Thầy trò chạy nước rút cho kỳ thi THPT

80%-85% học sinh lớp 12 tại TP.HCM lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 sắp tới.

Đến thời điểm này, dù học kỳ 2 mới bắt đầu được vài tuần lễ nhưng từ trước đó hầu hết các trường THPT trên địa bàn TP.HCM đã bắt đầu cho kế hoạch dạy và ôn cho học sinh (HS) khối 12 để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Qua khảo sát sơ bộ, nhìn chung năm nay ngoài ba bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn và tiếng Anh, tỉ lệ các em chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) ở bài thi tự chọn vẫn chiếm đa số.

Ưu tiên chọn bài thi để xét tuyển ĐH-CĐ

Cụ thể, tại Trường THPT Thủ Đức, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã khảo sát việc chọn bài thi của các em để định hướng việc ôn tập phù hợp. Theo đó, số em chọn bài thi KHXH tăng hơn so với năm trước, từ hai lớp lên thành năm lớp. Nhưng so với tổng khối 12 thì tỉ lệ này cũng chỉ chiếm gần 1/4 số HS lớp 12, tức khoảng 170 em. Còn lại số em chọn bài thi KHTN là 584 HS, chiếm hơn 3/4 HS và chỉ có 169 em chọn bài thi KHXH.

Như ở Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cũng có điểm mới là số HS chọn bài thi xã hội tăng gần gấp đôi, tức gần 100 em chọn tổ hợp này. Số lớp chọn tổ hợp tự nhiên như tổ hợp các môn thuộc khối A1 là toán, tiếng Anh, vật lý có giảm một lớp nhưng vẫn cao gấp đôi so với khối xã hội với bốn lớp.

Thầy Đặng Đình Quý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, cho biết từ đầu năm học, trường đã triển khai phân loại lớp theo tổ hợp KHTN và KHXH. Trường có 707 HS lớp 12, phân thành 17 lớp, trong đó có tới 13 lớp khối tự nhiên và chỉ có bốn lớp theo khối xã hội.

Thầy trò chạy nước rút cho kỳ thi THPT - 1

Học sinh lớp 12 của Trường THPT Gia Định trao đổi thắc mắc trong buổi tư vấn chọn trường, thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: P.ANH

Theo lý giải của thầy Quý, sở dĩ HS nghiêng về tự nhiên do tổ hợp này có nhiều ngành tuyển vào ĐH-CĐ để các em chọn lựa nên gia đình và bản thân các em đã định hướng học từ trước đó. Chỉ có những em thực sự thích thì mới chọn tổ hợp bài thi xã hội.

Khảo sát tại các trường THPT Hoàng Hoa Thám, Phú Nhuận cũng cho thấy hầu hết HS đều chuộng tổ hợp KHTN. Theo nhà trường, trường có 740 HS, trong đó có khoảng 80%-85% chọn tổ hợp KHTN, còn lại là tổ hợp xã hội.

Tăng cường ôn tập, tổ chức thi thử

Theo lãnh đạo các trường THPT tại TP, kết quả khảo sát chọn tổ hợp bài thi của HS chính xác đến hơn 95%. Do đó, hầu như các trường đều đã có kế hoạch dạy và ôn cho HS từ đầu năm học theo nguyện vọng cũng như năng lực của các em để các em theo suốt đến khi thi.

Và nhất là sau khi Bộ GD&ĐT công bố bộ đề thi minh họa THPT quốc gia với nhiều điểm mới, nhiều trường THPT trên địa bàn TP đã bắt tay lên kế hoạch tổ chức ôn tập cho HS lớp 12, đồng thời tiến hành tổ chức thi thử để các em có cơ hội làm quen với cấu trúc đề.

Thầy Đặng Đình Quý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, cũng cho hay sau khi có đề thi minh họa, nhà trường đã chuyển đề thi cho các tổ chuyên môn đánh giá, nhanh chóng lên kế hoạch đưa vào nội dung dạy học. Theo đánh giá, đề minh họa năm nay khó hơn năm ngoái vì có lồng ghép kiến thức lớp 11, sự phân hóa đề thi cũng cao hơn nên sẽ vất vả cho cả thầy lẫn trò.

Theo thầy Quý, ngay từ đầu năm học, trường đã phân chia lớp theo nguyện vọng của các em. Vì thế trong quá trình học, các em cũng đã được thầy cô tăng cường ôn tập. Mặt khác, do trường tiến hành học hai buổi/ngày nên thuận lợi hơn. Vào buổi sáng, trường vẫn đảm bảo dạy theo chương trình của Bộ GD&ĐT và buổi chiều các thầy cô sẽ có thời gian ôn tập, lồng ghép kiến thức lớp 11, tăng cường ra đề để các em luyện tập.

Tại Trường THPT Phú Nhuận, thầy Trần Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cũng cho biết trường sẽ tổ chức hai đợt thi thử để HS có cơ hội luyện tập. Lần một sẽ diễn ra vào ngày 8 và 9 của tháng 2. Đề thi sẽ dựa trên cấu trúc của đề minh họa với khoảng 80% kiến thức lớp 12 và 20% kiến thức trọng tâm lớp 11.

“Tương tự như kỳ thi THPT quốc gia, thi thử tại trường cũng sẽ có ba môn thi bắt buộc toán, văn và Anh, ngoài ra còn có bài thi tự nhiên và xã hội. Việc tổ chức luyện tập thi sẽ giúp HS làm quen với cấu trúc đề, làm quen với hình thức trắc nghiệm. Dựa vào kết quả thi, giáo viên sẽ biết HS còn hổng, yếu ở phần nào và lên kế hoạch tăng cường ở phần đó” - thầy Tuấn nói.

Sẽ ôn tập ráo riết ngay sau Tết

Thầy Trần Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, cũng cho hay ngay khi có đề minh họa, trường đã họp tổ chuyên môn để nghiên cứu, phân tích đề xem cấu trúc, lượng kiến thức ra sao. Qua Tết, trường sẽ vừa dạy kiến thức lớp 12 vừa ôn tập cho các em. Dự kiến cuối tháng 4, khi HS lớp 12 kết thúc chương trình sẽ tập trung ôn tập. Khoảng hai tuần trước khi kỳ thi diễn ra, trường sẽ tổ chức một đợt thi thử để các em làm quen với cấu trúc đề, qua đó bản thân các em sẽ biết mình còn yếu phần nào để tự hoàn thiện.

Không thu tiền ôn tập trong thời gian học chính khóa

Trong thời gian học chính khóa của năm học, các trường có thể vừa tổ chức dạy và ôn tập cho HS nhưng không được thu học phí từ người học. Riêng sau khi kết thúc năm học, giáo viên có thể tổ chức ôn tập có thu phí cho HS ở buổi thứ hai hoặc tổ chức ôn tập theo hình thức ngoại khóa, dạy thêm, học thêm nhưng phải trên tinh thần tự nguyện đăng ký tham gia của HS.

Ông  NGUYỄN VĂN HIẾU,

 Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Thi tham khảo THPT Quốc gia 2018: Đề rộng và khó

Nhằm giúp các giáo viên và học sinh tham khảo, ôn tập hiệu quả, Bộ GD&ĐT đã vừa công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Quyên - P.Anh (Pháp luật TPHCM)
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN