Sĩ tử ngán “lò” luyện thi
Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, thay vì đổ xô ra các thành phố lớn luyện thi cấp tốc, nhiều học sinh đã chọn phương án ở nhà ôn thi.
Học ở nhà tốt hơn
Em Hồ Thị Tâm ở thôn Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế) đăng ký dự thi vào Trường ĐH Sư phạm Huế. Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, gia đình tạo điều kiện cho Tâm lên TP.Huế học ở lò luyện thi nhưng em quyết định tự học ở nhà.
“Em thấy đề thi những năm gần đây rất sát với chương trình sách giáo khoa THPT, nhất là chương trình lớp 12. Chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có khả năng thi đỗ nên em ở nhà ôn luyện kỹ những kiến thức đã học”- Tâm cho biết.
Cũng như Tâm, ở thôn Mỹ Thạnh có hơn 20 học sinh chọn cách tự luyện thi ở nhà. Tại xã Phú Dương (huyện Phú Vang), trong số hơn 100 học sinh vừa thi tốt nghiệp THPT chỉ có vài học sinh tìm đến lò luyện thi, dù địa phương này nằm gần TP.Huế.
“Ngoài thời gian tự học, em và nhiều bạn còn tham gia học nhóm một số buổi trong tuần để hỗ trợ nhau nắm vững kiến thức. Năm 2012, nhiều học sinh ở xã đã thi đỗ sau khi tự luyện thi ở nhà”- em Trần Văn Thành (thôn Phú Khê) kể.
Các điểm luyện thi cấp tốc giờ vắng vẻ học sinh
Những năm trở lại đây, đề thi ĐH- CĐ của Bộ GD-ĐT rất sát với chương trình sách giáo khoa nên việc luyện thi cấp tốc của học sinh sau kỳ thi tốt nghiệp THPT đã trở nên lạc hậu. Theo bà Hương, đối tượng đến các lò luyện thi hiện chủ yếu là thí sinh tự do, còn những em thi lần đầu ít đến lò luyện thi. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương |
Em Đinh Ly Ly, ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, trong thời gian ôn thi tốt nghiệp, em cũng tham gia 2 ca luyện thi đại học, nhưng giờ đã quyết định ôn thi ở nhà. “Học ở các trung tâm luyện thi rất nóng bức, mỗi lớp có đến vài trăm người ngồi chen chúc với các bàn học xếp sát nhau, muốn đi lại cũng phải lách. Giáo viên dạy bằng mic nên nếu không đến sớm để ngồi trên, không lắng tai nghe thì khó có thể hiểu được thầy cô đang nói gì. Không khí rất ngột ngạt” - Ly nói.
Nguyễn Văn Hùng - học sinh xã Tam Tiến (Yên Thế, Bắc Giang) cho biết: “Lớp em có 43 bạn, chỉ có chừng 5 bạn đi ôn thi trong tổng số 35 bạn nộp hồ sơ thi ĐH. Có những bạn cho rằng việc đi lò luyện cấp tốc chỉ là cái cớ để đi chơi, đi cho biết Hà Nội, biết lò luyện thi đại học để về … khoe. Còn bọn em thì chủ yếu ôn ở nhà, học những người thầy đã có kinh nghiệm ở trong vùng”.
Lò luyện vắng vẻ
Ngày 6/6, phóng viên NTNN tới một số điểm luyện thi có tiếng ở Hà Nội và thấy khá vắng vẻ. Chị Nguyễn Thị Thủy đưa em trai từ Cao Bằng xuống Hà Nội tìm trung tâm luyện thi ở khu vực Bách Khoa chia sẻ: “Mình đưa em xuống Hà Nội luyện thi vì nghĩ ở đây sẽ có nhiều thầy giỏi”.
Thế nhưng trên thực tế, việc học tập tại các lò luyện thi cấp tốc lại đang gây cho các sĩ tử áp lực lớn hơn. Bạn Nông Thị Trang ở Tuyên Quang xuống Hà Nội học được 1 buổi cho biết: “Em xuống Hà Nội ôn thi chủ yếu do người nhà giục, chứ bản thân em thấy học ở đây cũng chẳng hiệu quả hơn”. Trang hiện đang ở trọ một mình trong căn phòng nhỏ chưa đầy 10m2. “Em chỉ muốn về nhưng bố mẹ không cho về”- Trang nói.
Trong vai một sĩ tử mới chân ướt chân ráo lên Hà Nội, chúng tôi tìm đến các lò luyện thi đại học ở khu vực Cầu Giấy xin đăng ký lớp học cấp tốc. Tới trung tâm TD, ngõ 175 đường Xuân Thủy, ngay lập tức có một thanh niên tiếp cận để tư vấn. Về học phí của trung tâm, anh thanh niên cho biết là chỉ với 40.000 đồng/ca học. Thế nhưng, khi học thử ở đây, chúng tôi mới biết một buổi học với một môn học sẽ có 2 ca, như vậy học viên sẽ phải đóng 80.000 đồng cho một buổi học. Giá trọn gói cho 1 tháng với 3 môn học là hơn 3 triệu đồng.
Chúng tôi đóng tiền vào học thử môn hóa do thầy D dậy. Lớp học là căn phòng nhỏ chừng 25m2 trên gác 3, vô cùng bức bí. Thầy D đến cũng không đúng giờ, theo lịch học thì 1 giờ 30 sẽ bắt đầu, nhưng gần 2 giờ thầy mới đến. Trong cả buổi học, lớp có mình thầy D nói, học sinh chỉ biết nghe và chép. Quan sát lớp học chúng tôi thấy nhiều học sinh dường như không chịu được không khí căng thẳng ở đây nên đã ngủ gục ngay tại bàn.
Vẫn còn tâm lý “phải thi ĐH”
Theo tìm hiểu của NTNN, hầu hết học sinh tại Thừa Thiên- Huế vẫn đặt mục tiêu của mình sau khi tốt nghiệp THPT là thi đỗ vào ĐH. Là học sinh có học lực trung bình nhưng em Phan Văn Th (thôn Dương Nổ, xã Phú Dương) vẫn đăng ký dự thi vào ĐH Y khoa Huế. Theo bố mẹ Th, vì biết rõ học lực của con nên họ hướng con thi vào một trường CĐ hoặc trung cấp nghề nhưng Th quyết thi vào ĐH. Th bảo nếu sau 2 năm thi mà không đỗ ĐH thì em mới chịu thi vào trường nghề.
Nhiều học sinh ở Phú Dương cũng như nhiều địa phương khác ở Thừa Thiên- Huế vì ước mơ được học ĐH nên chọn dự thi vào những ngành học hiện đang “ế ẩm” của các trường ĐH để dễ đỗ. Khi được hỏi những học sinh này đều cho biết mình muốn học ĐH nhưng lại không rõ về khả năng tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp những ngành học này. Nhiều học sinh khác có học lực tốt thì khẳng định nếu mình học trường nghề thì… quá uổng phí.
An Sơn