Rúng động đường dây "chạy trường" triệu đô ở Mỹ

Sự kiện: Giáo dục

Gần 50 người, trong đó có nhiều người nổi tiếng, hôm 12-3 (giờ địa phương) bị cáo buộc dính líu vào đường dây "chạy vào các trường đại học danh giá" trị giá 25 triệu USD

Sau quá trình điều tra kéo dài một năm, đường dây "chạy trường" được cho là lớn nhất từ trước đến nay tại Mỹ bị phanh phui, vốn do một trường dự bị đại học nhỏ ở TP Newport Beach, bang California vận hành.

Theo hãng tin Reuters, đường dây gian lận này thực hiện các vụ hối lộ huấn luyện viên (HLV), thí sinh giả, thậm chí làm giả hồ sơ để đánh bóng thành tích thể thao, giúp con của giới nhà giàu không đủ năng lực được vào học trường danh tiếng. Tại cuộc họp báo ở TP Boston hôm 12-3, luật sư Andrew Lelling cho biết: "Cha mẹ của những sinh viên được vào trường nhờ gian lận đều là những người giàu có, quyền lực".

Có mặt tại phiên tòa hôm 12-3, bị cáo William Rick Singer, 58 tuổi, thừa nhận điều hành đường dây chạy trường nói trên thông qua trường dự bị Edge College & Career Network. Mỗi suất vào trường dành cho học sinh không đủ năng lực có giá từ 100.000 USD đến 2,5 triệu USD và các bậc phụ huynh phải đóng những khoản tiền này dưới dạng quyên góp vào quỹ từ thiện do Singer quản lý.

Rúng động đường dây "chạy trường" triệu đô ở Mỹ - 1

Bị cáo William Rick Singer rời khỏi tòa ở TP Boston - Mỹ sau khi nhận tội hôm 12-3 Ảnh: REUTERS

Trùm đường dây 58 tuổi khai tại tòa là đã bỏ tiền mua hoặc hối lộ các HLV nhà trường và giám thị để đổi lấy các suất vào trường danh giá cho học sinh con nhà giàu và làm chuyện này khá thường xuyên. Cơ quan công tố đến nay đã xác định gần 50 người liên quan gồm 33 phụ huynh, 13 HLV và các cộng sự của Singer. Luật sư Lelling cho biết Singer bán 2 gói "chạy trường" gồm gian lận điểm kỳ thi SAT hoặc ACT và làm hồ sơ thành tích thể thao giả.

Theo cáo trạng, Singer đã nhờ người thi hộ, Mark Riddell, sửa kết quả bài thi của các thí sinh "chạy trường". Chủ đường dây gian lận cũng đồng thời hối lộ giám thị Igor Dvorskiy ở trung tâm tổ chức thi SAT và ACT tại Los Angeles cùng Lisa "Niki" Williams, giám thị trường ở Houston, để cho phép Riddell sửa bài thi sát hạch đầu vào.

Trong phiên tòa, Thẩm phán Alexander MacKinnon cho phép diễn viên Hollywood Felicity Huffman được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 250.000 USD và nữ diễn viên sẽ xuất hiện tại phiên tòa tiếp theo vào ngày 29-3 tới. Bà Huffman trước đó đã tìm đến dịch vụ của Singer để giúp con gái lớn vào trường đại học. Cũng bị cáo buộc dính líu vụ việc, nữ diễn viên Lori Loughlin đã hối lộ 500.000 USD để 2 con gái được vào đội tuyển thể thao Trường ĐH Nam California, qua đó giúp 2 con được nhận vào trường.

Ông Thom Mrozek, phát ngôn viên của Văn phòng Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết nhiều khả năng tất cả bị cáo đều được bảo lãnh tại ngoại. Theo hãng tin Reuters, nếu bị kết án, kẻ chủ mưu và các phụ huynh dính líu có thể đối mặt án tù lên đến 20 năm. Giới chức trách cho biết nhiều học sinh không hề hay biết mình trúng tuyển nhờ sự "can thiệp" của người thân và các trường có liên quan tự xử lý trường hợp sinh viên vào trường mình thông qua gian lận.

Theo các công tố viên, đường dây này đã hoạt động từ năm 2011 và nhiều con nhà giàu đã đi đường tắt này để được vào học tại Trường ĐH Texas, ĐH Georgetown, ĐH Wake Forest và ĐH California ở Los Angeles (UCLA).

Theo giáo sư Trường Luật Yale, ông Daniel Markovits, nhân tài ngày nay gặp nhiều rào cản về cơ hội bình đẳng, để có thể chuẩn bị cho việc học từ trước và sau đại học ngốn từ 5-10 triệu USD. Ông Markovits cho hay sinh viên tại các trường đại học danh giá đa số xuất thân từ gia đình giàu có. 

19 người Trung Quốc nhờ thi hộ

Cùng ngày, giới chức Mỹ bắt giữ 5 người ở bang California vì dính líu vụ giúp công dân Trung Quốc có được thị thực sinh viên thông qua hình thức thi hộ ngoại ngữ. Chính quyền Mỹ cho hay những người này sử dụng hộ chiếu giả để mạo danh 19 sinh viên Trung Quốc làm bài kiểm tra TOEFL nhằm có được thị thực du học Mỹ. Kẻ cầm đầu đường dây tên Lưu Tài, 23 tuổi, đã trả cho mỗi người mạo danh thi hộ 400 USD/bài thi.

Gian lận thi cử ở Hòa Bình: Có môn được nâng tới 9,25 điểm

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện chưa có thống kê thí sinh được sửa điểm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Mai ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN