Tiếng kẻng học đêm giữa đại ngàn

Nhiều năm qua, thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (DTBT) Tiểu học và Trung học cơ sở xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) duy trì Chương trình “Tiếng kẻng học đêm” cho hơn 100 học sinh tại khu nội trú tập thể.

Tiếng kẻng học đêm

Vùng đất Phước Lộc nằm lọt thỏm giữa núi non trùng điệp, là xã xa nhất, cao nhất của huyện Phước Sơn, với gần 100% dân số là người Bhnoong quanh năm chăm chút với nương rẫy để kiếm sống. Nằm chênh vênh trên ngọn núi, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và Trung học cơ sở xã Phước Lộc được xem là nơi chắp cánh ước mơ cho 187 học sinh (116 em bậc tiểu học và 71 em bậc trung học cơ sở) tại vùng đất xa xôi, hẻo lánh này.

Tiếng kẻng học đêm  giữa đại ngàn - 1


Lớp học đêm của thầy và trò Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và Trung học cơsở xã Phước Lộc giữa đại ngàn. (Ảnh: Dũ Tuấn)

7 giờ tối, khi cảnh vật chìm dần trong bóng tối, màn sương đêm bủa vây, chỉ còn vài ánh đèn ngủ muộn thấp thoáng giữa ngôi làng heo hút, bỗng tiếng kẻng vang vọng. “Keng, keng, keng”..., âm thanh đó phát ra báo hiệu giờ học đêm tại khu nội trú đã được bắt đầu. Hơn 100 em học sinh như “bầy ong vỡ tổ”, nhanh chóng lấy bút, vở… và ngồi vào bàn học ngay ngắn. Phòng học đêm chỉ là khoảnh sân tạm trước khu nội trú, bàn học cũng được vận dụng từ bàn ăn của học sinh, thế nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ trên từng khuôn mặt của đám học trò.

Thầy Nguyễn Văn Công - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và Trung học cơ sở xã Phước Lộc cho biết: “Hai năm qua, nhờ vận dụng được nguồn điện chạy bằng tua - bin của người dân, nhà trường đã tận dụng sân nội trú làm phòng học, tổ chức buổi học đêm để củng cố kiến thức cho các em”. Theo thầy Công, mỗi đêm lớp học bắt đầu từ 7 giờ tối và kết thúc sau 2 tiếng. Mỗi buổi học đêm, nhà trưởng sẽ cử 2 - 3 giáo viên để giám sát và phụ đạo việc học của các em. Trong giờ học, các em có thể trao đổi với bạn bè và nhờ chỉ dẫn của thầy cô.

“Nhiều lúc trên lớp em theo dõi bài không kịp, muốn hỏi nhưng ngại. Buổi học đêm thì em có thể nhờ bạn bè chỉ giúp, không được thì em hỏi thầy cô. Tham gia buổi học đêm giúp em củng cố được kiến thức và hòa đồng hơn” - em Hồ Văn Hào (học sinh lớp 4) cho hay.

Thôi thúc ngọn lửa học vấn

Sống tại vùng đất chưa có điện lưới quốc gia chạy qua, người dân Phước Lộc vẫn còn ám ảnh bởi nhiều hủ tục lạc hậu, cuộc sống mưu sinh thường nhật khó khăn chồng chất. Nhiều trẻ em nơi đây phải bỏ dở ước mơ học hành để theo gia đình vào rừng hoang kiếm đất, lập nương rẫy kiếm sống. Chính nhờ vào tình thầy trò nơi vùng núi đại ngàn Phước Lộc đã thôi thúc ngọn lửa ham học trong các em. Những đứa trẻ vùng cao ý thức được việc kiên trì bám trường bám lớp, quyết tâm thoát khỏi cảnh nghèo nàn nhờ vào con chữ.

Thầy Nguyễn Văn Ánh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Tiếng kẻng học đêm mà nhà trường phát động là chương trình tự nguyện để giúp các em củng cố kiến thức sau giờ học chính khóa. Chính giờ học này nuôi dưỡng niềm hăng say học tập cho trẻ, đó là niềm vui mà những thầy cô giáo vun đắp tại xã vùng cao này”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dũ Tuấn – Kim Chi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN