BIDV hưởng lợi "khủng" như thế nào từ cổ đông nhà nước?

Sự kiện: Ngân hàng

Là một trong những ngân hàng có vốn nhà nước lớn nhất (95,28%), BIDV thường có lợi thế lớn về nguồn vốn nhà nước.

Theo báo cáo tài chính năm 2018, ngân hàng này có 70,43 nghìn tỷ đồng tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước và 24,16 nghìn tỷ đồng tiền gửi từ Bộ Tài chính vào thời điểm cuối năm 2018, tăng 46,1% so với cuối năm 2017.

Nguồn vốn này thường có lãi suất thấp hơn so với lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi khách hàng. Tuy nhiên, nguồn vốn này không ổn định và thường phụ thuộc nhiều vào kế hoạch phân bổ ngân sách cho các dự án công.

Cũng theo kết quả kinh doanh năm 2018, cho vay khách hàng đạt 988,97 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 14,1%. Tiền gửi khách hàng đạt 989,67 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 15,1%.

Năm 2018, tổng giá trị giấy tờ có giá phát hành cho khách hàng của BIDV trong năm 2018 giảm mạnh 52,2% so với năm 2017 xuống còn 39,99 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng giá trị vay từ NHNN, Bộ Tài chính và Kho bạc lại tăng mạnh 35,8% so với năm 2017, tương đương mức tăng 27,76 nghìn tỷ đồng, nên đã bù trừ cho khoản sụt giảm từ phát hành giấy tờ có giá.

BIDV hưởng lợi "khủng" như thế nào từ cổ đông nhà nước? - 1

Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2018, BIDV đạt 9.472 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 9,32% và hoàn thành 102% kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý vào cuối năm 2018 là 1,69%, tăng nhẹ so với mức 1,61% vào cuối năm 2017 do có 2.747 tỷ đồng nợ xấu hình thành mới trong năm 2018, chủ yếu là nợ Nhóm 4 và Nhóm 5.

Tuy nhiên, đã có sự cải thiện đáng kể ở nợ Nhóm 2, chiếm 4,09% tổng dư nợ so với tỷ trọng 5,10% vào cuối năm 2017 (giảm từ 6.498 tỷ đồng).

BIDV đã trích lập dự phòng ở mức cao kỷ lục, 18.893 tỷ đồng (tăng 27,3%) trong năm 2018, nâng tổng chi phí dự phòng tích lũy từ năm 2013 lên 62,08 nghìn tỷ đồng, tương đương 9,8% dư nợ bình quân giai đoạn 2012-2018.

Mặc dù quá trình xử lý nợ xấu đã có tiến triển trong 2 năm qua, nhưng theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, BIDV cần thêm 2-3 năm trích lập dự phòng quyết liệt nữa để xử lý phần lớn nợ xấu tồn đọng.

Kế hoạch phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược KEB Hana Bank vẫn chưa hoàn tất, đây sẽ là trở ngại cho BIDV trong mở rộng dư nợ. Hơn nữa, tỷ lệ CAR rất thấp của BIDV sẽ kéo theo nhu cầu vốn cấp 1 rất lớn trong vòng 3 năm tới.

BIDV cũng đã kiểm soát nghiêm ngặt chi phí hoạt động khi chỉ tăng 4% lên 16.124 tỷ đồng. Trong đó, chi phí liên quan đến nhân viên tăng 4,5% lên 8.879 tỷ đồng với số lượng nhân viên bình quân tăng 2,1%. Mức lương bình quân/nhân viên/tháng là 29,4 triệu đồng (năm 2017 là 28,59 triệu đồng).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Giang ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN