Phổ điểm cao, thí sinh có nao núng?

Căn cứ trên điểm thi THPT và phổ điểm các môn thi, bài thi đã công bố, thí sinh có chín ngày để điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào các trường đã đăng ký trước đó.

Ngày 7-7, Bộ GD&ĐT đã công bố phổ điểm các môn thi cũng như phổ điểm các khối thi của kỳ thi THPT quốc gia 2017. Phổ điểm cho thấy các bài thi, môn thi đều có điểm trung bình khoảng 4,5-6,5 điểm. Bộ GD&ĐT nhận định dạng phổ điểm của tất cả bài thi, môn thi gần với phân phối chuẩn, đề thi sát với chuẩn đầu ra chương trình lớp 12 của các môn học. Qua đó có sự phân loại, phân hóa rõ ràng, sát thực năng lực của thí sinh, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xét tuyển vào các trường ĐH năm 2017.

Không nên vội vàng điều chỉnh nguyện vọng

ThS Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng điểm thi khá cao như năm nay tạo ra nguồn tuyển dồi dào cho các trường ĐH ở đều các tốp so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh các trường ĐH do đề thi THPT có sự phân hóa, phân loại khá rõ. Theo đó, các trường sẽ gặp khó khăn khi đưa ra ngưỡng điểm đầu vào để đảm bảo chất lượng tuyển sinh, trong khi với thí sinh chỉ hơn nhau 0,5 điểm cũng quyết định trúng hay rớt vào nguyện vọng đã đăng ký.

Theo ông Sơn, riêng các trường tốp giữa sẽ không có nhiều đột biến về ngưỡng điểm đầu vào, vì nhìn vào phổ điểm cho thấy điểm 18-20 khá phổ biến. Phổ điểm này rơi vào các trường tốp giữa và nhiều ngành có chỉ tiêu ngang bằng phổ điểm này hai năm gần đây.

Tuy nhiên, khoảng điểm 22-25 vào các ngành kỹ thuật, kinh tế như các năm trước sẽ có nhích lên khoảng 1 điểm so với năm ngoái. Ngược lại, các trường tốp trên như Y Dược, Bách khoa, Công an, Quân đội sẽ không có đột biến vì đã đạt đến ngưỡng xét tuyển điểm cao nhất. Như vậy, xét nội bộ ngành và trường kinh tế-kỹ thuật sẽ khó khăn hơn khi định ra ngưỡng điểm đầu vào, dự kiến sẽ nhích lên 1 điểm.

“Thí sinh không quá nao núng để điều chỉnh nguyện vọng, mà trước hết cần tham khảo điểm chuẩn vào các ngành, trường trong hai năm gần nhất (2015, 2016). Tiếp đó liệt kê từng ngành, trường mà mình đã định hướng để đưa ra quyết định có nên thay đổi nguyện vọng hay không. So sánh thấy điểm bằng hoặc thấp hơn năm ngoái thì không nên quá nao núng với trường tốp giữa, ngược lại nếu điểm bằng năm ngoái mà chọn vào trường tốp trên thì nên cân nhắc. Ngoài ra, thí sinh thao tác điều chỉnh nguyện vọng qua mạng không nên đưa ra quyết định vội vàng” - ông Sơn lưu ý.

Phổ điểm cao, thí sinh có nao núng? - 1

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại Hà Nội. Ảnh: PHI HÙNG

Bám sát phổ điểm xét tuyển

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phân tích việc lựa chọn ngành đã đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh lúc này cần bám sát phổ điểm cho các ngành xét tuyển nằm ở ngưỡng nào. Tổ hợp xét tuyển vào từng ngành điểm ra sao để biết mình có lợi thế hay không so với các thí sinh khác khi đăng ký xét tuyển vào một ngành, trường nào đó để nên hay không nên thay đổi nguyện vọng.

Theo ông Hồng, tổng chỉ tiêu tuyển vào các trường không thay đổi, vấn đề thí sinh có tự tin vào sức học của mình và kiên định với ngành mình đã định hướng để tỉnh táo khi đăng ký xét tuyển, nếu vì nhất nhất muốn vào ĐH thì sẽ có hệ lụy trong quá trình học tập do không đam mê sẽ bỏ bê học tập.

TS Hồng đánh giá việc điều chỉnh nguyện vọng sẽ tạo cơ hội cho thí sinh lựa chọn ngành phù hợp với sức học của mình, ngược lại các trường sẽ khó khăn hơn khi xử lý dữ liệu xét tuyển. Ngoài ra, việc điều chỉnh nguyện vọng có hai mặt, nhìn trực quan thì thuận lợi cho thí sinh lựa chọn ngành, trường phù hợp năng lực và điểm thi nhưng điều này vẫn chưa thể nói ăn chắc. Thí sinh nên phân tích phổ điểm tổ hợp xét tuyển thật kỹ để đưa ra quyết định cuối cùng.

Công bố ngưỡng điểm sớm để thí sinh liệu sức

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đánh giá tỉ lệ thí sinh có điểm cao sàn sàn nhau năm nay khá nhiều, lên tới vài ngàn thí sinh sẽ gây khó khăn cho các trường tốp trên như Y Dược, Ngoại thương, Bách khoa. Còn phổ điểm 21-23 năm ngoái trúng tuyển vào các trường khá nhiều thì năm nay sẽ nhích lên một chút.

Như vậy nhìn vào phổ điểm khá cao như năm nay, chắc chắn các trường sẽ sử dụng tiêu chí phụ để xét tuyển và thông thường môn toán để xét tiêu chí phụ.

Theo ông Dũng, với phổ điểm khá cao, dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ tăng 1-3 điểm, riêng những ngành “hot” có thể tăng 3 điểm. Do vậy thí sinh cần phải cẩn trọng khi điều chỉnh nguyện vọng và phải nhìn vào thực lực của mình để quyết định cuối cùng, vì điểm năm nay không phản ánh trình độ tương đương năm ngoái. “Có thể hình dung năm nay đạt 21 điểm thì chỉ bằng 18 điểm so với năm ngoái, do độ khó của đề thi THPT không bằng năm ngoái. Thí sinh cần lượng sức để chọn ngành thay vì chỉ nhìn vào số điểm để quyết định ngành mình đã ấn định khi đăng ký vào các trường sẽ không trúng tuyển” - ông Dũng khuyên.

Ông Dũng chia sẻ để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, ngày 9-7 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật sẽ công bố điểm sàn từng ngành để thí sinh lượng sức mình tham gia xét tuyển. Việc công bố sớm để thí sinh chủ động điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký.

- Trước ngày 14-7, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng chất lượng đầu vào;

- Trước ngày 15-7, các trường công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển;

- Từ ngày 15 đến 21-7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trực tuyến; từ ngày 15 đến 23-7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng;

- Trước ngày 17-7, các sở GD&ĐT in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh;

- Ngày 1-8, các trường ĐH công bố kết quả xét tuyển đợt 1.

“Mưa điểm 10” trong kì thi THPT quốc gia 2017: Điểm vào ĐH sẽ cao?

Trước “cơn mưa điểm 10” trong kì thi THPT quốc gia năm nay, nhiều ý kiến lo ngại rằng điểm cao sẽ làm khó các...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Điền (Pháp luật TPHCM)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN