Trước khi được phong Phó Giáo sư tại Úc, Á quân Đường lên đỉnh Olympia đầu tiên từng gây bão vì quan điểm dạy con khác biệt

Sự kiện: Giáo dục

Bên cạnh sự nghiệp thăng hoa, Nguyễn Thành Vinh còn có cuộc sống viên mãn bên bà xã là bạn học cùng cấp 3.

Những ngày nay, thông tin về Nguyễn Thành Vinh, Á quân Đường lên đỉnh Olympia mùa đầu tiên được phong hàm Phó Giáo sư tại Úc đã khiến những người hâm mộ không khỏi tự hào.

Nguyễn Thành Vinh thời thi Đường lên đỉnh Olympia và hiện tại

Nguyễn Thành Vinh thời thi Đường lên đỉnh Olympia và hiện tại

Dù không giành được vòng nguyệt quế chung cuộc nhưng Nguyễn Thành Vinh, Á quân mùa 1 vẫn tỏa sáng xuất sắc cuộc thi. Năm đó, nam sinh trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa chỉ về nhì với 250 điểm. Còn người về nhất là Trần Ngọc Minh, nữ sinh THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long.

Sau nhiều năm, cả người về nhất mà về nhì năm đó đều có sự nghiệp thành công rực rỡ. Được biết sau khi tốt nghiệp THPT, Thành Vinh cũng lên đường sang Australia du học. Mới đây, Á quân Olympia mùa đầu tiên chính thức được phong hàm Phó Giáo sư tại Đại học New South Wales - Australia.

Trên website chính thức của ngôi trường nghiên cứu và giảng dạy hàng đầu này cũng có bài đăng giới thiệu thông tin về Thành Vinh. Theo đó, Thành Vinh từng theo học ngành Hóa học công nghiệp tại Đại học New South Wales. Sau đó, anh tiếp tục học lên Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Úc. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp, chàng Á quân Olympia mùa 1 nhận Học Bổng Nghiên Cứu Của Quỹ Alexander von Humboldt và sang Đức tiếp tục nghiên cứu tại Viện Hoá học hữu cơ, Đại học công lập RWTH Aachen.

Năm 2013, Thành Vinh chuyển tới Đại học Curtin (Perth, Australia) để thành lập nhóm nghiên cứu độc lập của riêng mình. Năm 2015, anh đảm nhận vị trí giảng viên, đồng thời tham gia chương trình DECRA (một chương trình hỗ trợ nghiên cứu của chính phủ Úc) tại Trung tâm nghiên cứu Hóa học, thuộc Đại học New South Wales.

Năm 2018, Thành Vinh được thăng chức giảng viên cao cấp. Không chỉ vậy, năm 2019, anh nhận được Học bổng ARC Future Fellowship của Chính phủ Úc. Đây là học bổng hỗ trợ các nhà nghiên cứu xuất sắc trong việc nghiên cứu các lĩnh vực mang lại lợi ích quốc gia và quốc tế. Và đến năm 2021, Thành Vinh được phong hàm Phó Giáo sư.

Gây bão với quan điểm không cho con học trường điểm

Tổ ấm hạnh phúc của Nguyễn Thành Vinh khi anh mới kết hôn và sinh con

Tổ ấm hạnh phúc của Nguyễn Thành Vinh khi anh mới kết hôn và sinh con

Thành đạt trong sự nghiệp, ít người biết rằng Nguyễn Thành Vinh kết hôn khá sớm. Anh kết hôn vào năm 2009 với 1 cô bạn học cùng từ thời cấp 3. Cách đây gần 10 năm, khi hai con còn nhỏ, Nguyễn Thành Vinh đã gây bão dư luận bởi bức thư gửi 2 con bày tỏ quan điểm giáo dục khác biệt vào thời điểm đó.

"Này, hai nhóc!

Khi mới bắt đầu viết đến dòng đầu tiên của lá thư này, tự dưng bố bật cười chợt nghĩ đến ngày xưa hay đọc lén lưu bút của các chị, tức là bác của các con. Tuổi học trò sến lắm, khi chia tay nhau cuối năm học thường viết những lời thống thiết, đề thời gian kiểu: ngày buồn, tháng nhớ, năm thương.

Tất nhiên chủ nhân của những dòng lưu niệm đầy nước mắt đó ít khi chia tay nhau, qua ngày khai trường năm mới là gặp lại, trừ những nhân vật lưu ban nhỡ nhàng.

Hôm nay, bố đi ăn tối ở nhà một vài người bạn. Nói chuyện lan man và quay về vấn đề giáo dục. Mọi người có vẻ ngạc nhiên lắm khi thấy bố lên kế hoạch cách mạng văn hoá cho hai nhóc một cách rất không hợp thời đại. Trong khi người ta bằng mọi cách cho con cái vào trường điểm, chất lượng cao, thì bố chỉ mong hai nhóc sau này được học trường làng, được học ít mà vui chơi nhiều, được thực sự có được một tuổi thơ nhiều kỷ niệm, được nhẹ nhàng không bon chen điểm chác thành tích. Thế là đã hơn thế hệ bố mẹ nhiều lắm. Bố không cần các con học giỏi, bố mong các con được sống một cuộc sống ý nghĩa, vì không bao giờ có một giai đoạn nào trong cuộc sống tươi đẹp hơn tuổi thơ mình.

Năm 2019, Nguyễn Thành Vinh đưa vợ con về Việt Nam thăm gia đình, gặp gỡ bạn bè.

Năm 2019, Nguyễn Thành Vinh đưa vợ con về Việt Nam thăm gia đình, gặp gỡ bạn bè.

May mà mẹ hai đứa cũng rất đồng ý với bố ở điểm này đấy. Rất lạ, nhiều khi bố không hiểu có phải tình yêu và thời gian cải tạo suy nghĩ và tính cách của hai người không. Chứ ở thời điểm này, sau gần bảy năm yêu mẹ, bố vẫn chưa hết ngạc nhiên vì bố mẹ hợp nhau và có nhiều suy nghĩ giống nhau trong cuộc sống quá. Nếu trời đã sinh ra như vậy thì tạo hoá đã quá ưu đãi bố rồi. Cái nồi méo xệch lăn lăn trên đời, tưởng sẽ hở hang mãi mãi, ai dè vớ được cái vung úp chụp vừa như in. Nghĩ vậy nên bố vẫn tươi cười đi qua các ngược đãi của số phận, có ai được tất cả những gì mình muốn đâu, phải không?

Bố đang ở trong một thời gian thử thách khắc nghiệt của công việc. Những gì người khác làm trong nhiều tháng, bố sẽ phải học và làm được trong bốn tuần. Sẽ làm để rút ngắn thời gian lại, để nhanh có các con trên đời hơn nữa.

Thử thách này bố sẽ vượt qua được thôi.

Thôi tạm biệt Gấu và Dac, yêu các con!

P/S: Viết xong thư, đọc lại bố chẳng hiểu mình muốn nói gì cả. Thôi để tóm tắt lại, hai nhóc hãy xem đây là thư cho phép hai nhóc được học dốt. Dù giỏi hay dốt thì bố cũng tự hào vì các con."

Bức thư của Nguyễn Thành Vinh khi đó đã gây tranh luận khá gay gắt về quan điểm nuôi dạy con. Nhiều người đồng tình với quan điểm của anh nhưng cũng không ít người cho rằng quan điểm đó không hề phù hợp với giáo dục của nước nhà. Tuy vậy, quan điểm hiện đại, tư duy khác biệt của anh về giáo dục cũng khiến nhiều người nể phục.

Tranh cãi với phát biểu "về nước là một sự lãng phí"

Hình ảnh hiếm hoi được Nguyễn Thành Vinh chia sẻ trên mạng xã hội.

Hình ảnh hiếm hoi được Nguyễn Thành Vinh chia sẻ trên mạng xã hội.

Năm 2015, Thành Vinh gây bão dư luận khi phát biểu, về nước là một sự lãng phí nên anh quyết định ở lại Úc: "Lãng phí thì rõ ràng rồi. Vì chúng tôi đã bỏ hết tuổi trẻ ra để học, để đeo đuổi một con đường và muốn làm những thứ chuyên môn đúng nghĩa nhưng ở Việt Nam thì chắc chắn là khó làm được.

Nhưng còn những lý do khác. Thứ nhất, cuộc sống bên này sẽ tốt hơn cho những ai đã học xong. Gia đình tôi sẽ sống thoải mái hơn và các con tôi sẽ được hưởng một nền giáo dục tốt hơn. Và, điều kiện, môi trường làm việc chắc chắn tốt hơn.

Bên này, tôi không phải lo lắng đến việc phải làm thêm một cái gì đó để sống cả. Làm đúng công việc của mình có thể sống khỏe, sống yên. Những người có chuyên môn chỉ cần sống với chuyên môn, không cần phải chạy đua chức tước hay gì cả."

Nguồn: [Link nguồn]

Á quân Olympia, Nam của 'Phía trước là bầu trời' được phong hàm Phó Giáo sư

Nam trong ''Phía trước là bầu trời'', Á quân Olympia mùa đầu tiên lại gây bất ngờ với thành tích đáng nể...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo K.N ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN