Sau 5 năm bức “tâm thư” của cô gái ở Nepal, sách giáo khoa Tiếng Anh có gì thay đổi?

Sự kiện: Giáo dục

5 năm trước, bức tâm thư của Võ Thị Mỹ Linh từ Nepal gửi tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói về bộ sách giáo khoa Tiếng Anh tiểu học của Nepal gần gũi, phù hợp, trong khi đó của Việt Nam chỉ quanh mấy câu 'hello, how're you, where're you from'... Cho đến nay, dường như mọi thứ vẫn không mấy thay

Từ bức "tâm thư" thu hút cộng đồng mạng

Cách đây 5 năm, cộng đồng mạng "dậy sóng" trước bức tâm thu của Võ Thị Mỹ Linh (sinh năm 1989) được đăng tải trên trang facebook cá nhân nhằm gửi tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ về việc học tiếng Anh của học sinh Nepal, nhất là sự khác biệt giữa hai bộ sách giáo khoa hai nước. Mỹ Linh thẳng thắn, người Nepal dạy English không tốt đâu. Vì điều kiện còn nhiều khó khăn, thậm chí đến cả cuốn từ điển giấy còn túng thiếu. Nhưng so với Việt Nam thì English của họ giỏi hơn nhiều.

Theo Mỹ Linh, các bài học của học sinh Nepal đều gắn với câu chuyện, gần gũi, thân quen. Mỹ Linh dẫn chứng: Bài học đầu tiên của học sinh lớp 1 là chuyện chào hỏi. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 2 nói chuyện đi đến trường. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 3 kể lại nhật ký một ngày của cô bé Lilu… Bài học đầu tiên của học sinh lớp 5 hỏi, "What do you want?".

Sách giáo khoa Tiếng Anh của Nepal được Mỹ Linh đăng tải để minh họa cho bức tâm thư.

Sách giáo khoa Tiếng Anh của Nepal được Mỹ Linh đăng tải để minh họa cho bức tâm thư.

Trong khi đó, với sách Tiếng Anh tại Việt Nam, bài học đầu tiên dạy Hello. Bài học lớp 2 là dạy câg Where are you from". Bài học của SGK 3 dạy lại Hello. Bài học đầu tiên của SGK 4 dạy câu "How're you". Bài học đầu tiên của SGK 5 dạy lại câu "Where're you from"… Điều này khiến cho Mỹ Linh phải "hoảng hồn" đặt câu hỏi: "Có mỗi 3 câu "hello, how're you, where're you from" mà phải học đi học lại suốt 5 năm?". Sách viết câu chuyện của Tom, của Peter, của Marry... những cái tên không phải của người Việt.

Dù được khá nhiều người đồng tình, song cũng có một số ý kiến cho rằng câu chuyện, ví dụ của Mỹ Linh không hoàn toàn đúng, chỉ là phương pháp áp dụng của Việt Nam còn nhiều khuyết điểm và chưa triệt để, phương pháp có thể trùng lặp để học sinh ôn tập lại. Thậm chí một số chuyên gia, nhà quản lý còn cho rằng cô gái này chưa tiếp hiểu nhiều về chương trình hiện hành tại Việt Nam…

Sách Tiếng Anh tiểu học tại Việt Nam 5 năm trước, chủ đạo là "Hello, where're you from".

Sách Tiếng Anh tiểu học tại Việt Nam 5 năm trước, chủ đạo là "Hello, where're you from".

Sau 5 năm, vẫn cứ "hello", "what's your name"...

Trở lại với thực tế hiện nay, khi câu chuyện về bức tâm thư của cô gái trẻ Mỹ Linh đã lùi vào quên lãng, ít người nhớ đến. Song chuyện dạy và học môn Tiếng Anh tại các trường phổ thông hiện nay như thế nào? Và vì sao dù được quan tâm, áp dụng tiếp cận từ bậc học mầm non lên tới đại học, song khả năng Tiếng Anh tại Việt Nam vẫn còn thua kém so với nhiều quốc gia trong khu vực, chứ chưa nói đến châu lục và thế giới.

Để đánh giá chất lượng của môn Tiếng Anh đối với cấp tiểu học, theo tìm hiểu của chúng tôi, gần như hầu hết các trường tiểu học có dạy chương trình Tiếng Anh ở hướng tiếp cận ngoại ngữ. Nhiều trường học tại các thành phố lớn, môn học này được đưa vào từ lớp 1, hoặc theo chương trình 10 năm (từ lớp 3 đến lớp 12). Ngoài học chương trình chính khóa, tại nhiều trường học ở thành thị đưa thêm Tiếng Anh liên kết vào dạy, nghĩa là học sinh sẽ đóng thêm tiền để học.

Làm một cuộc khảo sát nhỏ với một số phụ huynh có con học tiểu học tại Hà Nội, điều đáng buồn là nhiều phụ huynh thờ ơ với môn Tiếng Anh chính khóa và cho rằng, môn học này có để cho đủ, học cả năm chỉ biết vài câu chào hỏi. Ngay cả khi Tiếng Anh liên kết, có giáo viên nước ngoài được đưa vào trường học nhưng những giờ học này chỉ giúp học sinh thêm chút tự tin khi gặp người nước ngoài, biết thêm chút các câu về màu sắc, biểu cảm trạng thái… và tiết học tính giải trí là chủ yếu. Nhiều phụ huynh cho rằng chất lượng chưa tương xứng với khoản đóng 150.000đ - 300.000đ/tháng (tùy trường).

Khi được hỏi về môn học Tiếng Anh của con, anh Việt Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con học lớp 4 chia sẻ: "Môn Tiếng Anh của con hầu như không đoái hoài đến chuyện học, nhất là nhắc về nhà học lại, làm bài tập… Mấy năm con chỉ học được vài câu chào hỏi và một số màu sắc, vật dụng đi học, còn lại là không biết. Trong khi đó, xem trên youtube, phim hoạt hình còn biết nhiều từ hơn. Nghỉ hè vừa rồi, tôi đăng ký khóa học tại trung tâm Tiếng Anh, thấy con thích học và khả năng nói ngoại ngữ hơn hẳn. Chỉ học một tháng, bằng hơn cả 2 năm học trên lớp".

"Tôi cũng không đặt nặng là con phải biết nhiều về Tiếng Anh, nhưng cũng thấy việc học môn này ở trường vì quá sớm hay có nặng không mà sao con hỏi gì cũng không biết, chỉ biết vài câu chào hỏi, giới thiệu tên thông thường. Trong khi đó, mấy trẻ hàng xóm, mới mầm non nhưng nói tiếng Anh đã làu làu, vì được bố mẹ cho học ở trung tâm. Để học tốt Tiếng Anh, nhiều phụ huynh đã phải cho con đi học trung tâm, hoặc học thêm" - chị Thu Hoài, có con học tiểu học ở Hà Nội cho hay.

Sách Tiếng Anh lớp 3 hiện nay, bài đầu tiên là Hello.

Sách Tiếng Anh lớp 3 hiện nay, bài đầu tiên là Hello.

Nhìn những quyển sách giáo khoa Tiếng Anh tiểu học, quả nhiên sau 5 năm qua theo cách mà Mỹ Linh nêu ví dụ, có thể thấy hiện tại hầu như không có mấy sự khác biệt. Vào những bài học đầu tiên, vẫn chỉ quay quanh những chủ đề quen thuộc về… chào hỏi thông thường "Hello; what’s your name?; where are you from?..." dễ làm học sinh nhàm chán.

Có thể hiểu được cách nhắc lại nội dung để học sinh ghi nhớ, song đến các bài học sau nội dung trong bài cũng khá khô cứng, ít có những câu chuyện sinh động cụ thể. Trong sách vẫn là những nhân vật minh họa của nước ngoài với những cái tên như: Linda, Mary, Peter… Sách có đề cập đến một số địa danh, song nhắc vào cho có chứ chưa thực sự mang rõ nét về miêu tả, hình ảnh. Những điểm này đến nay vẫn chưa khắc phục, ít nhất là so với sách của Nepal mà dù đơn giản, nhưng được Mỹ Linh đánh giá hơn.

Bài đầu tiên của sách Tiếng Anh lớp 5 hiện tại cũng quanh chủ đề về chào hỏi.

Bài đầu tiên của sách Tiếng Anh lớp 5 hiện tại cũng quanh chủ đề về chào hỏi.

Học cốt chỉ để thi vẫn… "bết bát"

Khác với cấp tiểu học, chủ yếu môn Tiếng Anh dạy học sinh tiếp cận và không đặt nặng về điểm số. Sang bậc THCS, học sinh sẽ phải chú ý đến môn học này, bởi môn học có chấm điểm, hơn nữa môn Tiếng Anh được lựa chọn như một môn chính thức để thi vào lớp 10 cùng với Toán và Ngữ Văn. Tuy nhiên, dù môn học được đánh giá quan trọng, nhưng chất lượng học môn này, hay chính xác hơn đó là học để đi thi, cũng không khá khẩm là bao. Điểm thi vào lớp 10 thấp khiến không ít giáo viên cảm thấy bất ngờ.

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 vừa qua tại Hà Nội, lần đầu tiên môn Tiếng Anh trở thành môn bắt buộc. Vốn được xem như một môn học thế mạnh song có tới 37.600 thí sinh (44,22%) bị điểm dưới trung bình; điểm số có nhiều thí sinh nhất là 3 và điều này khiến dư luận khá bất ngờ, lo ngại về trình độ Tiếng Anh của phần lớn thí sinh còn quá yếu, chưa đạt tới mức cơ bản.

Còn tại Kỳ thi THPT Quốc gia, phân tích phổ điểm thi môn tiếng Anh từ 2017 - 2019 của Bộ GD&ĐT cho thấy, điểm trung bình của học sinh cả nước trong 3 năm đều dưới 5.0; mức điểm đạt nhiều nhất chỉ 3.0 đến 3.4. Kết quả thi này có sự phân hoá theo vùng miền. Trong khi những địa phương khó khăn thuộc vùng núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Hà Giang, Sơn La, Hậu Giang… nhiều năm xếp cuối về điểm trung bình trong cả nước.

Dạy và học Tiếng Anh trong các trường học hiện nay chất lượng chưa cao. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Q.A

Dạy và học Tiếng Anh trong các trường học hiện nay chất lượng chưa cao. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Q.A

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã chủ trì cuộc Tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Tại đây Bộ trưởng Nhạ thẳng thắn cho rằng, thời gian qua, dù ngành giáo dục đã có nỗ lực để cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ song kết quả vẫn chưa như mong muốn.

Theo Bộ trưởng Nhạ, chất lượng dạy và học tiếng Anh phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ giáo viên, lâu nay chuẩn hóa giáo viên vẫn theo nguyên tắc nặng bằng cấp, nhẹ thực hành. Phải từng bước hoàn hiện quy trình chuẩn hóa. Giáo viên cần tăng cường giao lưu với giáo viên nước ngoài, nâng cao kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy.

Theo đánh giá của một số giáo viên, chuyên gia giáo dục, ở nước ta hiện học sinh bắt đầu học Tiếng Anh từ lớp một. Tuy nhiên, quy mô lớp học đông (trên 35 học sinh/lớp) và không có công nghệ hỗ trợ nên khó có thể dạy kỹ năng thực hành ngôn ngữ hiệu quả. Trình độ và kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh của phần lớn giáo viên dạy tiếng Anh cũng như học sinh các trường phổ thông hạn chế cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Người lớn vò đầu bứt tóc vì một bài tập của học sinh mẫu giáo quá khó hiểu

Bài tập này không rõ nguồn gốc nhưng bắt đầu lan rộng trên Internet trong vài ngày gần đây. Cư dân mạng sau khi xem, họ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN