TP.HCM: Thiếu giáo viên mầm non ngoài công lập

Thiếu chính sách hỗ trợ, lương thấp, hay nhảy việc… là những nguyên nhân khiến các trường mầm non ngoài công lập luôn đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên.

Trên dưới 50% trẻ mầm non (MN) của TP đang theo học trong khối trường ngoài công lập, chưa kể sắp tới TP sẽ có chủ trương nhận giữ trẻ 6-18 tháng tuổi nhưng không ít chủ trường lắc đầu rằng cho cũng không dám nhận vì tuyển giáo viên (GV) khó quá. Không ít đơn vị vì thế phải dừng việc nhận thêm trẻ hoặc tuyển bảo mẫu thay thế khiến chất lượng giáo dục không đảm bảo.

Cho giữ trẻ nhỏ nhưng GV đâu?

Trường MN tư thục Nam Long, phường Tân Thuận Đông, quận 7 là một trong số rất ít cơ sở MN có nhận giữ trẻ từ dưới 18 tháng tuổi cũng chỉ nhận 12 trẻ, không dám nhận thêm. Số trẻ nhỏ do năm GV phụ trách, mỗi cô giữ 2-3 trẻ theo quy định của ngành giáo dục. Khoảng 9 giờ sáng, khi chúng tôi đến, một số trẻ được các cô giáo bế ra ngoài sảnh chơi, số còn lại nằm ngủ trên các giường xếp nhỏ trong phòng còn các cô giáo ngồi bên vỗ về canh giấc.

Bà Lữ Thị Đông, chủ trường này, cho hay trẻ chưa có những biểu hiện tâm lý rõ ràng nên người lớn khó phán đoán nhu cầu của trẻ. Tuyển được GV này rất khó vì đòi hỏi GV phải có tâm thực sự, có kinh nghiệm ít nhất năm năm và chuyên môn cao hơn thông thường. “Mở lớp thì dễ vì nhu cầu phụ huynh nhiều nhưng khó lắm trường mới tuyển được từng đó GV. Công việc cực, đòi hỏi yêu cầu đầu vào cao nên ngoài trả lương mỗi cô khoảng 4-6 triệu đồng/tháng, trường còn phụ cấp thêm mỗi cô 500.000 đồng/tháng. Trong khi trường thu tiền mỗi trẻ chỉ 2,8 triệu đồng/tháng, mỗi cô giữ hai trẻ cũng vừa đủ chi tiền lương, còn đâu để bù khoản khác. Hiện đang có 10 phụ huynh xin gửi trẻ vào nhưng chúng tôi chịu, không dám nhận vì không thể tuyển GV kịp” - bà Đông chia sẻ.

TP.HCM: Thiếu giáo viên mầm non ngoài công lập - 1

Trường MN tư thục Nam Long, phường Tân Thuận Đông, quận 7 là một trong rất ít cơ sở nhận giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi nhưng cũng đang đối diện khó khăn rất lớn là tuyển không ra GV.
Ảnh: Phạm Anh

Tương tự, bà Trần Thị Thúy Huyền, Hiệu trưởng Trường MN tư thục Vy Vy, quận Bình Tân, cũng thẳng thắn trường đang nuôi dạy khoảng 200 trẻ nhưng chỉ nhận từ 18 tháng tuổi trở lên. “TP có chủ trương nhận trẻ dưới 18 tháng, nghe thì mừng nhưng chúng tôi chịu vì an toàn cao, trách nhiệm nặng. Chúng tôi làm sao tuyển được GV khi hầu hết các cô ra trường vừa trẻ, chưa có gia đình, không có kinh nghiệm chăm trẻ nhỏ. Nói là làm giáo dục nhưng cũng phải tính đến lợi nhuận để duy trì, trong khi nhận trẻ nhỏ thì một giáo viên phụ trách cao lắm năm trẻ, lấy nguồn đâu trả lương cho họ”- bà Huyền thẳng thắn.

Kiến nghị TP phải hỗ trợ

Không chỉ với nhóm trẻ dưới 18 tháng tuổi, các nhóm trẻ lớn khác cũng luôn đối mặt với tình trạng thiếu giáo GV, nay vào làm mai nghỉ.

Bà Phạm Thị Như Lưu, Hiệu trưởng Trường MN tư thục Chim Cánh Cụt, quận 7, than thở: “Hầu hết GV đến từ các tỉnh nên hay biến động việc làm. Trường cũng đã tạo điều kiện làm việc tốt để giữ chân đội ngũ nhưng không hiểu sao cứ nghỉ tết xong là không thấy các GV quay trở lại. TP phải có cách gì đó để hỗ trợ chúng tôi nguồn GV chứ không chúng tôi rất khó đảm bảo chất lượng theo chuẩn”.

Ngay ở quận Thủ Đức, vừa qua chỉ nhận được 16 hồ sơ dự tuyển GV MN nhưng chỉ bốn hồ sơ đáp ứng được. Được biết có đơn vị có phép nhận nuôi dạy hàng trăm trẻ, mỗi lớp trung bình 40-50 trẻ nhưng chỉ có một GV theo trên giấy tờ còn thực tế trường phải đưa những người chưa qua đào tạo vào trông giữ.

Ở Trường MN tư thục Phượng Hoàng, quận Bình Tân có 225 trẻ, chia thành tám lớp nhưng chỉ tuyển được tám GV phụ trách. Để giữ được số này, nhà trường phải hỗ trợ GV bằng cách bao ăn ở cho họ ngay tại trường, ai phụ trách lớp nào thì ngủ nghỉ tại phòng đó, hằng tháng mỗi cô chỉ đóng 200.000 đồng hỗ trợ thêm cho nhà trường về điện, nước.

Đây cũng là tình trạng chung của quận vì quận đang thiếu 137 GV cho khối ngoài công lập. Vì vậy, một số lãnh đạo các phường đã kiến nghị xin giảm từ hai xuống còn một GV/lớp so với yêu cầu để các cơ sở đủ điều kiện cấp phép nhưng chưa được chấp thuận.

Các địa phương phải linh động khi cấp phép cho cơ sở thiếu GV. Nếu ít trẻ có thể để một cô phụ trách nhưng số trẻ từ 25 trẻ/lớp (trẻ trên 18 tháng) trở lên phải có hai cô, không vì khó tuyển GV mà cấp phép dễ dãi sẽ khó đảm bảo an toàn. Hơn nữa, trong quá trình hoạt động, số trẻ tăng giảm thất thường, số GV cũng dao động, nếu máy móc cho một GV/lớp sẽ khó đáp ứng khi có sự cố.

Sắp tới, TP sẽ thí điểm nhận trẻ từ sáu tháng tuổi tại tám trường ở tám quận, huyện đông công nhân gồm Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, quận 12, quận 7. Để thực hiện điều này không phải dễ, buộc TP phải có kế hoạch đào tạo lại GV, xây dựng chương trình đào tạo cụ thể. Các địa phương cũng phải rà soát cụ thể nhu cầu gửi trẻ từng địa bàn để mở các lớp bồi dưỡng kiến thức nuôi dạy trẻ dưới 18 tháng tuổi nhằm cung ứng tại chỗ và kịp thời.

Nguyễn Thị Kim Dung
Trưởng phòng Giáo dục MN của Sở GD&ĐT TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN