Tại sao học sinh lớp 1, 2 phải kiểm tra trực tiếp?

Sự kiện: Giáo dục

Yêu cầu học sinh lớp 1, 2 đến trường kiểm tra cuối kỳ trực tiếp khiến nhiều phụ huynh băn khoăn vì dịch bệnh còn phức tạp, độ tuổi này chưa tiêm vắc-xin

Theo hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học ứng phó dịch COVID-19 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành, với lớp 1, 2, Bộ GD-ĐT yêu cầu bài kiểm tra được tổ chức bằng hình thức trực tiếp.

Phụ huynh lo lắng

Điều này nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp. Các trường tổ chức kiểm tra vào các thời điểm phù hợp với từng đối tượng và điều kiện tổ chức dạy học thực tế tại địa phương và bảo đảm an toàn trong phòng dịch.

Trường hợp học sinh không thể đến trường làm bài kiểm tra trực tiếp, các trường có thể cho làm bài bằng hình thức trực tuyến. Việc kiểm tra phải bảo đảm đánh giá đúng, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.

Với lớp 3, 4, 5, các trường có thể tổ chức kiểm tra cuối học kỳ I bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Yêu cầu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và phù hợp với tình hình phòng dịch COVID-19 tại địa phương.

Học sinh lớp 9 tại TP HCM học tập trung từ ngày 13-12 Ảnh: ĐÔNG DƯƠNG

Học sinh lớp 9 tại TP HCM học tập trung từ ngày 13-12 Ảnh: ĐÔNG DƯƠNG

Chị Nguyễn Thu Hương, có con đang học tại một trường tiểu học đóng tại quận Hà Đông, TP Hà Nội, cho hay rất lo lắng trước hướng dẫn kiểm tra đánh giá đối với học sinh tiểu học mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành.

"Cháu nhà tôi học trực tuyến suốt cả mấy tháng nay, giờ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hà Nội có ngày đến 1.000 ca mắc COVID-19 mà Bộ GD-ĐT lại yêu cầu các cháu đến trường kiểm tra trực tiếp thì chúng tôi không đồng ý vì không yên tâm" - chị Hương cho hay.

Chị Nguyễn Thu Trang - phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội - nêu quan điểm nếu Bộ GD-ĐT không thấy yên tâm với chất lượng kiểm tra trực tuyến của học sinh lớp 1, lớp 2 thì có thể tạm hoãn thời gian kiểm tra. "Không biết Bộ GD-ĐT đã tính toán kỹ việc kiểm tra, đánh giá hay chưa nhưng tôi cho rằng việc đặt nặng kiến thức hơn sự an toàn của học sinh là khó chấp nhận" - chị Trang nêu ý kiến.

Phải nghiên cứu thêm thực tế

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Đặng Thị Trà - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) - cho hay trường vẫn chưa có phương án thi cho học sinh lớp 1, lớp 2. "Tình hình hiện rất khó khăn nên cần dựa thực tế. Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT ghi rõ trong trường hợp bất khả kháng, học sinh không thể đến lớp làm bài kiểm tra, cơ sở giáo dục báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về phòng GD-ĐT. Chúng tôi chờ sự chỉ đạo của phòng GD-ĐT cũng như Sở GD-ĐT Hà Nội rồi mới có quyết định cuối cùng. Hiện trường mới chỉ có phương án thi cho học sinh lớp 3, 4, 5" - bà Đặng Thị Trà cho hay.

Bà Nguyễn Thị Huế - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hiệp Cường (Hưng Yên) - cũng cho biết đã nhận được hướng dẫn của Bộ GD-ĐT song phải nghiên cứu tình hình thực tế. "Với những nơi dịch bệnh không phức tạp có thể chia ca cho học sinh đến trường nhưng với số ca mắc COVID-19 đang tăng lên từng ngày thế này thì chưa biết thế nào" - bà Huế nói. Theo hiệu trưởng này, trường đã có kinh nghiệm kiểm tra trực tuyến đối với học sinh lớp 1, 2 và những khó khăn (nếu có) đều khắc phục được. Ở bài tập đọc, học sinh đọc bài cho cô. Với bài chính tả, học sinh làm bài sau đó chụp gửi qua Zalo cho cô giáo.

Liên quan đến những lo lắng của phụ huynh, học sinh, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT - cho rằng lớp 1, lớp 2 là những khối lớp những năm đầu thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Những lớp đầu cấp của bậc tiểu học không có bài kiểm tra giữa kỳ nên việc có một bài kiểm tra trực tiếp cuối kỳ sẽ đặc biệt quan trọng, giúp đánh giá cả quá trình dạy học và đánh giá lại quá trình đánh giá thường xuyên, không để học sinh học xong lớp 1 mà chưa biết đọc, biết viết. 

Kiểm tra trực tuyến những trường hợp "bất khả kháng"

Lý giải thêm về trường hợp "bất khả kháng", ông Thái Văn Tài nhấn mạnh những nhà trường, địa phương đang dạy học trực tuyến từ đầu năm học đến thời điểm kiểm tra học kỳ thì không được coi là trường hợp bất khả kháng. Học sinh vẫn có thể đến trường, chia ca, bảo đảm giãn cách để làm bài kiểm tra trực tiếp. Theo Vụ trưởng Vụ Tiểu học, bất khả kháng là những trường hợp đến ngày kiểm tra trực tiếp theo kế hoạch của trường nhưng học sinh thuộc diện F0, F1, F2 hoặc ở khu vực bị phong tỏa vì dịch bệnh. Những trường hợp này, nhà trường sẽ phối hợp với gia đình sẽ có kế hoạch kiểm tra trực tuyến riêng với các học sinh.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ GD&ĐT: Trường hợp bất khả kháng, học sinh lớp 1, 2 kiểm tra định kỳ trực tuyến

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu, cơ sở giáo dục không kiểm tra định kỳ trực tuyến đối với...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN