''Sóng'' sa thải ám ảnh lao động lớn tuổi

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Cuối tháng 8, TPHCM ghi nhận có hai doanh nghiệp (DN) dự kiến cắt giảm lao động với lý do “thiếu đơn hàng”. Điều đáng nói, trong số những người nghỉ việc, phần lớn là lao động làm việc lâu năm, lớn tuổi, có hợp đồng dài hạn…

Lao động ngoài 40 tuổi khó tìm được việc làm. Ảnh: U.P

Lao động ngoài 40 tuổi khó tìm được việc làm. Ảnh: U.P

Cơ hội việc làm mong manh

Trong căn phòng trọ rộng chưa tới 10m2 nằm sâu ở con hẻm nhỏ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga (40 tuổi, quê Nghệ An) chăm chú tìm thông tin tuyển dụng việc làm. Vốn là công nhân da giày tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam có thâm niên gần 10 năm, nhưng khi công ty gặp khó khăn về đơn hàng, vợ chồng chị Nga đều nằm trong danh sách cắt giảm.

“Mặc dù biết tình hình công ty gặp khó nhưng khi nhận tin mất việc, vợ chồng tôi rất bất an vì còn cha mẹ lớn tuổi, hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Dù được công ty đền bù hơn 80 triệu đồng nhưng về lâu dài, số tiền này cũng chỉ đủ cầm cự trong ít tháng. Gần đây, chúng tôi đến nhiều nơi xin việc nhưng họ chỉ tuyển tối đa đến 25 hoặc 30 tuổi. Chúng tôi lớn tuổi nên cơ hội việc làm càng thu hẹp lại” - chị Nga buồn rầu nói.

Gần 20 năm làm công nhân tại công ty may ở khu công nghiệp Tân Thuận, quận 7, nhưng hiện giờ, ở tuổi 47, bà Phạm Thị Dung (quê An Giang) lại trở thành người không việc làm, không thu nhập. Trước đây bà là trụ cột kinh tế chính của gia đình, nhưng từ khi mất việc, mọi chi tiêu đều trông vào đồng lương “bữa có bữa không” của chồng là lao động tự do. “Công nhân có tuổi tay chân bắt đầu chậm dần, mắt không còn sáng như trước, làm việc dễ nhầm lẫn... là đối tượng bị công ty cắt giảm đầu tiên. Tôi muốn đi bán vé số nhưng do tuổi cao, sức khoẻ không còn như trước nên đành ở nhà lo cơm nước, chờ ai thuê gì làm nấy kiếm sống qua ngày. Tôi đang chờ nhận bảo hiểm thất nghiệp rồi về quê, bám trụ ở thành phố lo không sống nổi” - bà Dung tâm sự.

Thực tế tại TPHCM hiện nay, hiếm DN sản xuất nào tuyển dụng công nhân trên 40 tuổi, nhất là ở các lĩnh vực cần tốc độ cao và tốn nhiều sức như may mặc, da giày, cơ khí, chế biến gỗ... nên cơ hội để lao động trung niên có việc làm thêm mong manh.

Mới đây, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (chuyên gia công giày xuất khẩu) tiếp tục thông báo cắt giảm lao động lần 4 với hơn 1.200 người. Trong các lần cắt giảm năm 2023, DN này đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 8.000 người. Đáng chú ý, độ tuổi nhóm lao động bị cắt giảm trên 40 tuổi chiếm 53,6%, có thâm niên làm việc 10 - 15 năm (chiếm 44,1%)…

Mới đây, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Nobland Việt Nam (chuyên về may mặc tại Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, quận 12) đã phản ứng, khi đơn vị này công bố danh sách hơn 600 lao động bị cắt giảm. Phần lớn trong số này đều gắn bó lâu năm, đang hưởng lương theo thời gian. Ngày 25/8, Ban quản lý các khu chế xuất, công nghiệp TPHCM (Hepza) yêu cầu Công ty Nobland tạm dừng phương án cắt giảm. Đồng thời rà soát danh sách, xây dựng phương án sử dụng lao động, thực hiện đúng quy định khi cắt giảm nhân sự. Công ty cần thỏa thuận với người lao động để đảm bảo hài hòa quyền lợi các bên.

Bị mất việc khi đã 40 tuổi, chị Nguyễn Thị Nga (40 tuổi, quê Nghệ An) gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm mới. Ảnh: U.P

Bị mất việc khi đã 40 tuổi, chị Nguyễn Thị Nga (40 tuổi, quê Nghệ An) gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm mới. Ảnh: U.P

Đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động nhìn nhận, việc sử dụng nhân sự đang là bài toán khá hóc búa đối với không ít DN khi phải đắn đo lựa chọn giữa cái “tình” hoặc lợi nhuận. Chính vì thế, việc cắt giảm lao động lớn tuổi được các DN giải thích là do đơn hàng giảm sút, đầu tư thiết bị, máy móc công nghệ cao đòi hỏi nguồn lao động trẻ được đào tạo… Song vấn đề chính là tiền lương và tiền tham gia các chế độ khác.

Theo báo cáo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, trong tháng 7, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tiếp nhận hơn 17.700 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 18.000 trường hợp; tiếp nhận hơn 55.000 lượt người lao động tìm việc làm.

Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TPHCM), tuổi đời của người lao động trong các DN tăng hằng năm, do đó, có hiện tượng DN ứng phó bằng cách “thay máu” lao động, cắt giảm lao động nhiều tuổi để tuyển người mới ở độ tuổi 18-30. Thời điểm này, những công nhân có tuổi đời cao phải chịu áp lực lớn nhất về năng suất lao động, không còn nhanh nhẹn nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc. “Tuy nhiên, các bên thường âm thầm thỏa thuận về điều kiện, chỉ khi lao động nhận thấy quyền lợi bị thiệt thòi mới nhờ hỗ trợ, tư vấn pháp lý” - ông Tâm nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết, chưa ghi nhận trường hợp DN lấy lý do gặp khó về đơn hàng để “thay máu lao động”. Nếu có tình trạng trên cần thông tin với Sở. “Có những DN khó khăn nhưng cũng có những DN đang có nhiều đơn hàng và có nhu cầu tuyển dụng. Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM nắm nhu cầu tuyển dụng của DN để kết nối với nguồn lực lao động” - ông Thinh cho biết.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH TPHCM tiếp tục tổ chức các phiên sàn giao dịch, kết nối với các đơn vị liên quan để đảm bảo cung cầu lao động. Ngoài ra, Sở hướng dẫn, hỗ trợ cho các DN ngừng sử dụng lao động rà soát, thực hiện đầy đủ các chính sách cho người lao động như hợp đồng, tiền lương, thưởng, các chế độ phúc lợi khác theo đúng quy định pháp luật.

Nguồn: [Link nguồn]

Hơn nửa triệu người bị mất việc và giãn việc

Sàn giao dịch việc làm được tổ chức hơn 10 năm qua đã kết nối cung - cầu lao động tuy nhiên giữa các địa phương hoạt động chưa đồng đều.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Phương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN