Tương lai nào cho hàng quán ngày trở lại kinh doanh sau mùa dịch?

Không có túi tiền rủng rỉnh, bộ phận tiếp thị hoành tráng, các hàng quán nhỏ lẻ đang phải nỗ lực để tồn tại và bắt nhịp thị trường sau khi chiếc “vòng kim cô” cách ly xã hội được nới lỏng. Hành trình của họ không đơn độc bởi còn có sự đồng hàng của các nền tảng trực tuyến.

Sống “lay lắt” nhờ đơn online

Ngay sau chỉ thị cách ly xã hội ban hành hôm 24/3, buôn bán ế ẩm cộng thêm áp lực từ các chi phí cố định như tiền mặt bằng, nhân viên khiến không ít hàng quán “ngã ngựa”. Một số hàng quán còn trụ lại thì chuyển sang hình thức giao hàng tận nơi với sự trợ giúp của các dịch vụ đặt món. Dù vậy, các khu văn phòng vắng bóng người, nhu cầu hội họp bạn bè sụt giảm nên doanh thu qua mạng cũng chỉ đủ “cứu vớt” chi phí tối thiểu, giúp các quán bấu víu qua mùa.

Anh Tài - chủ chuỗi quán bún (mô hình bán trực tuyến) cho biết chuỗi cửa hàng của anh chỉ duy trì 2-3 quán để phục vụ khách. Số còn lại đóng cửa để cắt giảm chi phí. Trong khi trước dịch, cứ mỗi tháng anh Tài phải mở thêm chi nhánh, tăng nhân lực mới làm xuể số đơn hàng cho các nền tảng như GrabFood.

“Trong dịch, doanh thu của bên mình giảm chỉ còn 30% so với bình thường. Mà đó là đã nhờ Grab hỗ trợ quảng bá, chạy khuyến mãi, đội tài xế cũng cố gắng giao hàng không tiếp xúc. Nhiều bên chung tay lắm thì mình mới sống chờ đến ngày nới lỏng giãn cách”, anh Tài chia sẻ.

Thời kỳ giãn cách, shipper là đối tượng duy nhất ghé thăm các quán ăn

Thời kỳ giãn cách, shipper là đối tượng duy nhất ghé thăm các quán ăn

Tình trạng trên vốn đã được dự đoán bởi các chuyên gia kinh tế. Theo một chuyên gia về Thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng quan tâm hơn trong mùa dịch nhưng chỉ với mặt hàng thiết yếu chứ không phải tăng trưởng toàn ngành.

Một chuyên gia khác nhận định, khi người dân quen với việc ở nhà trong thời gian cách ly thì các nhu cầu của họ cũng cơ bản hóa theo. Mì gói, đồ hộp, gạo, sữa, thịt cá sơ chế… mới thật sự hưởng lợi dài hơi. Kinh doanh F&B online chỉ “hớt váng” giai đoạn đầu của dịch, sau đó là chuỗi ngày cầm hơi. Các hàng quán đều sẽ chịu ảnh hưởng, dù mô hình truyền thống hay tập trung bán online. Các dịch vụ đặt món dĩ nhiên cũng không miễn nhiễm, bởi họ vận hành dưới nền tảng của nền kinh tế chia sẻ.

Hậu giãn cách: Số hóa đúng phương hướng sẽ hái quả ngọt

Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy chuyển đổi từ offline sang online vẫn sẽ tiếp tục là xu hướng trong thời gian tới. Trong buổi phỏng vấn gần đây, bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc Điều hành của Grab Việt Nam đã nhận định, đối diện với môi trường kinh doanh và điều kiện kinh doanh thay đổi một cách đột ngột, cách duy nhất để các dịch vụ được tiếp tục đón nhận là đổi mới, sáng tạo để thích ứng với hoàn cảnh. Offline sang online là xu hướng tất yếu, chỉ là cách làm giờ đây sẽ khác, hình thức sẽ đa dạng hơn, nhu cầu khách hàng còn hơn cả một món ăn ngon.

Thực tế, dù có hay không cách ly, người dân vẫn mang tâm lý “sống chung với dịch”, nhiều người vẫn duy trì hạn chế tiếp xúc với đám đông. Các thói quen sinh hoạt dĩ nhiên phải có sự điều chỉnh.

Chuyển từ offline sang online được dự báo sẽ là xu hướng tiếp tục bùng nổ hậu “giãn cách xã hội"

Chuyển từ offline sang online được dự báo sẽ là xu hướng tiếp tục bùng nổ hậu “giãn cách xã hội"

"Các dấu hiệu cho thấy thói quen ăn uống của người tiêu dùng châu Á có thể thay đổi vĩnh viễn sau khi thế giới thoát khỏi tác động của đại dịch", kết quả khảo sát trực tuyến của Nielsen lấy ý kiến của hơn 6.000 người tại 11 nước, trong đó có Việt Nam cho thấy. Theo báo cáo này, 80% người trong khảo sát cho biết họ sẽ chú ý đến việc ăn uống an toàn, khỏe mạnh hơn sau dịch, trong khi 33% người Việt Nam trong khảo sát cho biết họ đã đặt thức ăn trực tuyến nhiều hơn bình thường.

Những sự thay đổi này chính là “đòn bẩy” để các hàng quán trực tuyến hóa mô hình kinh doanh. Doanh thu và niềm tin của khách hàng cho các mô hình bán hàng online vẫn sẽ đến, miễn là dịch bệnh lắng xuống và các đơn vị tuân thủ những biện pháp phòng chống dịch một cách nghiêm túc.

Đó cũng là lý do các nền tảng đặt món đang chung tay cùng đối tác chống dịch, thay vì nằm yên cho “qua ngày đoạn tháng”. Grab, GoViet, Baemin đã phải áp dụng không ít biện pháp hỗ trợ cho các nhà hàng, quán ăn; trang bị khẩu trang, nước rửa tay cho tài xế.

Bên cạnh an toàn cho khách hàng, thì việc “tiếp sức” cho các hàng quán cũng không thể xem nhẹ. Đó cũng là lý do trong chiến dịch hỗ trợ đối tác và cộng đồng trị giá 70 tỷ đồng của Grab, một phần ngân sách còn đến thẳng các hàng quán quy mô vừa và nhỏ để phục vụ việc chạy quảng cáo, tung khuyến mãi kích cầu. Một số cửa hàng, quán xá còn nhận khoản hỗ trợ chi phí mặt bằng từ Grab.

Anh Tài cho biết, thậm chí trong lúc thấp điểm và doanh số chạm đáy thì quán vẫn duy trì các khuyến mãi. Một phần bởi ngân sách ưu đãi hỗ trợ từ Grab, một phần anh tin rằng khách hàng sẽ quay trở lại vào ngày tháo cách ly.

“Từ ngày được mở bán lại, giãn cách được nới lỏng thì doanh số quán đổi chiều hướng lên, tôi cũng thở phào vì những cố gắng trong thời gian qua của mình, của Grab đã mang lại kết quả”, chủ chuỗi quán bún A Tài hào hứng nói. “Dù vẫn phải duy trì các biện pháp an toàn như thời dịch, có cực nhọc, mất công hơn nhưng tôi và anh em nhân viên chuỗi quán vẫn mừng vì tình hình kinh doanh đã chuyển biến tích cực”.

Có thể thấy, để thích nghi với những biến chuyển đột ngột của xã hội, dù là trong hay sau giãn cách, các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực sẽ còn phải thực hiện nhiều thay đổi về việc vận hành. Và các nền tảng giao nhận thức ăn, với hàng loạt sáng kiến, hỗ trợ kịp thời đã và đang đóng vai trò là bệ phóng đắc lực cho các hàng quán duy trì hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN