Quá tham vọng và ôm đồm, chuyên gia "chê" chương trình GDPT tổng thể

Sự kiện: Giáo dục

Góp ý về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) trước khi chính thức được áp dụng vào năm học tới, nhiều ý kiến cho rằng, nội dung chương trình GDPT mới quá tham vọng, ôm đồm nhiều thứ.

Góp ý với chương trình tổng thể lần này, GS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý Giáo dục cho hay: "Thực ra những người biên soạn chương trình phổ thông tổng thể họ cũng đã cố gắng hết sức.

Tuy nhiên, trong chương trình GDPT tổng thể còn khá mơ hồ. Tôi lo lắng khi áp dụng vào thực tiễn không hiểu sẽ như thế nào. Ví như phần nói về phẩm chất, việc đề cập đến lòng yêu nước là đúng nhưng sau đó lại nói về tình yêu thương con người thì quá chung chung".

Quá tham vọng và ôm đồm, chuyên gia "chê" chương trình GDPT tổng thể - 1

GS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý Giáo dục 

Cũng theo GS.TS Đặng Quốc Bảo, chương trình này thiết kế quá nhiều môn học với những tên gọi mĩ miều như: Tìm hiểu công nghệ, tìm hiểu thế giới, tìm hiểu tin học hay hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

"Thực tế hai từ "sáng tạo" được dùng cho tên môn học này là quá "ồn ào". Với học sinh tiểu học, đầu tiên các em phải biết bắt chước được rồi mới tái hiện, sau đó mới có thể tái tạo được.

Trong khoa học người ta phải thiết kế môn học song song với khía cạnh giáo dục. Như môn Giáo dục công dân tính chất của môn này là giáo dục vấn đề đạo đức", GS. Bảo nhấn mạnh thêm.

Còn theo GS. Ngô Việt Trung – nguyên Viện trưởng Viện Toán học: “Định hướng chương trình GDPT tổng thể đặt môn giáo dục quốc phòng, an ninh lên hàng đầu trước các nội dung giáo dục khác là không hợp lý và cần xem xét lại. Ở bậc tiểu học, chúng ta chỉ nên dạy học sinh những thứ sơ đẳng chứ không nên ôm đồm quá nhiều để đến lúc lại không thực hiện được mục tiêu đề ra”.

Tuy nhiên, theo lý giải của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình GDPT tổng thể thì: "Tất cả các môn ở tiểu học trong chương trình mới hoàn toàn giống chương trình hiện hành chỉ là khác định hướng, khác tên gọi và đi sâu vào thực hành".

GS. Nguyễn Minh Thuyết dẫn chứng: Ví dụ tên gọi môn học Cuộc sống quanh ta chính là bước đầu để hướng dẫn học sinh tìm hiểu về tự nhiên và xã hội. Và vẫn là môn học này nhưng lên lớp 4, lớp 5 lại được tách thành 2 môn gồm tìm hiểu tự nhiên và tìm hiểu xã hội và có mức độ tích hợp.

"Hay phần tìm hiểu công nghệ, tìm hiểu tin học, thực tế học sinh vẫn học chương trình với nội dung như thế. Mặc dù đây là những môn học kỹ thuật và tin học nhưng nếu đặt tên môn học là Kỹ thuật - Tin học thì nghe không ổn, do đó nên đặt là Thế giới công nghệ để dẫn dắt học sinh tìm hiểu. Cũng là môn này nhưng lên lớp 4, lớp 5 lại tách thành 2 môn gồm: Tìm hiểu công nghệ, tìm hiểu tin học và chỉ ở mức tìm hiểu chứ không chuyên sâu và đương nhiên thiên về dạy thực hành", GS. Thuyết nói thêm.

Đề cập đến tính khả thi khi áp dụng chương trình, GS. Đặng Quốc Bảo cho rằng, nội dung chương trình GDPT mới quá tham vọng, ôm đồm nhiều thứ trong khi không chú trọng đến điều kiện hiện nay. Chương trình thì hay nhưng liệu cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên có đáp ứng được không lại là vấn đề khác.

Hơn nữa, theo GS. Bảo, chương trình mới này cũng chưa đề cập đến tính vùng miền. Vì nếu áp dụng ở các thành phố lớn hay ở thủ đô Hà Nội thì rất thuận lợi nhưng nếu áp dụng ở vùng núi như Tây Bắc, Tây Nguyên hay Tây Nam Bộ và các vùng xa xôi, hẻo lánh thì e khá khó.

"Ngoài ra, đối tượng mà chương trình hướng tới chưa rõ ràng và phù hợp. Ví như chương trình giáo dục ở Hàn Quốc, môn Toán họ soạnthảo cho học sinh học ở 4 cấp độ: từ Toán 1 đến Toán 4. Trong đó, Toán 1 là cấp độ bình thường nhất, Toán 4 là đào tạo ở cấp cao hơn, chỉ đào tạo cho những người sau này có mục đích nghiên cứu sâu về nó và đương nhiên 4 cấp độ này gắn với định hướng nghề nghiệp”, ông Bảo cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN