xuất hiện ở vùng mặt, trán hay ở vùng da đầu. Theo đó, mức độ bệnh lý sẽ biến đổi từ mức độ nặng đến nhẹ.

Trẻ sơ sinh khi mắc phải bệnh lý này thường rơi vào khoảng từ 2 - 3 tháng tuổi. Ở những vùng da khô thường xuất hiện ở vị trí trên mặt, da đầu, vì vậy gây nên tình trạng mất ngủ đối với trẻ.Trẻ 2 tuổi mắc bệnh viêm da khởi phát thường xuyên xuất hiện ở nếp gấp khuỷu/ ở vùng đầu gối.

Những triệu chứng ở bệnh viêm da dị ứng ở người lớn khác với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trước tiên nó sẽ xuất hiện ở trên khắp cơ thể, làm da bị khô và tróc vảy. Theo đó, người bệnh sẽ cảm thấy càng bị ngứa và tình trạng ngứa sẽ không bị thuyên giảm.

Tùy vào từng đối tượng khi đó sẽ gặp phải những triệu chứng khác nhau. Tốt nhất khi có những triệu chứng mắc bệnh khi đó mọi người hãy đến cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám.

Nguyên nhân khiến làn da trở nên mong manh

Theo các khảo sát gần đây, khoảng 50% phụ nữ ghi nhận có làn da nhạy cảm (49% phụ nữ châu Âu, 51% phụ nữ Mỹ và 59% phụ nữ Nhật, 56% phụ nữ Việt Nam). Tình trạng da nhạy cảm thường gặp ở nữ hơn là nam và người da vàng có tỉ lệ da nhạy cảm cao nhất so với người da trắng và da đen.

Biểu hiện của một làn da nhạy cảm thường thấy: da khô, mẩn đỏ, bong tróc, dễ bị ngứa, nóng rát, châm chích, như có kiến bò… Các triệu chứng này thường khởi phát rất nhanh sau khi tiếp xúc với mỹ phẩm.

Có nhiều nguyên nhân khiến làn da trở nên nhạy cảm như: cơ địa, tuổi tác, giới tính; bệnh lý da bao gồm mụn, chàm, trứng cá đỏ, viêm da tiếp xúc; tiếp xúc thường xuyên với những yếu tố có hại cho làn da trong thời gian dài gồm ánh nắng mặt trời, gió, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Ngoài ra sử dụng mỹ phẩm hoặc chăm sóc da không đúng cách khiến da bị tổn thương.

Cách đối phó

Hàng rào da được duy trì bởi các yếu tố làm ẩm tự nhiên (NMF - Natural Moisturizing Factor). NMF là các chất nằm ở lớp trên cùng của da, có tác dụng giữ cho da mềm mại, đủ ẩm và mịn màng.

Do đó, mỹ phẩm cho làn da nhạy cảm nên là những sản phẩm dịu nhẹ, ít thành phần, giảm hàm lượng chất bảo quản và hương liệu.

Tránh sử dụng những hoạt chất tác động mạnh và dễ gây kích ứng da như: tretinoin, retinol, AHAs, BHAs, vitamin C…

Tự kiểm các sản phẩm tại nhà trước khi sử dụng: Lấy một lượng nhỏ sản phẩm thoa vào phía sau tai và để khoảng 24 - 48h. Sau đó, chúng ta có thể an tâm sử dụng nếu không có bất kỳ phản ứng nào như ngứa, đỏ da, châm chích, bong tróc…

Quy trình dưỡng da hàng ngày nên tối giản tránh thoa quá nhiều sản phẩm lên da cùng lúc với 3 bước căn bản:

Rửa mặt - tẩy trang: Lựa chọn sản phẩm dịu nhẹ dạng gel hoặc bọt nhẹ; tránh các loại chất tẩy rửa mạnh khiến da càng khô và mất nước nhiều hơn như xà phòng. Do đó sản phẩm rửa mặt - tẩy trang cho da nhạy cảm ngoài khả năng làm sạch thường phải đảm bảo không màu, không mùi, không chứa cồn và sau khi rửa phải giữ được một lớp màng ceramides bảo vệ bề mặt da.

Dưỡng ẩm: Dưỡng ẩm rất cần thiết cho da nhạy cảm vì cung cấp đủ độ ẩm góp phần tạo hàng rào bảo vệ và giúp da khoẻ hơn. Sử dụng các sản phẩm cấp ẩm chứa các thành phần như: ceramides, petrolatum, mineral oil, linoleic acid, glycerin… Ceramides thường được chọn lựa làm sản phẩm dưỡng ẩm cho da nhạy cảm vì nó là thành phần của lớp màng lipid tự nhiên bảo vệ da.

Ngoài ra dưỡng ẩm dành cho da nhạy cảm cũng phải đáp ứng các yêu cầu như không màu, không mùi, không cồn để hạn chế phản ứng dị ứng của da.Dưỡng ẩm được sử dụng mỗi ngày từ 2 - 3 lần đặc biệt khi vừa tắm xong để duy trì hàng rào bảo vệ da.

Chống nắng: Kem chống nắng vật lý thường được dùng cho làn da nhạy cảm vì ít kích ứng hơn nhờ thành phần kẽm oxide và titanium oxide. Chúng ta nên sử dụng kem chống nắng mỗi ngày với chỉ số SPF>30 và hạn chế tiếp xúc ánh nắng trực tiếp.

Với những làn da đang mắc các bệnh lý như mụn trứng cá, viêm da, chàm,… chúng ta nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu trước khi thực hiện bất kỳ liệu pháp tác động nào lên da. Ngoài ra nên lựa chọn các cơ sở làm đẹp uy tín, sử dụng mỹ phẩm riêng biệt tùy thuộc vào từng tình trạng da.

Phụ nữ Nga đẹp nhất châu Âu nhờ phương pháp ”bọc nóng” độc đáo

Để giảm cân và có một thân hình thon thả, phụ nữ Nga thường nhờ cậy tới phương pháp “bọc nóng” ngay tại nhà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ThS.BS. Nguyễn Duy Hải ([Tên nguồn])
Dưỡng da mùa hè Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN