Thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Môn Lịch sử sẽ lại “cứu” thí sinh?

Sự kiện: Tuyển sinh lớp 10

Hà Nội đưa môn Lịch sử vào kỳ thi vào lớp 10 THPT hệ không chuyên năm học 2021 - 2022 khiến nhiều phụ huynh, học sinh cảm thấy lo lắng cho rằng môn học này khó học, nhiều sự kiện… Tuy nhiên, trên thực tế môn Lịch sử đã từng là “cứu cánh” tại kỳ thi năm 2019.

Kỳ thi vào lớp 10 THPT hệ không chuyên năm học 2021 - 2022 tại Hà Nội được tổ chức với 4 môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Ảnh minh họa: Q.Anh

Kỳ thi vào lớp 10 THPT hệ không chuyên năm học 2021 - 2022 tại Hà Nội được tổ chức với 4 môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Ảnh minh họa: Q.Anh

Lịch sử đã từng là môn "gánh" điểm

Trong tuần qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có thông báo về việc môn Lịch sử là môn thi thứ 4 kỳ thi vào lớp 10 THPT, năm học 2021 - 2022 cùng với Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng trước thông tin này, bởi năm 2020 do ảnh hưởng bởi COVID-19 nên kỳ thi chỉ còn 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Nhưng năm 2021 dù đã có thời gian nghỉ học trên lớp để học online vì COVID-19, song môn Lịch sử lại tiếp tục được lựa chọn làm môn thi thứ 4 của kỳ thi năm nay.

Theo ghi nhận, ý kiến của một số phụ huynh, học sinh cho rằng, môn Lịch sử khó học, nhiều sự kiện… sẽ làm học sinh quá tải trong quá trình ôn tập. Vì thế, nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn thi 3 môn, hoặc lựa chọn môn thứ 4 là môn khác phù hợp hơn môn Lịch sử. Đông đảo phụ huynh, học sinh lo lắng áp lực thi cử sẽ ảnh hưởng tới kết quả trong kỳ thi sắp tới. Tuy nhiên, nếu nhìn lại môn Lịch sử đã từng được lựa chọn vào năm 2019 thì có thể thấy rằng, dù môn học được đánh giá là "khó" này, song điều bất ngờ môn Lịch sử lại có kết quả tốt nhất trong kỳ thi 2019 và trở thành cứu cánh với nhiều học sinh.

Theo đánh giá của một số giáo viên THCS, THPT, phổ điểm thi vào 10 môn Lịch sử của Hà Nội năm 2019 phản ánh một hình phổ điểm không lí tưởng, bởi đỉnh phổ lệch hẳn về bên phải (có quá nhiều thí sinh điểm cao), trong 84.908 thí sinh dự thi có tới gần 1/4 đạt điểm từ 8 - 9 điểm, 951 điểm 10, gần 90% số bài thi trên trung bình và không có điểm 0. Phổ điểm của môn Lịch sử đạt mức cao kỉ lục trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm 2019. Tình trạng này đặt ra vấn đề là đề thi quá dễ hay do quan điểm của học sinh và giáo viên về môn học này đã có sự cải thiện đáng kể?

Theo nhận định của các giáo viên Tổ Lịch sử (Hệ thống Giáo dục HOCMAI), năm 2019 lần đầu tiên môn Lịch sử được đưa vào kì thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội do đó Đề thi không yêu cầu học sinh học thuộc lòng sách giáo khoa, nhớ máy móc các số liệu, mốc thời gian. Học sinh chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa đã có thể đạt 7 - 8 điểm. Tóm lại, điểm số của môn Lịch sử trong kì thi vừa qua đã góp phần làm thay đổi tâm lí "sợ học" Lịch sử của nhiều học sinh, ở một mức độ nào đó có thể xem đây là môn thi gỡ điểm.

Cần có phương pháp ôn tập hiệu quả

Về lý do chọn môn Lịch sử, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, Ban Tuyển sinh của Sở họp và bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ tư trong số các môn Địa lý, Lịch sử, Sinh học, Hoá học, Vật lý, Giáo dục công dân. Việc thi 4 môn sẽ tránh được tình trạng thí sinh học lệch, học tủ, chất lượng không được toàn diện. Cũng theo Sở GD&ĐT Hà Nội, Lịch sử là môn Khoa học xã hội, môn Lịch sử không khó, nhưng nhiều học sinh vẫn sợ học là do các em chưa có phương pháp phù hợp.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu các nhà trường hướng dẫn ôn tập cho học sinh phải bám sát chương trình và chuẩn kiến thức, kỹ năng. Quan tâm đến học sinh có học lực yếu, kém, học sinh chưa chăm. Hướng dẫn ôn tập cho học sinh phải bám sát chương trình và chuẩn kiến thức, kỹ năng. Hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập với ôn theo nhóm và ôn tập trung cả lớp; tránh học lệch, học tủ…

Thời gian thi chỉ vỏn vẹn khoảng 2,5 tháng nữa, theo kinh nghiệm ôn tập của một số giáo viên dạy Lịch sử THCS tại Hà  Nội, học sinh trong quá trình ôn tập cần xây dựng kế hoạch chi tiết và thực hiện nghiêm túc từ nay đến lúc thi. TS Lê Thị Thu Hương (ĐH Thủ đô Hà Nội) cho biết, môn Lịch sử được chọn là môn thi thứ 4 có chút ít bất ngờ với một số học sinh nhưng không gây khó khăn cho đại đa số các em học sinh lớp 9, có chăng chỉ khó khăn với các em có chủ quan, học lệch từ đầu năm. Để có kết quả thi môn Lịch sử, các em cần tạo tâm thế thoải mái, cần điều chỉnh kế hoạch học và ôn tập của mình phù hợp với lượng kiến thức hiện có của 4 môn thi vào THPT.

"Để ôn tập tốt môn Lịch sử, học sinh đọc kĩ sách giáo khoa, nắm được kiến thức cơ bản của mỗi bài học, cần hiểu các sự kiện lịch sử, chú ý trả lời các câu hỏi cuối mục, cuối bài. Phân bố thời gian học môn Lịch sử. Cụ thể, kiến thức phần Lịch sử Việt Nam (1919 - 2000) chiếm nhiều điểm trong bài thi nên tập trung thời gian ôn tập nhiều hơn (2/3); kiến thức Lịch sử thế giới (1945 - 2000) chiếm khoảng 1/3 bài thi nên cần đọc kĩ để hiểu được kiến thức của mỗi bài. Sau mỗi chương cần luyện tập bằng việc trả lời các câu hỏi trắc nghiệm. Hai tuần trước khi thi, tập trung luyện đề tổng hợp cả kiến thức Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam", TS Lê Thị Thu Hương chia sẻ thêm. 

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, đề thi kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội. Nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS. Đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn Ngoại ngữ và môn Lịch sử chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng.

Nguồn: [Link nguồn]

Giáo viên chỉ cách vượt qua “sợ hãi” để đạt điểm cao môn Lịch sử kỳ thi vào lớp 10

Theo một số giáo viên dạy môn Lịch sử, môn Lịch sử được chọn trong kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội không có gì quá...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Tuyển sinh lớp 10 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN