Xếp hạng trường đại học: Làm không thận trọng sẽ có tác dụng ngược

Sự kiện: Giáo dục

Bảng xếp hạng 49 trường ĐH made in Việt Nam đầu tiên hiện đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cũng đã chính thức đưa ra quan điểm về vấn đề này.

Xếp hạng trường đại học: Làm không thận trọng sẽ có tác dụng ngược - 1

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH

Việc xếp hạng các trường ĐH đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện nhưng hầu như chưa được thực hiện ở Việt Nam cho đến khi có bảng xếp hạng của nhóm nghiên cứu độc lập công bố ngày 6/9? Việc xếp hạng các trường ĐH có cần thiết với Việt Nam không, thưa bà?

Xếp hạng các trường ĐH theo đúng ý nghĩa của nó là cần thiết đối với hệ thống ĐH nhằm cung cấp thông tin cho các chủ thể liên quan tham khảo: 

Trước hết là người học cần có thông tin tham khảo để so sánh, chọn một trong các trường của cả hệ thống để theo học; các nhà khoa học, người lao động cần thêm thông tin để chọn nơi làm việc phù hợp; các đối tác cần thông tin để chọn nơi hợp tác nghiên cứu, giảng dạy, đặt hàng đào tạo; các nhà tuyển dụng cần thông tin để chọn “sản phẩm đào tạo” của trường nào để sử dụng…

Đối với các trường ĐH được xếp hạng, bảng xếp hạng với các công cụ phân tích thuyết phục sẽ giúp các trường có góc nhìn, đánh giá khách quan hơn về các mặt hoạt động cơ bản, về uy tín của họ… Điều đó sẽ góp phần để ra quyết định đúng về chiến lược cải thiện chất lượng và hiệu quả hoạt động, nâng cao uy tín, cạnh tranh lành mạnh để phát triển và nâng cao chất lượng, phục vụ người học, phục vụ cộng đồng. Các trường có thứ hạng cao sẽ dễ dàng thu hút sinh viên, tăng học phí để có thêm nguồn tài chính đầu tư cho chất lượng…

Đối với cơ quan quản lý, thông tin về xếp hạng các trường giúp xác định tương quan năng lực của mỗi trường với cả hệ thống để quyết định đầu tư ngân sách, đặt hàng đào tạo những ngành mà nhà nước có nhu cầu, tham khảo để xây dựng một số chính sách cho GDĐH… 

Việc xếp hạng cũng góp phần nâng cao tính minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, chất lượng thực tế, hiệu quả hoạt động của các trường… để xã hội giám sát, tạo ra động lực cạnh tranh tốt trong toàn hệ thống… 

Tuy nhiên, hiện nay không phải nước nào cũng xếp hạng đại học, ngay cả những nước phát triển. Điều này cho thấy mức độ khó khăn, tính phức tạp của công việc này.

Việc xếp hạng các trường ĐH cần phải chuẩn bị thật kỹ, thận trọng, kết quả của nó phải có sức thuyết phục. Cũng chính vì thế mà trên thế giới có rất nhiều tổ chức xếp hạng đại học nhưng chỉ có một số rất ít có được uy tín và đưa ra kết quả được nhiều người sử dụng để tham khảo. Tất cả kết quả xếp hạng cũng đều là thông tin tham khảo.

Tuy nhiên nếu làm không thận trọng sẽ mang lại tác dụng ngược như: làm ảnh hưởng đến uy tín của một số trường, làm “nhiễu thông tin xếp hạng” ảnh hưởng đến những quyết định của các chủ thể căn cứ vào kết quả xếp hạng đó; thậm chí có chủ thể có thể lợi dụng xếp hạng để trục lợi (công bố kết quả xếp hạng không đúng thực tế, thu học phí cao sau khi có kết quả xếp hạng không đúng thực tế; chú trọng đầu tư cho một số tiêu chí xếp hạng có trọng số cao mà không tính đến mục tiêu phát triển toàn diện và đáp ứng nhu cầu của người học, phục vụ cộng đồng…).

Qui định hiện hành về xếp hạng các trường ĐH như thế nào? việc Xếp hạng trường ĐH có được triển khai trong thời gian tới không và triển khai như thế nào, nếu có?

Sau khi có Luật GDĐH, năm 2015, Chính phủ đã ban hành NĐ số 73 về phân tầng, xếp hạng các cơ sở GDĐH và Bộ GD-ĐT cũng đã dự thảo xong thông tư hướng dẫn từ năm 2016. Luật GDĐH quy định: “Chính phủ … ban hành khung xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo mỗi tầng và tiêu chuẩn của từng hạng trong khung phục vụ công tác quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học.

Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng đối với đại học, trường đại học; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận xếp hạng đối với trường cao đẳng” (Điều 9). Trong điều kiện tự chủ ĐH thì các trường có quyền tự xác định sứ mạng, mục tiêu, vị trí, vai trò của mình… Vì vậy, nếu xếp hạng khi hệ thống chưa phân tầng, là không phù hợp với quy định hiện hành của Luật GDĐH.

Theo Nghị định số 73/2015/NĐ-CP, một trong những tiêu chí để xếp hạng là kết quả kiểm định chất lượng. Công tác này hiện đang được triển khai và đang tiến triển tốt. Các trường được kiểm định chất lượng thì cơ sở dữ liệu sẽ có độ tin cậy, được sử dụng làm một trong những cơ sở để tiến hành xếp hạng thì kết quả xếp hạng sẽ tin cậy hơn.

Đó là những lý do mà việc xếp hạng chưa được triển khai trong thời gian vừa qua. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ đưa vấn đề xếp hạng đại học vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH để việc xếp hạng của VN gần hơn với thông lệ quốc tế và phù hợp với chủ trương tự chủ đại học đang được ngày càng mở rộng ở Việt Nam.

Ngày 6/9, một nhóm chuyên gia độc lập đã công bố bảng xếp hạng 49 trường ĐH của Việt Nam. Bộ GD&ĐT đánh giá thế nào về bảng xếp hạng này? 

Trước hết, chúng tôi ghi nhận nỗ lực của nhóm đã chủ động nghiên cứu và công bố kết quả xếp hạng theo cách tiếp cận độc lập. 

Như đã nói trên, xếp hạng ĐH cần phải dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy, đánh giá trên một bộ tiêu chí khoa học, đầy đủ được thực hiện theo những nguyên tắc, quy trình được nhiều người tham gia thì kết quả xếp hạng mới có độ tin cậy cao, mới được tham khảo rộng rãi. Những kết quả nghiên cứu, đề xuất chưa được xây dựng trên nền tảng vững chắc thì có thể mang tính tham khảo về học thuật.

ĐH Ngoại thương phản hồi khi bị xếp thứ 23 trong bảng xếp hạng ĐH Việt Nam

“Việc sử dụng một vài tiêu chí khó có thể đánh giá toàn diện một cơ sở giáo dục đại học. Vì thế, kết quả này...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Tràm (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN