Thông tư 30: “Tinh thần đúng nhưng sai lộ trình”

Đó là chia sẻ của TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học trường ĐH Sư phạm Hà Nội với PV khi trao đổi về thông tư 30 và giáo dục tiểu học.

Sau một học kỳ triển khai, thực trạng mà bà nắm được về việc thực hiện thông tư 30 hoặc các giáo viên có chia sẻ với bà ra sao?

Tôi thấy và nghe các thầy cô giáo ức chế, phàn nàn vì công việc quá nhiều. Thực sự họ bị quá tải với công việc nên đâm ra ghét bỏ cả thông tư. Họ chia sẻ là cảm thấy như các cấp lãnh đạo chỉ trút gánh nặng lên vai họ mà không hề có sự cảm thông. Từ đó, dẫn đến việc họ thực hiện đối phó, ảnh hưởng đến cả hiệu suất công việc lẫn hiệu quả học tập của các cháu.

Thông tư 30: “Tinh thần đúng nhưng sai lộ trình” - 1

 
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Vậy theo quan điểm của bà, cái được và chưa được của thông tư 30 là gì?

Thông tư 30 là một thông tư đúng đắn, có nhiều đổi mới tiên tiến. Bởi theo tinh thần của Thông tư sẽ giải quyết khá nhiều vấn đề bất cập hiện nay của giáo dục Việt Nam như bệnh thành tích, bệnh xa rời thực tế…

Khi nó ra đời, tôi vô cùng vui mừng vì nghĩ rằng cuối cùng trẻ em Việt Nam cũng đã có thể hi vọng vào một nền giáo dục tiên tiên và phù hợp.

Tuy nhiên hiện thông tư còn có nhiều điều chưa hợp lý, chưa phù hợp. Dĩ nhiên điều này cũng rất dễ hiểu vì lần đầu đổi mới, chắc chắn chúng ta còn nhiều bỡ ngỡ khi thực hiện. Hơn nữa, quan niệm của phụ huynh cũng chưa thích ứng với một nền giáo dục không thành tích. Điều chưa được trong thông tư chính là chưa có những giải thích phù hợp cho phụ huynh để họ hiểu và đồng hành cùng các nhà giáo dục trong việc dạy dỗ trẻ.

Thông tư 30: “Tinh thần đúng nhưng sai lộ trình” - 2

TS Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học- trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Vậy theo bà tại sao mà thông tư 30 lại gặp nhiều sự phản đối gay gắt từ phía các thầy cô giáo từ ngày đầu triển khai tới tận bây giờ?

Thông tư 30 là một thông tư mở, trong đó mọi quyền quyết định đều do chính thầy cô giáo thực hiện. Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam bao nhiêu năm nay đã đóng hoàn toàn trong những cái khung cứng nhắc. Mọi thứ đều được định lượng hóa hết. Từ đánh giá học sinh, giáo viên, ra đầu bài,... Giáo viên không quen khi đột ngột được thả và được tự do làm mọi việc. Vì thế, ngay lập tức, giáo viên và các sở ban trong ngành giáo dục tìm cách đóng được bao nhiêu chi tiết thì đóng. Họ cảm thấy như thế quen thuộc hơn. Tuy nhiên, chính cách làm đó đã khiến cho giáo viên bị quá tải.

Tôi lấy ví dụ, thông tư đã ghi rõ, quyển sổ nhận xét chính là sổ nhật kí của giáo viên. Giáo viên có quyền ghi hoặc không ghi. Giáo viên làm chủ hoàn toàn cuốn sổ đó. Tuyệt đối không có ai có quyền can thiệp vào. Tuy nhiên, khi về đến phòng sở, cuốn sổ đó lại được mặc định là hiệu trưởng sẽ phải kiểm tra và kí nhận vào đó. Như vậy, giáo viên phải cắm cúi ghi chép cho hết mặc dù có khi có nhiều em học sinh chẳng có đặc biệt gì để ghi. Đây chính là lý do làm cho công việc của giáo viên bị nhiều hẳn lên sau khi thông tư 30 được ban hành.

Vậy theo bà cái khó không chỉ là với giáo viên mà các lãnh đạo cũng có phần bối rối?

Tôi cảm thấy hơi tiếc là việc tập huấn thông tư diễn ra quá vội vàng. Giáo viên, hiệu trưởng hiệu phó, các cấp lãnh đạo và chuyên viên phòng sở đều chưa hiểu gì nhiều về thông tư thì ngay sau đó cỡ 2 tuần, thông tư đã được áp dụng. Đây chính là lý do để mọi thứ rối tung lên. Bóc tách từng vấn đề để giải quyết chắc chắn sẽ thành công thôi.

Bà có đề xuất hướng giải pháp nào để tháo gỡ vấn đề này?

Tôi nghĩ, giải quyết khúc mắc này không khó. Bản thân giáo viên họ cũng rất muốn thực hiện mọi quy định cho tốt đẹp, để các cháu học sinh có lợi hơn. Vì thế, theo tôi để giải quyết vấn đề này cần làm mấy việc:

Đầu tiên, tiến hành tập huấn lại thông tư 30 cho các giáo viên. Mỗi 1 trường cử 5 giáo viên đại diện của 5 khối lớp đi học tập huấn nghiêm túc trong 1 tuần. Trực tiếp các cán bộ phòng sở hoặc các chuyên gia giáo dục sẽ tiến hành tập huấn và giải đáp mọi thắc mắc của giáo viên.

Cùng đó, Bộ GDĐT cần ban hành một chỉ thị rõ ràng yêu cầu các cấp phòng, sở… trong ngành giáo dục không can thiệp vào việc nhận xét của giáo viên. Đồng thời quy định rõ mọi câu chữ trong lời đánh giá nhận xét tùy thuộc vào giáo viên.

Ngoài ra, cần thay đổi cách đánh giá giáo viên, thay các kì thi giáo viên giỏi bằng việc đánh giá qua sự tiến bộ của học sinh. Từ đó, giáo viên sẽ có động lực trong công việc giảng dạy nhằm giúp đỡ học sinh tiến bộ.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hùng/Infonet ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN