Tủi phận trường nghèo

Năm học 2012-2013, TPHCM có thêm 17 trường với 2.499 phòng học mới được đưa vào sử dụng. Niềm vui của trường này cũng là nỗi chạnh lòng của không ít trường khác khi đón ngày khai giảng trong những ngôi trường đã xuống cấp nghiêm trọng.

Niềm vui được học trong ngôi trường khang trang, thơm mùi sơn mới có lẽ là niềm mong ước xa xỉ của thầy và trò trong những ngôi trường bị “treo” cả hơn 10 năm nay.

“Treo” hơn 10 năm

Sau cơn mưa ngày 31/8, lúc chúng tôi đến mảnh sân của Trường THCS Nguyễn Ánh Thủ (quận 12- TPHCM) vẫn còn đọng lại những vũng nước lớn. Bà Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ, cho biết: “Năm nay có 4 phòng mới được nâng nền. Mọi năm mưa nhỏ hay lớn đều ngập đến đầu gối, bởi trường nằm ở vùng đất thấp nhất tại khu vực này, nước chỉ đọng lại mà không thể thoát. Lo nhất khi trời mưa, điện bị nhiễm nước thì không biết được chuyện gì sẽ xảy ra”.

Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ chỉ là 2 dãy nhà cấp 4 lụp xụp, khá “nổi tiếng” của quận 12 vì vướng giải tỏa từ năm 1998. Bà Thắm cho biết: “Qua 4 đời hiệu trưởng với hơn 5 nhiệm kỳ nhưng hy vọng về một ngôi trường mới cứ ngày càng xa vời. Giờ thì chúng tôi bó tay. Niềm mong ước nhất lúc này là được quận đầu tư xây thêm một lầu trên nền nhà cũ làm các phòng chức năng để học sinh đỡ thiệt thòi”.

Tủi phận trường nghèo - 1

Phải làm việc cả ngoài hành lang tại Trường Nguyễn Ánh Thủ, quận 12 - TPHCM

Toàn bộ các phòng, ban của trường như phòng của ban giám hiệu, phòng y tế, đoàn thanh niên, phòng tài vụ... dồn vào căn phòng chưa đầy 40m2, quá chật chội, phải kê một cái bàn ngoài hành lang để có chỗ làm việc. Khi trời mưa, nơi này bị tạt nước, lúc nắng gắt thì phải lôi bàn ra nơi khác. Còn vài chỗ trống, trường tận dụng kê vài ghế đá làm chỗ cho giáo viên nghỉ trưa.

Năm nay, một số phòng học đã có cửa sổ, không phải dùng mảnh vải để che mưa như mọi năm. Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, cho biết: “Trường THCS Nguyễn Ánh Thủ là trường khó khăn nhất của quận 12 vì 10 năm qua chưa xây dựng được do vướng mặt bằng, phụ huynh rất ngại đưa con vào học ngôi trường này vì trường quá chật chội, ẩm thấp”.

Chung cảnh “treo” hơn 10 năm là tình trạng xảy ra ở Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5 -TPHCM). Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, cho biết: “UBND quận nhiều lần thuyết phục nhưng 10 năm qua, một hộ dân vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng”.

Ngay trong nội thành, ước mong một ngôi trường khang trang, có hàng cây xanh, ghế đá có lẽ chỉ có trên sách vở. Điển hình, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, (quận 8-TPHCM) 10 năm qua cũng chỉ được sơn, quét vôi, hiện trạng vẫn không cải thiện được gì. Đây là ngôi trường sống chung với một nhà sách, học sinh không có chỗ vui chơi.

Tại quận 3-TPHCM, theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Phòng GD-ĐT quận 3: “Phần lớn các trường mầm non được cải tạo từ nhà ở nên rất hạn chế về sân chơi, như Trường Mầm non Hoa Mai đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng xin 10 năm nay vẫn chưa xây dựng được bởi vướng biệt thự bảo tồn”.

Nghe... thực hành!

Ngoài cơ sở vật chất thiếu thốn, học sinh những trường nghèo cũng chịu không ít thiệt thòi. Bà Thắm chia sẻ: “Nói là nghe thực hành chắc chẳng ai tin nhưng trường THCS Nguyễn Ánh Thủ lâu nay không có phòng thực hành, không phòng thí nghiệm, không phòng chức năng, cho nên phần học thực hành, thí nghiệm chỉ  làm... trên giấy!

Tủi phận trường nghèo - 2

Tận dụng nhà để xe dùng làm sân chơi cho học sinh tại Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5 - TPHCM

Sân trường chật hẹp nên ngày khai giảng, học sinh chẳng biết rước cờ là gì”. Nói về việc đánh giá tiêu chuẩn các trường, bà Thắm bức xúc: Xã hội công bằng học tập nhưng hệ thống đánh giá lại rất bất công.

Khi đánh giá chẳng có mục nào ghi chú trường nào khó khăn. Đơn cử, trường ở xa trung tâm, nếu muốn học sinh tham gia phong trào phải thuê một chuyến xe, rẻ nhất cũng phải 300.000 đồng, làm sao trường chúng tôi có tiền để tham gia phong trào lấy thành tích. Còn bà Võ Ngọc Thu nhìn nhận: Trường Huỳnh Mẫn Đạt như một nhà tập thể, học sinh phải tận dụng nhà để xe, hành lang lớp học để chơi và tầng thượng làm sân thể dục.

Ông Đặng Thái Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ), lại băn khoăn: “Bao nhiêu năm vẫn không thể có kinh phí để lát gạch hoặc tráng xi măng cho sân trường. Hiện tại, sân vẫn là nền đất trơn trượt khi trời mưa, trời nắng thì bụi mù. Vận động cha mẹ học sinh thì không thể  vì địa bàn này có tới gần 100% dân thuộc hộ nghèo. Vận động trẻ đến trường đủ đã là may mắn lắm rồi”.

Sĩ số học sinh ngày càng giảm

Bà Nguyễn Thị Thắm phân tích vào mùa tuyển sinh, trường khác người ta tìm cách chạy vào, còn trường mình thì người ta tìm mọi cách chạy đi vì phụ huynh chê. Để có được nguồn ngân sách Nhà nước (tính trên đầu học sinh), trường nhận hết những em ở mái ấm, nhà mở, những học sinh diện KT3, KT2, cả những diện tạm trú ở các trường khác. Tóm lại, nơi nào không nhận thì trường chúng tôi nhận hết nên chất lượng không thể đồng đều.

Vậy mà sĩ số học sinh cũng không cao. Năm nay Trường THCS Nguyễn Ánh Thủ chỉ tuyển được khoảng 700 em. Năm trước, theo phân tuyến từ Trường Thuận Kiều về đây phải có 270 em vào lớp 6, nhưng khi chốt danh sách chính thức chỉ còn 200 em, mất 70 em tương đương với mất 2 lớp. Còn Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt sĩ số học sinh cũng ngày càng giảm. Theo bà Võ Ngọc Thu, sĩ số học sinh năm nay ở trường này chỉ vào khoảng 28-30 em/lớp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN