Chuyển khoản nhầm 450 triệu đồng: Chủ tài khoản cần làm gì để đòi lại tiền?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Người chuyển khoản nhầm có thể làm đơn gửi cơ quan cảnh sát điều tra để tố giác tội phạm hoặc khởi kiện ra tòa đối với người nhận tiền nhầm nhưng cố tình không trả lại.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ông Lương Văn Tr, ngụ Long An, đã chuyển tiền nhầm 450 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng cho một người lạ là ông Phạm Duy A. ở Bến Tre. Sau hơn 4 tháng, ông Tr. vẫn chưa lấy lại được tiền.

Liên quan vụ việc này, nhiều bạn đọc thắc mắc trong trường hợp chuyển nhầm tiền cho người lạ, chủ tài khoản cần phải làm gì và nên làm những thủ tục gì để lấy lại được tiền?

Cụ thể, với trường hợp ông Tr. - đã được tạm khóa tài khoản và tiền vẫn còn trong tài khoản của người nhận nhầm, ông nên làm gì để sớm lấy lại được tiền?

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư - thạc sĩ Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Kinh Luân (Đoàn Luật sư TP HCM), cho biết: Việc chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng của người khác thường xảy ra, gây ra sự phiền phức, rắc rối cho cả bên chuyển nhầm lẫn bên nhận nhầm.

Khoản 1 điều 579 Bộ Luật Dân sự 2015 nêu rõ: "Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó. Nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của bộ luật này". 

Khoản 1, Điều 580 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: "Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã thu được".

Người dùng cần kiểm tra kỹ các thông tin trước khi chuyển khoản, giao dịch online để tránh chuyển nhầm. Ảnh: Lam Giang

Người dùng cần kiểm tra kỹ các thông tin trước khi chuyển khoản, giao dịch online để tránh chuyển nhầm. Ảnh: Lam Giang

Như vậy, khi nhận tiền do người khác chuyển nhầm, người nhận phải có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ số tiền đó cho người chuyển nhầm; tuyệt đối không được chiếm giữ hoặc rút ra sử dụng. Khi người chuyển nhầm trực tiếp liên hệ hoặc nhờ cơ quan có thẩm quyền can thiệp, người nhận nhầm phải nhanh chóng hoàn trả cho người chuyển nhầm.

Nếu ông Phạm Duy A. không trả lại số tiền chuyển nhầm, đồng thời còn rút ra một khoản để sử dụng thì bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác. Hành vi này có thể bị phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời về mặt dân sự phải có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số tiền 450 triệu đồng đã nhận nhầm cho ông Tr.

Điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội nêu rõ: Nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng. Điểm b khoản 4 điều này cũng quy định người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này. Nếu người nhận nhầm tài sản cố tình không trả thì có dấu hiệu của tội "Chiếm giữ trái phép tài sản", được quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng; di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trường hợp phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá từ 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Nếu người nhận nhầm rút và sử dụng số tiền từ 100 triệu đồng trở lên thì còn có dấu hiệu phạm thêm tội "sử dụng trái phép tài sản" theo điều 177 Bộ Luật Hình sự 2015.

Từ các quy định nêu trên, nếu ông Lương Văn Tr. đã làm đủ các biện pháp để yêu cầu ông Phạm Duy A. trả lại tiền nhận nhầm nhưng không có kết quả do ông A cố tình né tránh, ông Tr. có thể làm đơn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre để tố giác tội phạm.

Trong trường hợp ông Lương Văn Tr. không tố giác đến cơ quan công an thì có thể khởi kiện ông Phạm Duy A. ra TAND huyện Giồng Trôm, nơi ông này cư trú, để yêu cầu hoàn trả số tiền nhận nhầm.

Nguồn: [Link nguồn]

Những ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận nửa đầu năm làm ăn ra sao?

Bức tranh khó khăn của kinh tế trong nửa đầu năm đã “ngấm” vào ngành ngân hàng khi kết quả kinh doanh quý 2 không quá sáng…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương ghi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN