Tại sao học sinh Việt Nam giỏi hơn Mỹ, Anh?

Sau khi công bố “Chương trình đánh giá học sinh quốc tế" cho học sinh độ tuổi 15 do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) tổ chức, thì Việt Nam vượt qua rất nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Úc…

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thuộc dạng thấp so với thế giới, kinh tế đang trên đà phát triển, nền giáo dục bị chê là có nhiều khuyết điểm, kết quả này hết sức bất ngờ.

Chiều tối qua (4/12), Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo về sự kiện "Chương trình đánh giá học sinh quốc tế". Đại diện lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, qua kết quả mà chương trình PISA đánh giá đã giúp cho Việt Nam thấy rằng năng lực học sinh của chúng ta đang ở đâu. Từ đó có giải pháp đột phá trong cách đánh giá học sinh qua các kỳ thi, kiểm tra, chuyển từ hình thức học sinh học được gì sang vận dụng kiến thức kỹ năng làm được gì.

Tại sao học sinh Việt Nam giỏi hơn Mỹ, Anh? - 1

Học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi đại học 2013. (Ảnh: Lê Hiếu)

Quy trình tham gia "Chương trình đánh giá học sinh quốc tế"

Bà Lê Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm kiểm định thuộc Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, chương trình PISA thuộc tổ chức OECD hỗ trợ các nước phát triển kinh tế, để biết thước đo nền giáo dục nào là tốt OECD đã xây dựng chương trình đánh giá học sinh quốc tế, chu kỳ đầu tiên từ năm 2000. Sau khi công bố có nhiều nước quan tâm muốn tham gia. Năm 2012 là năm đầu tiên Việt Nam bắt đầu tham gia.

Độ tuổi học sinh được OECD lựa chọn là từ 15,3 đến 16,2. Khi tham gia phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt vì đây là chương trình khảo sát lớn nhất trên thế giới. Việc chọn mẫu, các nước phải xây dựng dữ liệu mẫu dân số ở học sinh tuổi 15, gửi cho OECD. OECD đã liên hệ với tổng cục dạy nghề để lấy số liệu học sinh học nghề. Họ xây dựng hệ thống biến phân tầng, chọn mẫu. Học sinh tham gia là do OECD lựa chọn. Trên mỗi đề đều có tên tuổi của từng em, đề thi cung cấp không giống nhau.

“OECD tập huấn cho chúng ta lắp ghép các câu hỏi thành đề. Chúng ta có 13 bộ đề thi, mỗi trường chỉ có 35 em, nên chỉ có khoảng 2 em trùng đề, ngồi ở những vị trí theo OECD quy định. Khi nộp dữ liệu mẫu, họ sẽ lựa chọn các bài ngẫu nhiên, mời chuyên gia phân tích, nếu trong 1 phòng có 2 em có bài thi gần giống nhau thì ko được chấp nhận” bà Hà thông tin.

Vậy câu hỏi đặt ra, liệu những học sinh được đánh giá này có đại diện trung bình trình độ cho cả Việt Nam không? Bà Lê Mỹ Hà cho biết, những em này đã được chọn mẫu do OECD, mỗi em đại diện cho 1 trọng số. Việt Nam chỉ đảm nhiệm khâu kỹ thuật, còn lại do OECD triển khai.

Khâu chấm bài thi cũng vô cùng nghiêm ngặt chưa từng có, theo tiết lộ của bà Hà thì mỗi 1 câu hỏi có 5 người chấm, nhập phiếu chấm song song. Chấm xong gửi đi và đóng máy OECD sẽ nghiệm thu và không ai biết được kết quả. “Chấm, nhập, nộp giữ liệu đều được quản lý nghiêm ngặt. Nếu sai 1 khâu nào thì ko được chấp nhận. Theo quan niệm của OECD thì kinh tế thấp thì kết quả không cao. Riêng Việt Nam họ bất ngờ nên đã tổ chức chất vấn suốt 2 tháng mới chính thức công nhận kết quả” bà Hà cho biết.

Không đánh giá được toàn bộ năng lực người học

Đó là câu nói mà Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết khi nói về chương trình đánh giá PISA, đánh giá ở 3 khả năng làm Toán, đọc hiểu và khoa học. Lý do để tham gia đánh giá lần này là muốn biết đất nước đang hội nhập cần biết mình đang ở đâu, học sinh mình có thể hội nhập hay không? Và PISA cũng trả lời học sinh Việt Nam đang ở mức nào, yếu ở đâu, cần bổ sung gì?

“Lâu nay thi, kiểm tra đánh giá từng người học chứ không đánh giá được đơn vị, địa phương, có những yếu tố nào ảnh hưởng đến chất lượng. Tham gia PISA sẽ giải quyết được điều đó. Từ phân tích kỹ báo cáo của PISA, để xem những nguyên nhân ảnh hưởng. Lâu nay cũng chưa quan tâm đến năng lực của người học”, ông Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.

Với kết quả đánh giá đáng vui mừng bước đầu này ngành giáo dục có thấy tự hào? Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Hiển cho biết, kết quả PISA là như vậy, nhưng ko đánh giá được toàn bộ năng lực người học mà chúng ta cần đánh giá. PISA chỉ đánh giá về Toán, đọc hiểu và khoa học trong khi chúng ta đang yếu về giao tiếp. Lãnh đạo ngành giáo dục cũng cho rằng, sắp tới, đổi mới giáo dục, học sinh phổ thông sẽ được quan tâm đến vấn đề này, cái gì yếu sẽ được đào tạo.

“Khi mang quân đi đọ với thế giới, tôi cũng lo, nên có kết quả tôi rất bất ngờ, nó mang thêm niềm tin. Trước đó nhiều người băn khoăn tại sao Việt Nam dám tham gia, nhưng lúc bấy giờ PTT Nguyễn Thiện Nhân quyết định tham gia, và không ru ngủ mình nữa. Chất lượng khá rồi, sắp tới phải đổi mới mạnh hơn. Nội dung xoáy vào làm sao để con người phát triển tốt hơn, tăng cường giáo dục đạo đức lý tưởng, khoa học xã hội nhân văn, kỹ năng sống”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bùi Trang (Tri thức trực tuyến)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN