Nghề công tác xã hội cần nhất cái tâm
Đến với nghề bằng cái tâm, sự đồng cảm với những người có hoàn cảnh đặc biệt… những người làm nghề công tác xã hội tại Trung tâm Trợ giúp gia đình và trẻ khuyết tật trí tuệ (Hà Nội) đang ngày ngày đem tâm sức giúp đỡ những gia đình có trẻ khuyết tật trí tuệ thêm nghị lực vượt qua khó khăn.
Đồng cảm với trẻ khuyết tật
Nằm sâu trong trong con phố Vân Hồ 3 (quận Hai Bà Trưng), Trung tâm Trợ giúp gia đình và trẻ khuyết tật trí tuệ (KTTT) dù chỉ là cái tên khá mới mẻ, mới được thành lập trong vài năm với hoạt động công tác xã hội, nhưng thời gian qua đã trở thành điểm đến của nhiều gia đình có trẻ KTTT (chủ yếu là trẻ tự kỷ) không chỉ ở Hà Nội mà các tỉnh phía Bắc tới chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dạy trẻ mắc các bệnh này.
Là một trong số 12 thành viên sáng lập ra Trung tâm, chị Vũ Thị Hạnh - Trưởng ban Nghiên cứu và Đào tạo thực nghiệm chia sẻ: “Trung tâm thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho phụ huynh. Chủ yếu chú trọng tới các khóa tập huấn cho phụ huynh ở Hà Nội, Hưng Yên và nhiều tỉnh, thành khác. Trong đó có tập huấn, chia sẻ cho phụ huynh mới phát hiện con mình là trẻ KTTT. Những phụ huynh này đang có nhu cầu tìm hiểu các dạng tật, kiến thức chăm sóc con. Với trẻ bình thường dạy cũng đã khó, với trẻ khuyết tật trí tuệ nếu không dạy rất khó để các con tiến bộ được. Nội dung tập huấn hướng dẫn cha mẹ cách dạy cho trẻ kỹ năng chú ý, phát triển ngôn ngữ cho con, quản lý hành vi của trẻ ở gia đình...”.
Chị Vũ Thị Hạnh (đứng) đang chia sẻ kinh nghiệm với những phụ huynh có con là trẻ khuyết tật trí tuệ. Ảnh: Q.Anh
Chị Hạnh chia sẻ thêm, từ khi tham gia vào công việc xã hội, chị thấy đam mê, càng làm càng cảm thấy hăng say. Nhất là trong quá trình làm việc chị đã thấy được nhiều phụ huynh từ chỗ không hiểu về dạng tật của con, bỏ mặc con, sau khi tham gia các khóa tập huấn đã tích cực can thiệp cho con. Có phụ huynh còn gọi điện hỏi khi nào thì có khóa tập huấn mới… Khi tham gia tập huấn, được gặp những người đồng cảm nên phụ huynh thoải mái trao đổi, đã có không ít người mẹ không ngăn nổi những giọt nước mắt bởi họ đã tìm được nơi để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con, điều mà trước đây họ không biết chia sẻ với ai, kể cả người thân.
Hàn gắn những nỗi đau
“Đến với nghề công tác xã hội, cụ thể là giúp đỡ gia đình, trẻ khuyết tật trí tuệ là cái duyên, càng làm càng cảm thấy yêu thích hoạt động này. Sự động viên, hỏi thăm, chia sẻ của chính những bậc phụ huynh khi tham gia các hoạt động là nguồn động lực để giúp tôi cũng như những thành viên đang làm việc tại Trung tâm cố gắng, quyết tâm hơn trong công việc”. Chị Vũ Thị Hạnh |
Đến với Trung tâm là những mảnh đời éo le, số phận đáng thương mà chủ yếu là người phụ nữ - người mẹ phải nếm trải nỗi đau khi có con là trẻ KTTT. Câu chuyện của những bà mẹ bị chồng, gia đình nhà chồng hắt hủi, không tin là do lỗi nhà mình mà do vợ gây ra. Đa phần là chị em tự nuôi con, rất vất vả, tủi cực. Đưa con đi can thiệp cũng rất tốn kém, mất nhiều công sức. Việc tham gia tập huấn cũng là một nỗ lực lớn, nhiều phụ huynh từ các tỉnh về dự, có chị là công nhân đi tập huấn xong là vội vã trở về công ty làm ca đêm. Có cặp vợ chồng có cả 3 con khuyết tật nhưng vẫn yêu thương, quyết tâm để nuôi dạy con…
Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy - Trưởng ban Tư vấn dịch vụ - truyền thông của Trung tâm chia sẻ: “Bản thân tôi cũng có con là trẻ tự kỷ nên từ lúc tham gia các hoạt động của trung tâm tôi đã chuyển về làm việc tại đây trẻ KTTT không thể chữa khỏi nên cha mẹ cần luôn ở bên con, dành nhiều thời gian chăm sóc cho con hơn là thuê giáo viên về dạy rồi phó mặc cho người giúp việc. Cha mẹ phải trau dồi kiến thức, thường xuyên trao đổi với giáo viên để thống nhất phương pháp. Khi phát hiện trẻ bị khuyết tật trí tuệ, trước tiên, cần "chữa" cho cha mẹ, phải chấp nhận thực tế của con rồi mới tìm hiểu về phương pháp nuôi dạy”.
Tại Trung tâm có 5 người làm việc thường xuyên, trong đó 2 người làm việc cả ngày, còn lại 3 người làm việc bán thời gian. Dù ít người, song công việc của các thành viên đã làm được thật đáng nể: Hàng năm tổ chức hàng chục cuộc tập huấn, hội thảo ở các tỉnh thành; thành lập nhiều nhóm phụ huynh tại nhiều địa phương; Tổ chức các sự kiện tham quan dã ngoại, rằm Trung thu, các hoạt động hưởng ứng ngày khuyết tật… Trung tâm còn xuất bản ấn phẩm truyền thông, xây dựng website cung cấp thông tin tới đông đảo phụ huynh có con là trẻ khuyết tật trí tuệ.
Dù vất vả, kinh phí hoạt động eo hẹp từ nguồn tài trợ hảo tâm, các dự án từ nước ngoài, song với mỗi người đang làm việc tại Trung tâm Trợ giúp gia đình và trẻ khuyết tật trí tuệ đến với nghề công tác xã hội không phải vì vật chất mà là đem đến sự thông cảm, chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ, để những phụ huynh bớt đi nỗi buồn, trẻ khuyết tật được quan tâm, chăm sóc, được đến trường như bao trẻ khác.