Trẻ nên học tiếng Anh online từ độ tuổi nào?

Sự kiện: Giáo dục

Trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19, nhiều ý kiến của các nhà giáo, chuyên gia giáo dục cho rằng đã đến lúc phải xây dựng một chương trình tiếng Anh online nghiêm túc và hiệu quả

Trẻ chạy đua học tại các trung tâm ngoại ngữ nhưng hiệu quả thật sự bao nhiêu, trẻ có hứng thú không thì không phải phụ huynh nào cũng biết.

Học theo phong trào

Chị Phạm Ngọc Diệp, phụ huynh đang có con 4 tuổi học tại Trường Mầm non Anh Đào (quận Gò Vấp, TP HCM), cho biết trước đây, ngoài thời gian học tập ở trường, chị cho con tham gia lớp học thêm tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ. Chị Diệp cho biết lý do cho con đi học chỉ là thấy phụ huynh khác rủ thì cho con theo, chi phí vào khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, một tuần học vào thứ bảy, chủ nhật, mỗi buổi 2 giờ. "Mức chi phí này hợp lý, con đi học về cũng nói được nhiều từ tiếng Anh cơ bản; bé hoạt bát, nhanh nhẹn hơn nên nếu không bị ảnh hưởng dịch bệnh, tôi sẽ cho con học thêm trong hè" - chị Diệp cho biết.

Bà Lê Thu Cúc, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, chia sẻ nhiều phụ huynh đặt vấn đề muốn cho con học thêm tiếng Anh nhưng chủ yếu là theo phong trào; thấy con người ta học mà con mình không học là sốt ruột, lo lắng. Nhiều phụ huynh cũng tự hào con mình được học trong trung tâm "xịn", đắt tiền và mặc định cứ thế là tốt.

Học tiếng Anh online là một lựa chọn trong thời kỳ dịch bệnh

Học tiếng Anh online là một lựa chọn trong thời kỳ dịch bệnh

"Nhưng thực tế, ngay bản thân phụ huynh cũng không biết con đang học chương trình gì, phương pháp giảng dạy và mục tiêu ra sao?" - bà Cúc nhìn nhận. Cũng theo bà Cúc, hiện có nhiều ý kiến tranh luận về thời gian học tiếng Anh cho trẻ bắt đầu từ lúc nào thì hợp lý? Tuy nhiên, mỗi giai đoạn đều có những mặt được và chưa được. Học sớm thì phát âm có thể tốt hơn nhưng năng lực ngôn ngữ không thể được.

"Quan điểm của tôi là vào lớp 1 mới nên cho trẻ học cho biết và duy trì tương tác để có phản xạ, cho trẻ làm quen và dần hình thành ý thức về việc học tiếng Anh. Không cần đi học ở trung tâm quá sớm vì lãng phí" - bà Cúc nêu.

Quan trọng là cách học

Bà Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers, cho rằng học tiếng Anh bằng cách nào quan trọng hơn khi nào, trên nguyên tắc yêu tiếng Việt, hiểu tiếng Anh là công cụ cho cuộc sống.

Theo bà Thụy Anh, hiện nay, đặc trưng bộ môn tiếng Anh trong nhà trường đã không được xem trọng. Đặc trưng của việc dạy và học môn tiếng Anh trong nhà trường theo nghĩa hẹp là hình thành khả năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh. Nhưng chúng ta lại dạy học sinh theo cách dạy hóa, toán, học thuộc lòng công thức, tìm những dấu hiệu rồi ráp công thức… Và thế là học sinh học vẹt, làm bài tập ngữ pháp rất tốt nhưng giao tiếp kém.

Nổi tiếng với phương pháp dạy tiếng Anh cho con và con dành được hàng loạt thành tích, giải thưởng danh giá về tiếng Anh trong và ngoài nước, bà Nguyễn Hồ Thụy Anh chia sẻ cho con làm quen với tiếng Anh từ lúc con 4 tuổi. "Tôi sao chép y nguyên kiểu học của học sinh nhập cư đến Mỹ về áp dụng với con, bắt đầu bằng những câu chuyện, bài thơ bằng tiếng Anh. Chúng tôi kể chuyện cho các con, tự thiết kế chương trình, câu chuyện tiếp nối câu chuyện, các trò chơi, bài hát… các con cứ thế tiếp nhận tiếng Anh một cách tự nhiên; không hề học văn phạm, không ngồi chép từ để học thuộc. Những việc này để các con được nhìn, nghe, hoạt động, cảm nhận và chơi với tiếng Anh, rồi một ngày các con sẽ nói, viết tiếng Anh thật tự nhiên. Trong đó, đọc sách tiếng Anh là một nguồn tài nguyên tuyệt vời" - bà Thụy Anh chia sẻ.

Cũng theo bà Thụy Anh, thực tế hiện nay, học online chỉ phù hợp với học sinh THCS, THPT khi đã có khả năng tự học và hình thành chú ý có chủ định, khả năng tập trung cao. Còn cấp tiểu học và mầm non, học sinh chưa có khả năng tự học. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đại dịch, việc tổ chức dạy học online cho học sinh mầm non và tiểu học chỉ thật sự thành công khi chúng ta biết dựa trên đặc điểm nhận thức: Xuất phát từ khả năng tập trung của trẻ mầm non không cao và chú ý không chủ định vẫn chiếm ưu thế, chúng ta thiết kế một tiết dạy cho trẻ mầm non trong một khoảng thời gian không quá dài, có nhiều hoạt động động, tĩnh xen lẫn; sự tương tác giữa học online và offline phải đan xen.

"Cách chúng ta tiến hành giờ học online như thế nào để phù hợp với đặc điểm nhận thức, tâm sinh lý và kiểu học của trẻ ở từng độ tuổi quan trọng và quyết định đến sự hiệu quả của một tiết học online chứ không phải chờ đến một độ tuổi nào đó mới áp dụng học online" - bà Thụy Anh lưu ý. 

Xây dựng chương trình hiệu quả

Theo bà Nguyễn Hồ Thụy Anh, chương trình học online trong giai đoạn này không còn là giải pháp tình thế mà là một lựa chọn cho học sinh bên cạnh hình thức học truyền thống. Học online không đơn giản là lấy một giáo trình được dạy mặt đối mặt và chuyển lên dạy online. Có những hoạt động sẽ rất hiệu quả khi dạy mặt đối mặt nhưng khi để lên online, lại không có tác dụng. Dạy online đòi hỏi phải có một sự thiết kế bài giảng công phu, tính toán chi tiết...

Nguồn: [Link nguồn]

Những hình ảnh chỉ có trong đại dịch COVID-19: Thi thử online, phụ huynh giúp thầy cô làm giám thị

Để ứng phó với đại dịch đang ngày một phức tạp, nhiều trường trên địa bàn Hải Phòng chuyển việc khảo sát chất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN