Đánh giá HS tiểu học cuối kỳ I: Thầy cô "đánh vật" với học bạ

Đó là một thực tế mà rất nhiều thầy cô giáo bậc tiểu học “kêu ca”ở thời điểm kết thúc kì học đầu tiên làm việc theo Thông tư 30.

Điểm của bài thi cuối kỳ có cần thiết?

Hiện đang dạy khối lớp 3 ở một trường tiểu học ở Nam Định, cô Tuyết cho hay, năm  nay sẽ không còn xếp loai khá giỏi hay trung bình, yếu nữa mà thay vào đó học sinh sẽ được nhận xét từng mặt. Ví dụ: giỏi Toán; có năng khiêu Văn; hát hay,…

Cùng đó, giáo viên vẫn chấm điểm thi cuối kỳ với những môn đánh giá bằng điêm số. Vất vả hơn là phải nhận xét ưu khuyết điểm vào bài làm của học sinh.

Đánh giá HS tiểu học cuối kỳ I: Thầy cô "đánh vật" với học bạ - 1

 Ảnh minh họa

Theo chị Tuyết nhìn chung khó khăn của giáo viên nằm ở việc phải phê quá nhiều sổ sách mất thời gian mà theo chị không mấy hiệu quả. “Ghi nhận xét vào sổ thực ra là nhật ký của giáo viên để nhớ đăc điểm tiến bộ của các em chứ các em và phụ huynh có đọc nhật ký của cô giáo đâu. Giáo viên lúc nào trong đầu mà chẳng phải nhớ đặc điểm của từng cháu. Hơn nữa việc nhận xét đã ghi vào vở các cháu hàng ngày rồi”, chị Tuyết nói.

Chị Tuyết cũng cho biết, bản thân cũng gặp khó khi ngày thường đánh giá bằng nhận xét giờ một số môn lại chấm điểm cuối kỳ, việc đánh giá chung có phần khó khăn ở một số trường hợp.

“Như một số học sinh ngày bình thường thì học rất tốt nhưng hôm làm bài thi cuối kỳ chẳng may bài lại kém. Hoặc ngược lại bình thường em học yếu nhưng khi thi lại đạt điểm rất cao, những trường hơp này cũng  làm mình thấy khó nhận xét vì cuối kỳ cũng yêu cầu nhận xét theo điểm của bài thi”, chị Tuyết dẫn chứng.

Theo chị Tuyết với việc phần lớn phụ huynh đang quen với việc dùng điểm số hoặc một số không có điều kiện theo dõi việc học của con em sát sao thì những trường hợp này phải giải thích khéo với phụ huynh để họ hiểu và đây cũng là điều khiến những giáo viên như chị luôn phải suy nghĩ.

Bộ GDĐT khẳng định điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để xếp loại học sinh hay để so sánh mà chủ yếu để giáo viên, cha mẹ kiểm chứng lại việc nhận xét, đánh giá thường xuyên quá trình học tập của các em.

Theo chị Tuyết, nếu vậy thì thực chất điểm thi gần như không cần thiết bởi với các học sinh thì giáo viên vẫn kiểm tra hàng ngày, thêm một bài này nữa về bản chất cũng không khác gì. Thưc ra bài thi có chăng chỉ góp phần hình thành cho các em làm quen và có ý thức với việc thi cử.

Trao đổi thêm về việc ca năm chỉ đánh giá bằng nhận xét, cuối năm lại chấm điểm liệu có gây khó dễ trong việc đánh giá học sinh, một giáo viên tiết lộ: “Chẳng hạn học sinh thực chất học rất tốt nhưng khi thi được điểm thấp thì rồi vẫn điều chỉnh cho lên, thậm chí cho em đó làm lại để đánh giá đúng hơn. Mọi năm có chấm điểm thường xuyên thì có tính đâu, chỉ tính điểm cuối năm nên thực chất vẫn bình cũ rượu mới thôi, có khi việc này còn dễ hơn hồi tính cả điểm thường xuyên”

“Đánh vật” với học bạ cuối kỳ

Chị Hằng, giáo viên một trường tiểu học ở tỉnh Hải Dương phàn nàn: “Theo thông tư 30 năm nay phải thay học bạ. Mình cũng mới làm mấy quyển học bạ nhìn chung là viết nhiều hơn. Giáo viên rất ngại viết lại học bạ bởi không chỉ viết lại tên tuổi như hồi học sinh vào lớp 1 mà có quá nhiều mục phải ghi trong đó. Nhiều lúc nhận xét cảm thấy bí từ nên rồi cứ ghi chung chung”

Đánh giá HS tiểu học cuối kỳ I: Thầy cô "đánh vật" với học bạ - 2

Chưa kể, theo chị Hằng bất cập còn nằm ở việc giáo viên chủ nhiệm chỉ dạy mấy môn mà trên chỉ đạo phải ghi nhận xét hết các môn. Tuy vậy, chị Hằng cho biết vất vả của mình vẫn chưa nhằm nhò gì so bạn bè đồng nghiệp của chị, ở nhiều trường khác máy móc thì giáo viên còn vất vả hơn.

Một trong những khó khăn mà chị Hằng còn phải đối mặt là khi thu tiền mua học bạ mới của học sinh. “Bởi nhiều phụ huynh không hiểu năm nay thay đổi học bạ còn kêu cô giáo sao cứ thu lắt nhắt thế. Khổ sở hơn khi có phụ huynh nói cô cứ dùng học bạ cũ cho con tôi, các cô không phải mua mới”, chị Hằng chia sẻ.

Qua một kì học đầu tiên làm việc theo Thông tư 30, thầy Tuyến, đang công tác tại một trường tiểu học tỉnh Bắc Giang cũng chia sẻ, việc làm các loại hồ sơ tăng lên đáng kể so với cách làm trước đây thực sự khiến các thầy cô khá vất vả.

Đánh giá HS tiểu học cuối kỳ I: Thầy cô "đánh vật" với học bạ - 3

Ngoài việc nhận xét hàng ngày trong quá trình giảng dạy cho học sinh. Các giáo viên còn gánh thêm Sổ ghi nhận xét các tháng cho từng học sinh. Rồi giờ cuối năm là học bạ, trong đó phải ghi các nhận xét về từng môn học cụ thể (kiến thức, năng lực, phẩm chất, thành tích nổi bật, những điều cần khắc phục, khen thưởng). Chưa kể, sổ liên lạc gần như tương tự như học bạ.

“Sau khi làm xong bộ hồ sơ lớp 5 với 30 học sinh, bản thân tôi cũng thấy khá mệt mỏi vì phải cân nhắc kĩ từng câu, từ, viết nắn nót từng con chữ vào trong học bạ, sổ liên lạc. Điều này mất rất nhiều thời gian. Lớp 30 học sinh đã thế, vậy các thầy cô chủ nhiệm những lớp 50 - 60 học sinh thì không biết như thế nào nữa?

Chưa kể, giữa học bạ và sổ liên lạc khá giống nhau nên việc ghi cơ bản là chép lại những ý đã ghi trong học bạ khiến tôi thấy khá nhàm chán”

Để giảm bớt công việc ghi chép của thầy cô và có thêm thời gian làm các công việc khác, thầy Tuyến cũng nêu lên một ý tưởng:“Đối với học bạ, không dùng sổ in sẵn mà dùng bằng cách đánh trên máy vi tính. Mỗi em học sinh có 1 tờ (2 trang) cho 1 học kì với đủ nội dung trong sổ học bạ mẫu. Sau mỗi học kì sẽ in ra rồi kẹp ghim lại, hết năm học nhà trường duyệt rồi đóng dấu. Hết bậc tiểu học thì đóng lại thành cuốn học bạ đầy đủ”

Đánh giá HS tiểu học cuối kỳ I: Thầy cô "đánh vật" với học bạ - 4

Thầy Tuyến lý giải, việc làm này có thể vừa có bộ hồ sơ học sinh rất đẹp, giảm thời gian các thầy cô phải ngồi nắn nót từng con chữ. Trường hợp nếu trong 1 lớp một số em có những đặc điểm gần giống nhau, thay vì lời phê giống nhau thì các thầy cô cũng có thể “copy” nhanh hơn.

Những ngày này, trên những diễn đàn về giáo dục tiểu học, nhiều giáo viên “đăng đàn” xin tham khảo  kinh nghiệm nhận xét học bạ theo từng khối và những chia sẻ gợi ý nội dung ghi nhận xét các môn trong học bạ theo thông tư 30 luôn “đắt hàng” khi được hàng trăm thầy cô xin lại. Thậm chí, nhiều giáo viên còn chia sẻ “lóng ngóng” trước học bạ mới cũng khiến họ ghi nhầm và rồi phải chật vật để tìm mua lại sổ học bạ thay thế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hùng (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN