Tuyển sinh ĐH, CĐ 2015: Nhiều trường lo “loạn” tuyển sinh

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sau khi dự thi kỳ thi THPT Quốc gia, mỗi thí sinh sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển vào ĐH, CĐ. Dù được tăng cơ hội, nhưng nhiều thí sinh vẫn băn khoăn trong việc phải “tự bơi” vào các trường, trong khi đó trường ĐH, CĐ cũng ám ảnh vì tình trạng thí sinh “ảo” và có thể “loạn” trong tuyển sinh.

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2015: Nhiều trường lo “loạn” tuyển sinh - 1

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 thí sinh cần thận trọng, cân nhắc đối với những lần nộp hồ sơ xét tuyển. Ảnh: Q.Anh

Thêm cơ hội vào ĐH, CĐ?

Ở kỳ thi THPT Quốc gia 2015 sắp tới, các thí sinh tham gia kỳ thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ được nhận tổng cộng 4 giấy chứng nhận kết quả thi, tương ứng với nguyện vọng 1 (NV1) và các nguyện vọng bổ sung, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành hoặc nhóm ngành khác nhau của cùng một trường. Như vậy, mỗi thí sinh có tới 16 cơ hội để có thể bước vào ngưỡng cửa các trường ĐH, CĐ.

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) giải thích, đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh được thay đổi nguyện vọng xét tuyển trong thời hạn là 20 ngày. Với 3 giấy chứng nhận kết quả còn lại, thí sinh sử dụng để xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Từ đợt 2 trở đi, trong mỗi đợt, thí sinh có thể sử dụng cả 3 giấy chứng nhận kết quả này. Thí sinh lưu ý, điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.

Trong quá trình xét tuyển, Bộ GD&ĐT yêu cầu trường ĐH, CĐ cứ 3 ngày 1 lần phải công bố tình hình xét tuyển của trường sau khi đã cập nhật và sắp xếp danh sách thí sinh theo điểm từ cao xuống thấp để thí sinh theo dõi và lựa chọn. Theo đó, khi xét tuyển NV1, thí sinh có quyền lựa chọn và tích vào 4 ngành cùng một khối thi thuộc trường theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Nếu thí sinh không trúng tuyển ưu tiên 1, trường sẽ tự cập nhật dữ liệu xét tuyển các ưu tiên còn lại. Nếu thí sinh không đỗ cả 4 ngành thì mới chính thức trượt NV1.

“Chỉ khi trượt NV1 thì thí sinh mới được sử dụng 3 giấy chứng nhận kết quả còn lại để xét tuyển nguyện vọng bổ sung trong các đợt tiếp theo. Tương tự như NV1, đối với mỗi giấy chứng nhận, thí sinh được 4 ưu tiên xét tuyển tương ứng. Lưu ý, thí sinh không nên chọn vào những ngành mà mình cảm thấy không thích ở NV1, vì nếu đã trúng tuyển NV1 thì thí sinh không được quyền đăng ký nguyện vọng bổ sung”, ông Mai Văn Trinh đưa ra lời khuyên.

Cạnh tranh cao, phát sinh “ảo”

Có thể thấy rằng về cơ bản thí sinh có được nhiều điểm thuận lợi trong xét tuyển vào ĐH, CĐ so với các năm trước. Tuy nhiên, nhiều thí sinh của kỳ thi sắp tới cũng rất băn khoăn trước cơ hội trúng tuyển của mình, bởi đây là năm đầu thực hiện phương thức xét tuyển mới, có nhiều điểm chưa rõ ràng và có thể gây khó cho các thí sinh.

Thí sinh Nguyễn Lan Anh (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Về lý thuyết, chúng em được tới 16 cơ hội, song thực tế mọi chuyện không đơn giản. Bởi khi thi xong, có điểm và phát phiếu điểm, sẽ không loại trừ những “ngành hot” của trường công sẽ thu hút rất đông lượng thí sinh nộp hồ sơ, tính cạnh tranh sẽ cao hơn so với các năm trước. Ngoài ra còn có nhiều tổ hợp môn mới, mỗi trường có tiêu chí, mức điểm khác nhau nên buộc thí sinh rất vất vả trong việc lựa chọn ngành, trường để nộp đơn xét tuyển”.

Ngoài sự e ngại tính cạnh tranh quyết liệt ra, một số thí sinh (đặc biệt là những thí sinh ở vùng sâu, vùng xa) còn lo lắng cho việc đi lại trong quá trình xét tuyển, bởi quá trình nộp hồ sơ, rút hồ sơ và tham gia nhiều đợt xét tuyển sẽ rất khó khăn, tốn kém. Đối với các trường ĐH, CĐ, công tác tuyển sinh năm nay được dự báo là sẽ vất vả hơn trước, không tránh được tình trạng thí sinh “ảo”.

GS.TS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết: “Càng nhiều phiếu điểm, được rút hồ sơ sẽ tạo ra lượng thí sinh “ảo” lớn, gây khó khăn, vất vả trong tuyển sinh. Hàng năm, mỗi lần xét tuyển là trường “loay hoay” khi thí sinh ào ào tới nộp hồ sơ rồi ào ào tới rút, thậm chí trúng tuyển cũng không đến nhập học. Năm nay, vẫn còn ngưỡng tối thiểu giống điểm sàn cùng với việc các trường công lập cùng lấy ở một mức điểm thì khả năng thí sinh sẽ chọn trường công vì có mức học phí thấp hơn”.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cũng tỏ ra lo ngại tình trạng “loạn” trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới. Bởi, quy định của Bộ GD&ĐT áp dụng thí sinh tham gia xét tuyển sau khi có kết quả thi, trong các đợt xét tuyển NV1, nguyện vọng bổ sung… sẽ khó tránh khỏi hiện tượng thí sinh đổ dồn vào một ngành học, hay một trường nào đó gây quá tải, căng thẳng cạnh tranh không cần thiết. Bên cạnh đó, các thí sinh cũng sẽ phải “gồng mình” thu thập thông tin, cân nhắc chuyện nộp - rút hồ sơ xét tuyển…, chưa kể hàng loạt các tổ hợp môn thi theo khối mới được các trường đưa ra.

Ở các đợt xét tuyển vào ĐH, CĐ ở kỳ tuyển sinh sắp tới, ngoài việc lựa chọn ngành học theo sở thích, các chuyên gia giáo dục cũng đặc biệt lưu ý thí sinh cần theo dõi và cập nhật thông tin xét tuyển thường xuyên trên các website chính thức của các trường ĐH, CĐ để biết ngưỡng xét tuyển của các trường, lượng hồ sơ xét tuyển, thống kê điểm từ cao xuống thấp tương ứng với chỉ tiêu tuyển sinh… để cân nhắc và dự đoán được cơ hội trúng tuyển.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh/Gia đình & Xã hội
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN