Sẽ trình Chính phủ thêm phụ cấp cho nghề công tác xã hội
Trong khi khoảng 28% dân số trên cả nước đang cần trợ giúp từ nghề công tác xã hội (CTXH) thì hệ thống lương và phụ cấp cho những người làm công tác này còn khá thấp. Để phát triển bền vững hơn, theo ThS Tô Đức (ảnh nhỏ) - Trưởng phòng CTXH (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH), sắp tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ thêm chế độ phụ cấp ưu đãi cho các đối tượng này.
Theo ông, tại sao cần phát triển nghề CTXH ở nước ta?
CTXH là nghề mới. Vì vậy, trước hết chúng tôi mong muốn nhiều người có cái nhìn thấu đáo hơn về nghề này. Ngoài việc thay đổi nhận thức, chúng tôi mong muốn thay đổi cơ sở vật chất xã hội để người dân có nhu cầu được thụ hưởng những lợi ích từ nghề CTXH mang lại. Hiện nay, khoảng 28% dân số cần thụ hưởng từ nghề này. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTg phê duyệt đề án Phát triển CTXH giai đoạn 2010-2020 (sau đây gọi tắt là đề án 32). Đây là cơ sở để phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng…
Ông có thể cho biết những khó khăn thách thức ban đầu khi triển khai đề án?
ThS Tô Đức - Trưởng phòng CTXH (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH)
Vạn sự khởi đầu nan, lúc đầu chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn thách thức: Nhận thức chung của các cấp ngành và người dân về nghề CTXH còn hạn chế. Hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH chỉ phát triển một phần nhỏ, chưa toàn diện. Hiện 81,5% cán bộ chưa được đào tạo về ngành CTXH hoặc là cán bộ của ngành khác chuyển sang. Chất lượng cung cấp dịch vụ của đội ngũ cán bộ này còn hạn chế…
Theo ông, làm thế nào trong một thời gian ngắn có thể khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực có nghề, trong khi để một sinh viên tốt nghiệp phải mất 4 năm và các loại bằng cấp khác còn mất thời gian nhiều hơn thế?
Hiện chương trình, giáo trình và giáo viên ngành CTXH cần phát triển cả về số lượng và chất lượng. Phần lớn hiện nay, giáo viên do các nghề khác có “họ hàng xa” với nghề CTXH đảm nhiệm giảng dạy. Trong đó, trình độ thạc sĩ và tiến sĩ về CTXH rất ít. Các trường nghề chưa chú trọng dạy nghề CTXH. Vì vậy, ngoài việc khuyến khích các trường đào tạo thêm về nghề này, một số đơn vị khác cũng đang cử giáo viên đi học ở nước ngoài về nghề CTXH.
Bác sĩ Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM khám chữa bệnh cho người nghèo, gia đình chính sách trong chuyến công tác xã hội tại xã Phước Lưu, huyện Tràng Bảng, Tây Ninh. Ảnh: TL
Thưa ông, sắp tới mô hình phát triển nghề CTXH ở nước ta có gì mới?
Chúng tôi đang xây dựng và sẽ phê duyệt để phối hợp với UBND các tỉnh, thành trên cả nước thành lập thí điểm các trung tâm CTXH tại địa phương. Thành lập đội ngũ cộng tác viên CTXH cấp xã phường và có chế độ phụ cấp bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định. Cải tổ hệ thống chức năng ở các tỉnh theo hướng cung cấp dịch vụ cộng đồng thay vì chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng thụ hưởng suốt đời ở trung tâm như trước đây vẫn làm. Tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại cho các cán bộ theo hệ vừa học vừa làm hoặc triển khai các khóa tập huấn nâng cao năng lực theo chủ đề ưu tiên.
Theo một số nhân viên CTXH, đây là nghề đặc biệt nhưng hiện có mức lương thấp. Làm thế nào để có mức ưu đãi thích hợp với những nhân viên CTXH, thưa ông?
Hiện nay, lương của nhân viên CTXH được hưởng theo ngạch bậc. Trong đó, có hai hệ là công chức và viên chức. Tuy nhiên, đây là ngành nghề khá đặc biệt vì có một số đối tượng thụ hưởng cần phải chăm sóc đặc biệt, kiên trì và có nguy cơ cao như: Chăm sóc đối tượng bị tâm thần, bại não, HIV… Với mức lương còn thấp nên chưa thu hút được nguồn lực vào làm việc ở lĩnh vực này nên chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để có thêm chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhân viên, cộng tác viên CTXH, đề xuất phụ cấp tối đa có thể lên đến 70% mức lương theo ngạch bậc hiện hưởng. Hiện nay, do điều kiện kinh tế chúng ta còn khó khăn nên dự kiến khoảng năm 2014- 2015 sẽ trình Chính phủ xem xét bổ sung chế độ này.
Theo ông, để triển khai đề án hiệu quả, bền vững, trước mắt cần ưu tiên những gì?
Để triển khai đề án hiệu quả trong thời gian tới, Cục Bảo trợ xã hội sẽ phát triển một số nhóm định hướng ưu tiên: Hoàn thiện hệ thống pháp lý trong khuôn khổ nghề CTXH. Hoàn thiện quy định mã số, chức danh các ngạch bậc viên chức công chức CTXH. Xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với viên chức công tác xã hội, gồm: Tiêu chuẩn nghiệp vụ cho nhân viên công tác xã hội không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn... Như vậy, hành lang pháp lý là quan trọng nhất để phát triển nghề này chuyên nghiệp hơn.
Xin cảm ơn ông!