Bất chấp trừng phạt, Nga đạt doanh thu "khủng" từ xuất khẩu dầu khí

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine dẫn đến việc phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt để đánh vào nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, phân tích mới cho thấy doanh thu của Nga từ việc bán nhiên liệu tăng vọt trong 100 ngày đầu của xung đột.

Các tàu trong vịnh Nakhodka của Nga ngày 13/6. (Ảnh: Reuters)

Các tàu trong vịnh Nakhodka của Nga ngày 13/6. (Ảnh: Reuters)

Nga thu về khoản kỷ lục 93 tỷ euro từ xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và than trong 100 ngày tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và không khí tại Helsinki. Khoảng 2/3 số doanh thu đó đến từ dầu mỏ, phần còn lại chủ yếu từ khí đốt.

“Mức doanh thu hiện tại là chưa từng có tiền lệ, vì giá cả tăng quá cao, và khối lượng xuất khẩu gần đạt mức kỷ lục”, Lauri Myllyvirta, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hoá thạch là nguồn bảo đảm chủ yếu để Nga gia tăng sức mạnh quân sự. Năm 2021, doanh thu từ bán dầu mỏ và khí đốt chiếm đến 45% tổng thu ngân sách của Nga, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế.

Theo nghiên cứu mới, doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hoá thạch của Nga cao hơn nhiều so với chi phí cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong lúc này, động lực của cuộc chiến đang thay đổi theo hướng có lợi cho Nga, khi lực lượng của họ tập trung vào các mục tiêu khu vực cụ thể, còn phía Ukraine thiếu vũ khí.

Giới chức Ukraine liên tục kêu gọi các công ty và quốc gia chấm dứt hoàn toàn thương mại với Nga.

Ukraine cũng đang theo dõi các hoạt động xuất khẩu của Nga. Ông Oleg Ustenko, một cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hoá thạch đang giúp Nga duy trì cuộc chiến.

“Bạn có thể dừng nhập trứng cá muối và rượu vodka Nga. Điều đó tốt, nhưng không đủ. Bạn cần dừng mua dầu mỏ của Nga”, ông nói.

Dù xuất khẩu nhiên liệu hoá thạch của Nga bắt đầu giảm về khối lượng, khi một số công ty và quốc gia dừng mua, nhưng giá cả tăng cao khiến Nga vẫn có thể tiếp tục kiếm bội tiền.

Nghiên cứu tìm ra rằng trung bình giá xuất khẩu nhiên liệu của Nga cao hơn khoảng 60% so với năm ngoái, dù dầu của Nga đang thấp hơn thị trường thế giới khoảng 30%.

Châu Âu đang vật lộn với bài toán chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng Nga. Trong 100 ngày của cuộc xung đột, nhập khẩu khí đốt từ Nga vào EU giảm 23%. Tuy nhiên, doanh thu của tập đoàn khí đốt Nga Gazprom vẫn tăng gấp đôi so với năm ngoái, nhờ giá tăng cao.

Trong tháng 5, nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào EU giảm 18%. Nhưng sự giảm sút đó được Ấn Độ và UAE bù đắp, giúp doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga không giảm. Ấn Độ trở thành khách hàng lớn của dầu mỏ Nga, mua tới 18% tổng khối lượng xuất khẩu khí đốt của Nga trong giai đoạn 100 ngày.

Mỹ cấm tất cả nhập khẩu nhiên liệu hoá thạch từ Nga, nhưng vẫn nhập các sản phẩm xăng dầu từ các nước như Hà Lan và Ấn Độ, trong đó có thể có các sản phẩm được làm ra từ dầu thô của Nga. Đây là lỗ hổng khiến dầu của Nga vẫn có thể vào Mỹ, nghiên cứu kết luận.

Trung Quốc là nước mua nhiên liệu hoá thạch của Nga nhiều nhất trong giai đoạn 100 ngày, vượt qua Đức, Ý và Hà Lan. Trung Quốc mua dầu mỏ nhiều nhất, còn Nhật Bản là nước mua than của Nga nhiều nhất.

Nguồn: [Link nguồn]

Mới dọa rút khỏi Nga, chuỗi cửa hàng này lại mở 200 chi nhánh với tên gọi mới

McDonald's dự định sẽ tiếp tục hoạt động, duy trì chuỗi kinh doanh và mối quan hệ với hầu hết các nhà cung cấp, chuỗi nhà hàng tại Nga, theo TASS.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN