Thảm kịch cuộc đời của thần đồng thi ca nổi danh nhất lịch sử
Nika Turbina là nữ thần đồng thơ lừng danh của Liên Xô trong 2 thập niên cuối thế kỷ XX. Thơ ca đã đưa Nika đến đỉnh vinh quang rồi cũng chính nó lại làm cho cuộc sống của cô trở nên bi thảm, như chính những vần thơ u ám cô đã viết…
Tài năng phi thường
Nika Turbina sinh ngày 17/12/1974. Không có nhiều người biết cha cô là ai. Nika sống trong một gia đình đam mê nghệ thuật với mẹ vốn là một họa sĩ rất có năng khiếu nhưng lại không thành danh, ông ngoại cũng là nhà văn.
Ngay từ lúc nhỏ, Nika đã hay làm người lớn phải bàng hoàng vì những câu hỏi quá tầm tuổi. Cô bé thích nhất là ngồi một mình nhìn ra cửa sổ, đặc biệt là những lúc trời mưa, và lẩm bẩm đọc những câu gì đó, sau này mọi người mới hiểu rằng đấy là thơ của Nika.
Thần đồng thơ Nika Turbina khi còn nhỏ.
Đêm đêm, Nika có cảm giác như trong cô vang lên một giọng nói huyền bí nào đó và cô ghi nhớ những gì đã nghe được.
Những vần thơ đầu tiên mà Nika nghĩ ra năm 4 tuổi đã được mẹ và bà ngoại ghi lại. Và ngay từ khi ấy, cô bé đã khiến mọi người xung quanh phải trầm trồ kinh ngạc bởi những giai điệu và cấu trúc lạ lùng mang đầy xót xa…
Theo lời những người thân, gần như cho tới khi 12 tuổi Nika đêm nào cũng thức trắng. Gia đình mang em tới các bác sĩ nhưng ai cũng giơ tay tỏ ý bất lực: “Chúng tôi không có thuốc chữa bệnh thần đồng thơ! Cứ để cô bé sáng tác. Nếu cần chạy chữa thì có lẽ chỉ là bệnh hen suyễn thôi...”.
Sau này, khi Nika nổi tiếng, đã xuất hiện tin đồn rằng thế lực siêu nhiên nào đó từ hành tinh khác đã đọc cho cô bé nghe những thông điệp thơ. Khó ai có thể tin rằng một đứa trẻ còn chưa biết chữ lại có thể tự viết ra những câu thơ như thế.
Cuộc đời Nika sẽ không có gì đáng nói nếu không có lần gặp nhà văn Yulian Semeniov, tác giả các tiểu thuyết tình báo lừng danh. Đọc một vài bài trong đó, ông đã kinh ngạc thốt lên: "Tuyệt quá!".
Ông tá túc tại khách sạn địa phương, nơi bà ngoại nữ sĩ tương lai làm việc (bà là trưởng phòng phục vụ của khách sạn). Khi nhà văn cần mượn xe hơi đi ra sân bay thì người phụ nữ đó đã gần như bắt buộc ông phải đọc thơ của cháu ngoại mình thì mới đáp ứng yêu cầu của ông về phương tiện. Semeniov thoạt tiên từ chối, nhưng rồi cũng đồng ý đọc và chỉ mới xem qua hai bài đầu tiên đã thốt lên: “Thiên tài!” Và thế là cuộc đời của Nika từ phút ấy đã chuyển ngoặt sang theo hướng khác.
Rồi thần đồng thơ xứ Yalta được mời lên Moskva. Tại đó, cô bé đã được làm quen với “bác Zhenia”, tức nhà thơ Evgueni Evtushenko. Chính nhờ Evthushenko mà cuộc đời Nika đã thay đổi một cách căn bản.
“Bác Zhenia” đã giúp Nika tiếp cận được với rất nhiều diễn đàn thơ trong và ngoài nước. Trong các bài trả lời phỏng vấn, Evtushenko đã gọi Nika là “cô bé kỳ diệu”.
Tài năng thơ của cô bé 8 tuổi đó thì đã vượt lên trên mức thông thường đối với cả người lớn. Quỹ nhi đồng Xôviết cấp cho cô khoản học bổng đặc biệt. Thơ Nika được dịch ra 12 thứ tiếng. Các buổi đọc thơ của cô, cả ở Liên Xô lẫn ở những nước phương Tây như Italia, Mỹ... luôn đông nghịt người vì ai cũng muốn tận mắt thấy và nghe một thần đồng thi ca hiếm có nhường ấy.
Kết thúc bi thảm
Cuộc đời thần đồng thơ đã kết thúc trong đau đớn ở tuổi 27.
Năm 1986, Nika đã được trao giải thưởng thơ ca mang tên Sư tử vàng. Cầm giải thưởng về, Nika tò mò muốn xem con sư tử đó có bằng vàng thật không. Cô lấy búa đập chân sư tử, hoá ra đó là thạch cao, được mạ màu vàng.
Cũng từ khoảnh khắc ấy, Nika cảm thấy ngày một nhiều thất vọng ở đời và ở người. Khi bước vào tuổi 13, cô chợt nhận thấy là không hiểu vì sao mà “bác Zhenia” tốt bụng dạo này lại hay lảng tránh cô. Ông không gọi điện thoại cho cô nữa, không mời cô đi đâu cả. Nika thật sự không hiểu.
Và đó cũng là lúc Nika đã lâm vào một cuộc khủng hoảng sáng tạo. Cô không viết được dễ dàng và cuốn hút như khi cô còn bé nữa. Đó cũng là khoảng thời gian người ta quan tâm tới việc giá cả gia tăng hơn là những dòng thơ của một thần đồng. Gia đình Nika cũng thay đổi: mẹ cô đi bước nữa và sinh ra thêm một bé gái.
Và vì thế, 13 tuổi, Nika đã thoát ra bắt đầu sống tự lập, phải đối mặt với cảnh đơn độc giữa cuộc đời, không có bà ngoại, không có mẹ, không có cả nhà bảo trợ Evtushenko. Thậm chí các nhà báo và công chúng cũng xoay lưng lại cô – bây giờ Nika đã lớn rồi, không còn là thần đồng nữa, những vần thơ cô viết ra chẳng còn được đón nhận nồng nhiệt như xưa.
Cứ thế, Nika cảm thấy cô độc và dần sa ngã. Chính trong giai đoạn đó, đã có lần Nika định tự vẫn bằng cách cắt mạch máu ở tay hay uống nhiều thuốc ngủ…
Và rồi, Nika liên tiếp phạm phải các sai lầm. Mới 20 tuổi, cô đã đồng ý lên xe hoa cùng một ông già Italia 76 tuổi. Cuộc hôn nhân này không thể mang lại hạnh phúc lâu dài. Cứ thế Nika trượt mãi trên con đường tình, những cuộc chia tay đẩy cô vào cảnh nghiện ngập.
Và buổi sáng định mệnh 22/5/2002, không ai rõ vì sao cô lại chui ra ngoài ban công căn phòng của tầng 5 khu chung cư. Những ngón tay bám vào rìa ban công duỗi ra và cô ngã xuống. Cô đã chết trên đường tới bệnh viện, khép lại cuộc đời đau đớn của một tài năng thi ca ở tuổi 27.
10 tuổi trở thành sinh viên trẻ nhất Trung Quốc, 13 tuổi tiếp tục học thạc sĩ, 16 tuổi là Tiến sỹ toán học, thế nhưng...