GS. Đào Trọng Thi: Tự chọn, không nhiều môn thì lấy gì chọn?

Sự kiện: Giáo dục

Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể đã được Bộ GD&ĐT công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận. Ngay sau khi công bố, dự thảo đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận xã hội. GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có cái nhìn khác so với nhiều ý kiến được đưa ra.

GS. Đào Trọng Thi: Tự chọn, không nhiều môn thì lấy gì chọn? - 1

GS.Đào Trọng Thi

Theo GS. Đào Trọng Thi, dự thảo chương trình (CT) tổng thể lần này đã có rất nhiều tiến bộ so với lần công bố trước (năm 2015), chứng tỏ bộ phận soạn thảo đã tiếp thu có chọn lọc và nghiêm túc các ý kiến của dư luận, đặc biệt là của các chuyên gia, nhà giáo.

Đây là CT tổng thể nên mới tạo ra một hình dung chung về cơ cấu tổ chức CT học, bố trí các môn, vị trí các môn trong hệ thống chung và các yêu cầu kiến thức kỹ năng, phẩm chất cần phải cung cấp cho người học của từng môn học.

“Tôi nghĩ để đánh giá một cách đầy đủ và chuẩn xác về CT giáo dục phổ thông mà chúng ta hướng tới thì cần phải chờ CT cụ thể cũng như đề cương chi tiết của nội dung các môn học” – GS. Đào Trọng Thi nói.

Cũng theo GS. Đào Trọng Thi, thời điểm này chưa đủ điều kiện để đánh giá chuẩn xác về CT tổng thể có ôm đồm hay không, có đạt được mục tiêu giảm tải so với CT hiện hành và tạo điều kiện thuận lợi để học sinh tiếp cận kiến thức, kỹ năng mà không bị quá áp lực hay không.

Vì, CT tổng thể mới chỉ đưa ra cơ cấu môn học, còng cụ thể từng môn học sẽ như thế nào, chương trình ra sao, mức độ kiến thức được đưa vào như thế nào, chúng ta chưa có. Khi nào chúng ta có được đầy đủ thông số về môn học đó như học trong bao lâu, yêu cầu, độ khó như thế nào mới có thể kết luận được chính xác điều mà chúng ta đang bàn.

Còn về số lượng môn và các môn học lạ, điều này rất dễ hiểu. Vì chúng ta học để phân hóa nên cần tăng cường điều kiện để học sinh tự chọn các môn. Mà đã là tự chọn thì phải nhiều môn hơn. Nếu tự chọn mà vẫn ngần ấy môn như chúng ta học bắt buộc, các em học như nhau thì còn chọn cái gì?

“Tôi lấy một ví dụ thế này, một bài giảng mà học sinh có thể hiểu ngay trong giờ học khác với một bài giảng học sinh mất tới vài ngày vẫn chưa hiểu hết. Vì thế, quá tải không nằm ở số lượng môn mà ở lượng kiến thức và yêu cầu mà môn học đặt ra” – GS. Thi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khi dư luận đặt ra vấn đề thì những người soạn thảo cũng nên lưu ý để hoàn thiện, tránh đi ngược lại mục đích, yêu cầu mà chúng ta đặt ra trong đổi mới chương trình phổ thông tổng thể lần này.

Cần nghiên cứu thêm về số lượng môn học tự chọn

Mục tiêu của CT mới đó là tích hợp ở bậc THCS và phân hóa ở THPT. Khi học sinh kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản chúng ta phải cố gắng tạo ra động lực, chính sách, sự khuyến khích để một tỷ trọng nhất định học sinh sau THCS sẽ chuyển sang học giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, chuẩn bị cho sự phân luồng không nằm ở THPT mà ở chính từ trong CT giáo dục cơ bản.

“CT này đã đạt được mong muốn của chúng ta là đảm bảo định hướng nghề nghiệp cho học sinh hay chưa thì theo tôi là chưa. Nhưng những người xây dựng cơ cấu chương trình cũng đã xem đây là yêu cầu ưu tiên” – GS. Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Ông phân tích trong 3 năm giáo dục THPT dành một năm đầu là học phân hóa nhưng bắt đầu phân hóa theo từng môn học, khác với giáo dục cơ bản (THCS) học các môn tích hợp là chính. Và 2 năm cuối chúng ta dành chủ yếu để học sinh học theo các môn học các em tự chọn theo sở thích cũng đồng thời là định hướng nghề nghiệp

Do đó, ông rất đồng tình khi  ban soạn thảo cân nhắc cho các em lựa chọn theo từng môn học mà không phải theo gói môn học giống như phân ban. Tuy nhiên chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu về số lượng môn học tự chọn, càng ngày càng phải mở rộng để tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn theo định hướng. Đặc biệt trong tương lai nghề nghiệp sẽ ngày càng đa dạng hơn nên các môn học cũng cần tiếp tục phát triển để phù hợp.

Nói thêm về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, theo GS. Đào Trọng Thi, rải nghiệm sáng tạo là một cách thức, phương pháp học nhưng phương pháp đó muốn tạo được cho học sinh tiếp cận thông qua một môn học cụ thể, đây là cách bố trí chương trình thôi.

Trong CT hiện hành,  hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thể được thể hiện qua một bài nói chuyện, cuộc trao đổi hay buổi thăm quan thực tiễn, còn trong CT mới,  chúng ta thiết kế theo kiểu tích lũy các môn học, nên tất cả phải đưa dưới dạng môn học hoặc chuyên đề. 

Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra thời điểm để bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là năm học 2018 – 2019. Nhưng GS. Đào Trọng Thi cho rằng ông giữ nguyên quan điểm yêu cầu về chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu, không vì chạy theo thời gian mà bỏ qua yêu cầu này. Cố gắng thực hiện theo lộ trình Nghị quyết Quốc hội đề ra nhưng nếu trong quá trình thực hiện thấy cố gắng thực hiện ấy mà gượng ép, dẫn đến vi phạm về chất lượng cũng cần phải tính toán sao cho hợp lý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN