Phim đồng tính Việt: Sao hoài ném đá?

Nhiều đạo diễn đã liều mình "bơi" trên biển lớn và nhận "đá, gạch" từ người xem khi màn kịch do chính họ dựng nên quá vụng.

Lựa chọn một đề tài thiên về tình cảm, miêu tả nội tâm, thế nhưng các nhà làm phim dường như vẫn đứng ngoài cuộc ngay trên chính kịch bản của mình. Đi mon men, miêu tả hời hợt và lý giải khá trẻ con, chẳng những bộ phim không chạm được vào thế giới của người đồng tính mà càng làm cho hình ảnh của họ trở nên méo mó trong mắt mọi người.

Ba phim điện ảnh Việt đình đám trong hai năm gần đây đề cập đến đề tài đồng tính là Hot boy nổi loạn, Cảm hứng hoàn hảo và bộ phim vừa ra rạp Nàng men chàng bóng. Trong đó, ngoài thành công của Hot boy nổi loạn, hai bộ phim còn lại đã bị báo giới và khán giả "ném đá" ngay từ khi trailer được trình làng.

Phim đồng tính Việt: Sao hoài ném đá? - 1

Một cảnh quay khá nóng bỏng giữa Nam Thành và Thanh Duy trong Cảm hứng hoàn hảo.

Với Cảm hứng hoàn hảo, cái nhìn lệch lạc thể hiện qua từng mảnh chấp vá phi lý khiến khán giả xem xong chỉ biết phì cười vì nó quá ngô nghê. Cụ thể khi phát hiện em trai có mối tình đồng tính, ba chị gái sẵn sàng tìm mọi cách để lôi kéo anh chàng về với "bản năng gốc" bằng cách thuê một cô gái đến khêu gợi, thậm chí bản thân những người chị sẵn sàng trút bỏ xiêm y để em trai vẽ tranh hoàn thành bài tốt nghiệp.

Điều đáng nói ở đây chính là cách thể hiện, dường như trong mắt những người chị trong phim, đồng tính là rất xấu, em trai đồng tính cứ như cuộc sống của họ sẽ tắt ngúm và rơi xuống vực thẳm. Ngay sau khi ra mắt, bộ phim đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng". 

Những tưởng các nhà sản xuất phim sẽ "e dè" với kiểu kịch bản này thì Nàng men chàng bóng lại xuất hiện và chịu chung số phận. Nếu chịu khó xâu chuỗi các câu nói của "chàng bóng" với "nàng men", anh chàng vẫn còn "zin", và cái khiến anh ta bị mọi người trêu ghẹo là "chàng bóng" chỉ do ngoại hình và tính cách khá ẻo lả.

Phim đồng tính Việt: Sao hoài ném đá? - 2

Ngô Kiến Huy giả gái với phục trang khá lòe loẹt.

Nếu mọi việc được miêu tả dừng lại ở đây thì khi anh chàng bị "nàng men" hớp hồn và trở về giới tính thật không có gì đáng nói, vì đó chỉ là phút ngộ nhận của anh chàng. Thế nhưng do quá chú ý vào yếu tố gây cười, mà đạo diễn đã đẩy nhân vật của mình đi rất xa, nào là giả gái, tô son, thậm chí là rất mê trai. Vì vậy khi anh chàng "quay đầu là bờ" chỉ bằng những đụng chạm với phụ nữ trở nên quá khiên cưỡng và khó thuyết phục.

Nên chạm vào cuộc sống thực

Có thể nói, sai lầm lớn nhất của Cảm hứng hoàn hảo và Nàng men chàng bóng chính là đứng nhìn quá xa, nghĩ ngợi quá cạn và quá tham lam với kịch bản được dàn dựng chủ yếu để gây cười nhằm hút khách mà thiếu đi tính hợp lý.

Họ không chạm được vào thế giới cũng đầy "hỉ, nộ, ái, ố" với những thân phận như Hot boy nổi loạn, mà quan trọng hơn hết, bản chất của vấn đề cũng không phù hợp thực tế. Nói như một bạn nhận xét bên dưới trailer của Nàng men chàng bóng: "Đồng tính không phải là bệnh nên không thể chữa. Cái kết khiêng cưỡng cho thấy nỗ lực của nhà làm phim là muốn "chữa bệnh" cho những ai có giới tính thứ ba. Quá vô lý!".

Phim đồng tính Việt: Sao hoài ném đá? - 3

Đinh Ngọc Diệp và Ngô Kiến Huy trong một cảnh quay của Nàng men chàng bóng.

Thiết nghĩ, để có một kịch bản hay về đề tài đồng tính, các nhà làm phim nên dành cho mình thời gian tìm hiểu, quan sát nhiều hơn nữa, cảm thông nhiều hơn nữa về thế giới thứ ba. Một kịch bản được viết từ trái tim với những yếu tố thông cảm, bỏ qua yếu tố câu khách với những lời thoại ngô nghê, vụng về thì dù không đạt được đến độ nghệ thuật, khán giả vẫn có thể dễ dàng bỏ qua. Nhưng một khi sự dễ dãi trong kịch bản có thể gây ra tổn thương cho người khác, hãy dành một khoảng thời gian đủ dài để cân nhắc chuyện bỏ qua và tìm một đề tài khác, tránh để bị khán giả "ném đá" và gọi "đứa con" của mình là thảm họa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo iHay
Phim Việt: Tranh tối, tranh sáng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN