Thấy gì sau 1 tuần học sách giáo khoa lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới?

Sự kiện: Giáo dục

Học sinh hứng thú hơn, lớp học vui hơn, các em được trải nghiệm nhiều hơn… - đó là cảm nhận của giáo viên và học sinh lớp 1 những ngày đầu năm học mới.

Sau tuần học đầu tiên, học sinh hào hứng với chương trình sách giáo khoa mới (ảnh: Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Hà Đông, Hà Nội)

Sau tuần học đầu tiên, học sinh hào hứng với chương trình sách giáo khoa mới (ảnh: Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Hà Đông, Hà Nội)

Giáo viên sáng tạo, học sinh hào hứng

Đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy học sinh lớp 1, cô Đào Thu Thủy - Tổ trưởng tổ chuyên môn khối 1 (trường Tiểu học Tràng An, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận định sách giáo khoa mới đáp ứng những kỳ vọng của giáo viên và thực sự gây hứng thú với học sinh.

Trong số 5 bộ sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt và đưa vào sử dụng, trường Tiểu học Tràng An chọn bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”. Cô Thủy nhận xét: “Bộ sách đúng như tên gọi của mình đã chú trọng vào việc phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh, khích lệ sự hứng thú của các em bằng việc được tương tác nhiều hơn để thể hiện mình. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục này cũng khích lệ sự sáng tạo của giáo viên. Các môn học có sự tích hợp nội môn và liên môn khá tốt”.

Lấy ví dụ cụ thể về sự khác biệt so với chương trình học lớp 1 những năm trước, cô Thủy cho biết: “Ở tuần học thứ nhất, học sinh được tìm hiểu về chủ đề Gia đình ở cả môn Đạo đức và Tự nhiên xã hội. Điều này rất thuận lợi cho việc tiếp cận kiến thức của các em.

Đặc biệt, hoạt động trải nghiệm là nội dung giáo dục hoàn toàn mới, hấp dẫn học sinh nhất. Với thiết kế 3 tiết/tuần, ở môn Hoạt động trải nghiệm, học sinh đã có dịp được thăm quan để hiểu về trường, xem video giới thiệu và hoạt động theo chủ đề.

Tôi nhận thấy, đây là môn học mới mẻ và khiến các em hào hứng, thích thú nhất. Điều này khiến các em nhanh chóng thích nghi với môi trường mới”.

Cũng dạy bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”, ở trường Tiểu học Tốt Động (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), cô Lê Thị Tuyết – Hiệu trưởng nhà trường ghi nhận nhiều phản hồi tích cực từ giáo viên và học sinh.

Cô Tuyết chia sẻ: “Về ưu điểm, bộ sách phân bố kiến thức hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu của chương trình, vừa phù hợp với sức học của đại đa số học sinh. Trong 1 tiết học học sinh được thực hiện đầy đủ các kỹ năng: Nghe - nói - đọc - viết thông qua các hoạt động giúp phát triển năng lực”.

Tuy nhiên, cô Tuyết cũng cho rằng, ở bộ sách mới, kênh hình quá nổi bật, kênh chữ hơi nhỏ khiến học sinh nhiều lúc chỉ chú ý đến kênh hình mà “quên mất” kênh chữ.

Các em nhỏ nhanh chóng thích nghi tốt với chương trình học của lớp 1

Các em nhỏ nhanh chóng thích nghi tốt với chương trình học của lớp 1

Cần sự chủ động, sáng tạo của người thầy

Dù chỉ mới học được vài buổi đầu tiên nhưng cô Nguyễn Thị Thương Huyền - giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Hà Đông, Hà Nội) thấy rõ sự khác biệt của dạy học sách giáo khoa mới so với chương trình cũ.

Lựa chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của NXB Giáo dục, cô Thương Huyền cho biết: Sách giáo khoa bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới và kế thừa những ưu điểm của các bộ sách trước đó.

"Bộ sách với cách tổ chức các môn học tạo không gian mở, sáng tạo và linh hoạt cho thầy cô và học trò thông qua các hoạt động, trò chơi, cách tổ chức lớp học.

Với chương trình mới, học sinh được chủ động nắm bắt kiến thức thông qua các hoạt động, vì thế học sinh chủ động, tích cực học tập, không khí lớp học sôi nổi, từ đó ghi nhớ bài học tốt hơn. Các em rất vui vẻ, thích thú học tập", cô Huyền nhận xét.

Học sinh hứng thú hơn, tích cực hơn cũng là nhận định của cô Thủy – trường Tiểu học Tràng An. Theo cô Thủy, cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông mới nằm ở phương pháp giảng dạy. Thay vì là người nói như trước đây thì giờ giáo viên sẽ là người nghe các em nói và làm.

Vì thế, sách chỉ là điều kiện cần, sự linh hoạt, chủ động sáng tạo của giáo viên mới là điều kiện đủ để mỗi tiết học theo chương trình mới thực sự đạt hiệu quả.

Chính vì vậy, cô Thủy cho rằng, chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải chủ động trong việc tìm hiểu bộ sách nguồn tài liệu đồng thời phải huy động vốn kinh nghiệm để có thể làm sao phát huy tốt nhất, tiếp cận nhanh nhất với những đổi mới.

Nguồn: [Link nguồn]

Sách giáo khoa lớp 1 bắt buộc chỉ 8 cuốn

Những tài liệu khác đều là bổ trợ tham khảo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Minh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN