Tuyển dụng từ chối, đào tạo cứ "nhồi"

Sau hệ tại chức, tiếp đến hệ đào tạo liên thông đại học bị các nhà tuyển dụng từ chối. Việc không đảm bảo chất lượng hệ liên thông cũng được chính cơ quan quản lý ngành dọc thừa nhận nhưng thực tế tuyển sinh hệ này năm nay vẫn rất phức tạp.

"Không tiếp nhận liên thông”

Trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay, một loạt địa phương trên cả nước đã tiến hành công tác tuyển dụng viên chức cho ngành giáo dục nhưng đều thông báo rõ chỉ tuyển hệ chính quy như Sở GD-ĐT Thái Nguyên, Sở GD-ĐT Phú Thọ, Sở GD-ĐT Hà Nội... Sở GD-ĐT Phú Thọ thông báo tuyển viên chức năm 2012 nêu rõ yêu cầu người dự tuyển viên chức giáo viên “Tốt nghiệp hệ chính quy tập trung (không bao gồm chính quy liên thông).

Còn Sở GD-ĐT Hà Nội thông báo có nhu cầu tuyển số lượng khá lớn, hơn 800 chỉ tiêu tuyển viên chức cho các trường công lập 2012 nhưng nêu rõ: “Không tiếp nhận hồ sơ của thí sinh tốt nghiệp đại học theo hình thức liên thông”. Theo đó, các đơn vị tuyển dụng này chỉ tiếp nhận hồ sơ dự tuyển của những người tốt nghiệp hệ chính quy của trường đại học sư phạm hoặc khoa sư phạm của các trường đại học công lập hoặc tốt nghiệp đại học ở các trường khác (ngoài sư phạm) trong và ngoài nước phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và có chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Tuyển dụng từ chối, đào tạo cứ  "nhồi" - 1

Cùng bằng chính quy nhưng cử nhân hệ liên thông đang ngày càng bị từ chối tuyển dụng nhiều hơn. (Ảnh minh họa)

Với lý do, tuyển dụng ngành sư phạm cần đòi hỏi khắt khe về đầu vào với yêu cầu đào tạo bài bản thì sinh viên tốt nghiệp hệ liên thông, dù vẫn là bằng chính quy nhưng đã chính thức không được xếp vào danh sách ứng viên được tuyển dụng với ngành này. Nhận xét về việc phân biệt giữa đào tạo hệ chính quy tập trung với liên thông trong tuyển dụng, GS. Văn Như Cương cho biết, ông hoàn toàn đồng ý. “Bản thân tôi cũng từng có lần tham gia đào tạo tại chức, tôi hiểu bản chất thật sự của guồng quay này. Hệ liên thông, hệ tại chức thực sự là “cần câu cơm” của các trường ĐH, trong khi việc quản lý lại không đến nơi đến chốn”.

Bộ siết chặt các trường làm ngơ

Đúng như GS. Văn Như Cương nhận định, hệ liên thông cũng như tại chức là nguồn thu nhập lớn của các trường. Chính vì thế, ngay sau khi có chủ trương đào tạo liên thông, trước nhu cầu lớn của người học, đặc biệt là từ bậc trung cấp, cao đẳng nghề lên đại học, nhiều trường đã ngay lập tức “bắt nhịp” với trào lưu này dù chưa được Bộ đồng ý.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường không tổ chức liên kết đào tạo liên thông để cấp bằng chính quy ngoài cơ sở đào tạo của trường nhưng thực tế có những đơn vị đang triển khai chiêu sinh và đào tạo cách trụ sở của mình đến cả nghìn kilômét. Trường ĐH Điện lực không chỉ liên thông tại các cơ sở ở phía Bắc mà thông báo chiêu sinh cả ở cơ sở phía Nam đặt tại TP Hồ Chí Minh. Trường ĐH Công nghệ Đông Á, Bắc Ninh cũng tuyển sinh và đào tạo hệ liên thông ĐH chính quy 2 ngành Kế toán, Tài chính - Ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh… Trường CĐ nghề kỹ thuật công nghệ cũng thông báo học sinh học hệ CĐ nghề, trung cấp nghề khi tốt nghiệp được học liên thông lên CĐ, ĐH chính quy tại trường.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng thông báo tuyển sinh hệ nghề và khẳng định sinh viên hệ nghề được dự thi liên thông lên ĐH chính quy và sẽ được nhận bằng ĐH chính quy do Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cấp. Trong khi đó, theo quan điểm của Bộ GD-ĐT vì hai hệ CĐ nghề và CĐ chính quy có nhiều nội dung khác nhau (CĐ nghề học về thực hành, không thi tuyển, CĐ chính quy phải qua thi tuyển, chương trình đào tạo bao gồm lý thuyết và thực hành) nên trường nào muốn liên thông hệ CĐ, trung cấp nghề phải làm đề án trình Bộ xem xét thẩm định rồi mới cấp phép chứ không thể “vô tư” đào tạo.

“Hiện nay việc tổ chức, quản lý đào tạo liên thông, liên kết tại một số đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng không đúng quy định và chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng. Để chấn chỉnh đào tạo liên thông, liên kết, yêu cầu các trường đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học, từ trung cấp nghề và cao đẳng nghề lên cao đẳng và đại học phải có quyết định giao nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng, trên cơ sở các trường công bố công khai chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng, kế hoạch đào tạo cho người học trên trang thông tin điện tử của trường, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý các trường thực hiện sai quy định trong đào tạo liên thông, liên kết. Có thể thấy rằng, trong khi chờ Bộ kiểm tra, xử lý thì thực tế, đầu ra của hệ đào tạo này đang có nguy cơ thu hẹp bởi những sự từ chối thẳng thừng của các đơn vị tuyển dụng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Anh (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN