Tại sao trẻ mẫu giáo ở Đức không được chơi đồ chơi?

Sự kiện: Giáo dục

Tại Đức, nhiều trường mẫu giáo đã áp dụng mô hình lớp học không đồ chơi nhằm nâng cao kỹ năng sống, đồng thời giúp trẻ chống lại các hành vi gây nghiện trong tương lai.

Tại sao trẻ mẫu giáo ở Đức không được chơi đồ chơi? - 1

Tại một lớp mẫu giáo ở Berlin, những đứa trẻ được yêu cầu đứng dậy mang tất cả đồ chơi bao gồm xe ô tô, động vật làm bằng nhựa và cả các khối xếp hình... đi cất, sau đó ngồi quây quần trong lớp học không còn thứ gì để chơi. “Bây giờ chúng con sẽ làm gì ạ?”, một cậu bé 5 tuổi lên tiếng hỏi cô giáo mình.

Cậu bé này cũng như các bạn của mình đã không nhận được câu trả lời trong thời gian dài. Đây là một hoạt động trong dự án được thực hiện nhằm mục tiêu nâng cao kỹ năng sống của trẻ, đồng thời giúp trẻ chống lại các hành vi gây nghiện trong tương lai. Theo đó, mọi thứ đồ chơi sẽ biến mất trong lớp học và các giáo viên cũng chẳng gợi ý cho những đứa trẻ nên làm gì trong lúc đó.

Elisabeth Seifert, giám đốc điều hành của Aktion Jugendschutz, một tổ chức phi lợi nhuận dành cho thanh thiếu niên ở Munich, rất khuyến khích dự án này vì “không có đồ chơi, trẻ em có thời gian để phát triển ý tưởng với những trò chơi của riêng mình. Các em sẽ chơi với nhau nhiều hơn, từ đó có thể phát triển năng lực tâm lý xã hội tốt hơn”.

Theo Seifert, những năng lực này bao gồm sự hiểu biết và yêu thích bản thân, sự đồng cảm với người khác, có suy nghĩ sáng tạo và phê bình, có khả năng giải quyết vấn đề và vượt qua những khó khăn, sai lầm. Và những đứa trẻ càng sớm được phát triển các kỹ năng sống này thì sẽ càng tốt hơn.

Ý tưởng này không phải là điều gì quá mới mẻ ở Đức. Nó từng được phát triển từ một nhóm nghiên cứu vào những năm 1980. Theo đó, họ đã tiến hành xem xét và phân tích trên những người nghiện trong độ tuổi trưởng thành và nhận thấy rằng, đối với nhiều người, hành vi tạo thói quen có nguồn gốc từ thời thơ ấu. Vì vậy, để ngăn chặn những mầm mống này, các nhà nghiên cứu cuối cùng đã quyết định tạo ra một dự án nhà trẻ ở Đức, nơi mà những đứa trẻ từ 3 đến 6 tuổi không được tiếp xúc với thứ làm sao nhãng và ảnh hưởng đến tinh thần, đó là đồ chơi.

Các quy tắc của lớp mẫu giáo không có đồ chơi rất đơn giản: trong ba tháng, mọi đồ chơi sẽ bị lấy đi, chỉ để lại đồ đạc cần thiết như chăn, gối trong lớp học. Các giáo viên sẽ gặp gỡ phụ huynh và học sinh để trao đổi trước về những điều sẽ xảy ra và một khi dự án bắt đầu, giáo viên sẽ chỉ là người quan sát chứ không chỉ đạo việc chơi cho trẻ. Họ để cho các em học cách tự đối phó với sự nhàm chán và thất vọng của mình.

Năm 1997, nhà tâm lý học Anna Winner trong một bài phân tích trên tạp chí Pravention cũng từng chỉ ra rằng trẻ em không dành thời gian cho đồ chơi thể hiện sự tương tác xã hội, sự sáng tạo, đồng cảm và kỹ năng giao tiếp, truyền thông tốt hơn hẳn.

Ban đầu, các bậc phụ huynh rất hoài nghi về những  ưu điểm của dự án này. Họ lo lắng dự án sẽ khiến con cái mình không muốn đến trường mẫu giáo. Hiểu được tâm lý này, Aktion Jugendschutz đã sử dụng camera giúp cha mẹ có thể nhìn thấy con mình sẽ như thế nào nếu không có đồ chơi. Kết quả khiến họ rất bất ngờ. Sau thời gian đầu lúng túng, trẻ đã tự làm đồ chơi bằng những thứ thu nhặt được từ xung quanh như đá, cát, lá cây và tự làm đồ chơi.

“Tôi thấy con mình cùng các bạn chơi trò “xe lửa” bằng cách xếp ghế lại thành một dãy dài. Lần khác thì chúng xây dựng một pháo đài và bò xung quanh giả vờ là những động vật hoang dã”, một phụ huynh cho biết.

“Con trai tôi ban đầu luôn thắc mắc với người lớn và bạn bè rằng mình sẽ chơi cái gì, cuối cùng đã trở về nhà với túi đầy những quả “trứng đá” nhặt được trong ngày và hào hứng kể những câu chuyện thú vị về chuyến đi rừng của mình”, một phụ huynh khác cho hay. “Chưa cần biết khả năng chống lại các hành vi gây nghiện trong tương lai đến đâu nhưng tôi chắc chắn đã nhận thấy một sự thay đổi rõ ràng ở con trai mình. Dự án này không chỉ mang lại cho con tôi cơ hội phát triển các sở thích mới ngoài trời mà còn tìm thấy sự thoải mái hơn hẳn so với việc tiếp xúc với đồ chơi trong nhà”.

Một trường mẫu giáo ở thành phố Penzberg, Bavarian là trường đầu tiên áp dụng mô hình này vào năm 1992. Ngày nay, dự án không có đồ chơi không chỉ được tìm thấy ở hàng trăm trường mẫu giáo khắp nước Đức mà còn nhanh chóng lan ra các nước khác như Thụy Sĩ và Áo hay mới đây nhất là Trung Quốc. “Các em vẫn chơi, chỉ có cách chơi là khác đi”, một giáo viên chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huyền Anh (Theo The Atlantic) ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN