Thần tượng ở đâu xa!
Năm nay, Bộ GD-ĐT đã ra đề thi tuyển sinh đại học môn văn khối D khá hay: “Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng sẽ là một thảm họa”
Đây là một đề thi mở, gần gũi với thời sự, khi mà một bộ phận tuổi trẻ đam mê thần tượng đến điên cuồng, đặc biệt là các ca sĩ của K-Pop (nhạc Hàn Quốc) mà giá trị của nó có khi chỉ như những món thời trang.
Đề thi đã làm nhiều thí sinh thích thú nhưng cũng làm một bộ phận bạn trẻ phản ứng. Ngay sau buổi thi, nhiều bạn trẻ tự nhận là người hâm mộ của các ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc đăng bài khắp các diễn đàn để “ném đá” đề thi này với lời lẽ khiếm nhã, thậm chí thô tục.
Trên Facebook, những người hâm mộ K-Pop có tên “Hội những thí sinh phản đối cách ra đề của Bộ Giáo dục” cũng được thành lập ngay sau đó. Một nữ thí sinh tự nhận mình là người hâm mộ của K-Pop cho rằng đề thi văn đã “đá đểu” vào K-Pop và chỉ viết một vài dòng để bảo vệ K-Pop, nộp bài và ra về! Một ý kiến khác viết: “Đại học không thi năm nay thì năm sau, trượt thì thôi, nhưng tình yêu của mình dành cho SuJu nó gọi là mãi mãi, vĩnh viễn không thay đổi. Em yêu các anh, sẽ mãi mãi”...
Bức ảnh "tình phụ tử chốn trường thi" đang được chia sẻ rầm rộ trên mạng. (Ảnh: Kênh 14)
Trong nỗi thất vọng cùng cực đó, có một làn gió mát khiến chúng ta - những bậc phụ huynh - cảm thấy đỡ ray rứt, để còn một chút gì đó có thể tin rằng không phải các em đều như vậy. Đó là hình ảnh người cha quạt cho con gái đang gối đầu lên đùi mình nghỉ trưa dưới gốc cây, giữa cái nắng gay gắt trưa hè Hà Nội để lấy sức cho môn thi tiếp theo. Hãy nhìn hình ảnh người cha dẫu mồ hôi lã chã nhưng ánh nhìn hạnh phúc, sự bình yên tuyệt đối của con gái yêu, lòng chúng ta lặng đi, xúc động. Đó chính là thần tượng của các em, chứ tìm đâu xa?
Và quả vậy, xuất hiện mới chỉ hơn nửa ngày trên mạng xã hội, bức ảnh này đã thu hút gần 1.500 lượt bình luận, khoảng 24.000 lượt người bấm xem. Chính những người trẻ tuổi đã bình luận: “Ai mới xứng đáng là thần tượng trong trái tim chúng ta”, “Đã bao giờ các bạn bày tỏ tình cảm cho bố mẹ như những thần tượng của mình?”… Cảm ơn các bạn trẻ đã hiểu và chia sẻ.
Bà Đinh Thị Hoa (Nghệ An) làm phụ hồ đưa con trai bị khuyết tật đến trường thi
Xin hãy rộng lượng, đừng trách các em, hãy trách chính chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ, trong đó có những người đang giữ trọng trách của xã hội, đã không tạo nổi những thần tượng đủ sức thu hút các em, thậm chí còn là mẫu hình phản cảm của xã hội làm các em chán ngấy.
Hàng vạn cư dân mạng bấm xem với bức ảnh xúc động đó, có nghĩa là lương tâm xã hội còn nhiều ánh sáng. Và chắc chắn rằng cô bé Võ Thị Thanh Trúc, bị hỏng xe đạp ở Phú Yên hôm thi tốt nghiệp THPT ở Tuy An - Phú Yên, phải chạy bộ mười mấy cây số để đến trường thi; bạn Ngô Vĩnh Thuận đạp xe hơn 300 km từ Nghệ An ra Hà Nội thi đại học khi trong túi chỉ có 30.000 đồng, chính là những thần tượng của các em.
Xin cảm ơn những thần tượng đích thực đó, khi mà xã hội chưa tạo được những thần tượng đủ sức cuốn hút các em thì những hình ảnh, nhân vật vừa nêu đã làm lương tâm chúng ta ấm áp… .