Thầy hiệu trưởng suốt 7 năm đứng đón học sinh

Sự kiện: Giáo dục

Suốt bảy năm qua, cứ 7 giờ sáng, có một thầy giáo dù ngày nắng hay mưa vẫn ra đứng trước cổng trường chào đón học sinh, nhắc nhở phụ huynh chú ý trật tự an toàn giao thông.

Hình ảnh của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng đứng đón học sinh (HS) trước cổng Trường Tiểu học Mê Linh (quận 3, TP.HCM) đã trở nên quen thuộc đối với hàng ngàn HS cũng như người dân sinh sống xung quanh.

“Con xuống xe từ từ thôi”

“Con xuống xe từ từ thôi. Chào mẹ đi con!” - giọng thầy hiệu trưởng cất lên trầm ấm với ánh mắt đầy trìu mến. Học trò tiến lại gần cúi chào thầy rồi mới bước vào sân trường. Đáp lại tình cảm của trò là cái gật đầu đầy ắp yêu thương của thầy giáo.

Em Phan Minh Tú, HS lớp 5A, bày tỏ: “Sáng nào tới trường em cũng được thầy đón ở cổng khiến em rất thích đi học. Thầy hiệu trưởng rất gần gũi, luôn trò chuyện cùng chúng em. Những khi có vấn đề gì khó nói, em đều đến gặp thầy để tâm sự. Thầy đều lắng nghe và đưa ra cách giải quyết một cách phù hợp nhất”.

Là phụ huynh có con đang theo học tại trường, anh Ngô Anh Điệp nói: “Đây chính là một trong những lý do khiến dù phải chuyển nhà xa trường nhưng tôi vẫn quyết định cho con tiếp tục theo học tại đây. Tôi không nghĩ có một thầy hiệu trưởng giản dị và thân thiện như thế. Thầy không chỉ ra cổng trường đón HS mà còn nhắc nhở phụ huynh chúng tôi nên đội mũ bảo hiểm cho con. Thầy còn dành thời gian trao đổi, hỏi thăm, giải đáp những vấn đề thắc mắc của chúng tôi”.

Anh Điệp cũng cho biết thầy Hùng còn thường xuyên tổ chức những cuộc gặp gỡ với ban đại diện cha mẹ HS để hiểu rõ mong muốn của phụ huynh cũng như xin ý kiến về những kế hoạch sắp tới của nhà trường. Chính vì thế những hoạt động mà nhà trường tổ chức luôn nhận được sự đồng tình và ủng hộ của mọi người.

Thầy hiệu trưởng suốt 7 năm đứng đón học sinh - 1

Thầy Nguyễn Văn Hùng đứng đón học sinh trước cổng trường vào buổi sáng. Ảnh: NVCC

Thầy hiệu trưởng suốt 7 năm đứng đón học sinh - 2

Thầy Hùng cùng các học trò tại phòng đọc sách của trường.  Ảnh: NQ

“Thầy kể chuyện buồn cười lắm!”

Không chỉ là một người hiệu trưởng gần gũi mà thầy còn thường xuyên giáo dục HS qua những câu chuyện rất đời thường.

Thiên Nga, một HS của trường kể: “Em luôn mong chờ tiết chào cờ đầu tuần. Bởi đó là thời gian chúng em được nghe thầy hiệu trưởng kể chuyện. Thầy nói chuyện buồn cười lắm. Đằng sau mỗi câu chuyện luôn mang tính giáo dục.

Có hôm cô lao công nói với thầy rằng cô thấy nguyên một gói xôi ở trong thùng rác. Câu chuyện chỉ có như vậy nhưng thầy biến thành câu chuyện hài hước: Sáng thứ Sáu, thầy đi ngang qua thùng đựng rác. Bỗng nhiên thầy nghe tiếng xì xào. Hóa ra ba chú chuột đang trò chuyện. Nội dung cuộc trò chuyện là bầy chuột khoe với nhau hôm nay tìm được một gói xôi còn nguyên, thơm phức. Tại sao trong thùng rác lại có một gói xôi nhỉ? Thầy biết rồi nhé, có bạn được cha mẹ mua xôi nhưng lén lén vứt đi. Các con ơi, ba mẹ đi làm cực lắm mới có tiền mua đồ ăn sáng. Tụi con phải ăn sáng mới có thể học bài. Thế mà tụi con lại vứt đồ ăn ngon đi để mấy chú chuột ăn mập ú, còn mình thì ốm nheo ốm nhách. Nghe đến đó, chúng em lăn ra cười rũ rượi”.

Cô Trần Thị Thùy Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, kể khi thầy hiệu trưởng thấy học trò chỉ chào mỗi mình mà quên chào chú bảo vệ, thầy lại nghĩ ra cách để khiến học trò hiểu. Thầy bảo với các em: “Thầy thấy có gì đó bất công làm sao! Các con sáng gặp thầy, ai cũng chào. Thầy vui vì điều đó. Thế nhưng kế bên thầy là ai, là chú bảo vệ luôn đón các con, lại sắp xếp xe cho cha mẹ các con. Chú bảo vệ cũng vất vả lắm. Vì thế thầy mong tụi con khi cúi chào thầy thì chào luôn chú bảo vệ nhé”. Kể từ đó học trò khi tới trường đều thành nếp chào thầy hiệu trưởng, chào luôn chú bảo vệ và các thầy cô.

Thư viện ngay trong phòng thầy hiệu trưởng

Căn phòng làm việc của thầy Hùng tuy hẹp, không có máy lạnh, chỉ có một chiếc quạt điện nhỏ nhưng lại được ngăn làm đôi. Một phần là nơi làm việc của thầy. Và phần còn lại là phòng đọc sách của học trò. Bởi trường có diện tích rất nhỏ với chỉ 15 phòng học và thêm một cái kho để làm nơi chứa vật dụng học tập. Thầy hiệu trưởng quyết định dành ra diện tích phòng mình “để khuyến khích tinh thần đọc sách và tự học của các em”, như thầy Hùng nói. Kể từ đó cứ mỗi khi đến giờ ra chơi, học trò lại vào phòng làm việc của thầy hiệu trưởng đọc sách. Đọc chỗ nào không hiểu, các em bước mấy bước sang hỏi thầy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quyên ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN