Quy hoạch làng đại học Đà Nẵng: Vì sao treo 20 năm?

Sự kiện: Giáo dục

Ngày 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc với ĐH Đà Nẵng. Thủ tướng yêu cầu cần chấm dứt ngay việc 20 năm quy hoạch treo làng Đại học Đà Nẵng, sớm hình thành đô thị đại học và đẩy mạnh tự chủ trong giáo dục.

Quy hoạch làng đại học Đà Nẵng: Vì sao treo 20 năm? - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.

Chấm dứt quy hoạch treo

Buổi làm việc có đông đủ lãnh đạo bộ ngành của Trung ương và chính quyền hai tỉnh, TP Đà Nẵng và Quảng Nam. Một trong những kiến nghị quan trọng được ĐH Đà Nẵng báo cáo lên Thủ tướng là việc triển khai thực hiện dự án xây dựng làng ĐH Đà Nẵng tại Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) - Điện Bàn (Quảng Nam).  Dự án làng ĐH Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ ngày 9/12/1997, với diện tích hơn 300ha (TP Đà Nẵng 110ha, Quảng Nam 190ha). Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Để khởi động lại dự án, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Đà Nẵng, Quảng Nam, Bộ GD&ĐT, Bộ KH - ĐT, Tài Chính có ý kiến, đề xuất kiến nghị để Thủ tướng có thông báo kết luận. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng rất quyết tâm khởi động lại dự án làng ĐH Đà Nẵng, sẽ tiến hành giải tỏa toàn bộ mặt bằng để triển khai dự án.

Chính quyền Đà Nẵng luôn đứng bên cạnh ĐH Đà Nẵng làm tất cả mọi thứ để ĐH Đà Nẵng phát triển. Toàn bộ kinh phí đền bù khoảng 1.650 tỷ đồng, hoàn toàn có thể cân đối để bắt đầu khởi động lại dự án rất lớn và có tầm ảnh hưởng này. Riêng việc ĐH Đà Nẵng đề xuất một phần đất thương mại để khai thác, tự chủ về nguồn vốn đầu tư là việc nên làm. Đà Nẵng sẽ tính toán chỉ lấy lại chi phí giải phóng mặt bằng, còn lại ĐH Đà Nẵng khai thác phần đất thương mại đó như một doanh nghiệp, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND Quảng Nam, cho biết: “Quảng Nam có 195ha trong dự án, thời gian qua người dân trong vùng dự án phải chịu đựng khổ sở vì quy hoạch treo. Nhân dân và chính quyền Quảng Nam rất phấn khởi vì dự án được khởi động. Tỉnh Quảng Nam sẽ vào cuộc với tinh thần cao. Khởi động lại dự án phải khảo sát, điều chỉnh và làm ngay”, ông Thu cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: trước tiên sẽ tập trung vào việc đền bù giải phóng mặt bằng để sớm hình thành hình hài đô thị ĐH Đà Nẵng, khắc phục những chậm trễ trong thời gian qua. Trên khu vực này sẽ có các đại học thành viên trên tinh thần tự chủ. Chính ĐH Đà Nẵng cũng phải sắp xếp lại các trường khác trong khu vực, để có ĐH quốc gia đúng tầm khu vực và quốc tế. 

Về cơ chế xây dựng đô thị ĐH Đà Nẵng, Thủ tướng nhấn mạnh: trước hết phải giữ được quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt, xem xét có điều chỉnh phù hợp. Quảng Nam và Đà Nẵng phải nêu cao trách nhiệm trong phát triển ĐH Đà Nẵng, vận động nhân dân bàn giao đất cho dự án. Địa phương có thể ứng trước ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, dành đất tái định cư. Chính phủ bộ ngành sẽ bàn kỹ việc này. Qua làm việc với lãnh đạo Đà Nẵng có thể cho đấu giá một số khu vực để có tiền làm.

Tự chủ đại học

Tại buổi làm việc, câu chuyện đổi mới trong giáo dục ĐH được Thủ tướng và bộ ngành quan tâm. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: buổi làm việc giữa Thủ tướng và ĐH Đà Nẵng là bước đột phá trong nâng cao chất lượng đào tạo bậc ĐH, đặc biệt là trong việc đổi mới, tự chủ ĐH. Hiện nay các trường ĐH công lập đang trông chờ ỷ lại ngân sách nên không có bứt phá. 

Do đó, phải chuyển từ quản lý ĐH qua quản trị ĐH. Cần coi các trường ĐH như đơn vị cung cấp dịch vụ công. Người đứng đầu phải có dịch chuyển. Đổi mới mô hình quản trị, tập trung vào chiến lược quy hoạch định hướng, chấp nhận cạnh tranh. Tự chủ về hành chính không chưa ăn thua. Chính bản thân những người lãnh đạo phải nghĩ được rằng nhà nước, chính phủ cũng là khách hàng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, tự chủ ĐH lâu nay chỉ hiểu theo nghĩa tự chủ về tiền. Tuy nhiên các nước tiên tiến nhà nước vẫn hỗ trợ 80-90% nhưng vẫn gọi là tự chủ. Do đó tự chủ phải toàn diện, làm đúng bản chất tự chủ.  Phó Thủ tướng ví dụ việc quy định bao nhiêu giáo sư tiến sĩ, bao nhiêu giáo viên mới mở được ngành sẽ dẫn đến đối phó, làm dối.

“Thay vì nói tự chủ có lộ trình hãy tự chủ ngay lập tức về mọi mặt nhưng cắt giảm ngân sách nhà nước, đổi mới quy trình cấp phát, hỗ trợ. Trước mắt trong 5 năm tới chưa cắt giảm. Tự chủ phải làm đúng bản chất tự chủ, tự chủ một cách triệt để và toàn diện”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đề nghị của ĐH Đà Nẵng lập thêm ba trường ĐH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ nhưng phải dựa trên tinh thần tự chủ. Đồng thời yêu cầu ĐH Đà Nẵng phải tiếp tục hoàn thiện quy trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Tầm nhìn ĐH Đà Nẵng phải hướng đến là môi trường tiên tiến đẳng cấp top 50 ĐH nghiên cứu khu vực châu Á vào năm 2035. Đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động, xã hội đang có nhu cầu. Tránh việc đào tạo theo “kiểu ngứa trên đầu mà gãi ở dưới chân”.

Đặc biệt, Thủ tướng cho biết, phải đẩy mạnh và xây dựng hoàn thiện mô hình quản trị đại học hiện đại và có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao theo thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bộ GD&ĐT phân cấp mạnh, thực hiện tự chủ thực sự cho các trường, cho các viện và các đơn vị thành viên. Kể cả giám đốc ĐH cũng phải phân cấp cho các trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thành (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN