Những ngành học đáng chú ý

Một số ngành học dưới đây đáng để các thí sinh lưu ý, cân nhắc trước mùa tuyển sinh 2013.

An toàn thông tin

Đây là những ngành đào tạo mới, chưa có trong mã ngành đào tạo ở Việt Nam vừa được Bộ GD&ĐT giao Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đào tạo thí điểm. Năm 2013, Học viện sẽ dành 150 chỉ tiêu tuyển sinh ngành này với đối tượng là học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, khối thi A, A1.

Đảm bảo an toàn thông tin đang trở thành một trong những nghề hấp dẫn của hiện tại và tương lai. Theo “Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020”, thì đến năm 2015 Việt Nam phải đào tạo được 1.000 lao động ở cấp độ chuyên gia và theo tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy có thể khẳng định rằng thị trường lao động trong nước đang “khát” nhân lực công nghệ thông tin trong lĩnh vực an toàn thông tin.

Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho biết, Chương trình đào tạo đại học ngành An toàn Thông tin của Học viện sẽ trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng về công nghệ thông tin, cùng với các kỹ thuật và công cụ đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho hệ thống mạng máy tính, kỹ thuật mật mã, an toàn hệ điều hành, an toàn cơ sở dữ liệu, an toàn các ứng dụng web và internet, các kỹ thuật phòng thủ, chống tấn công xâm nhập mạng, các vấn đề chính sách, chuẩn hóa an toàn... Trên cơ sở đó, phát triển khả năng sáng tạo và học tập độc lập cần thiết để sinh viên có thể tiếp tục phát triển chuyên môn, nghiên cứu chuyên sâu, và đạt được những kỹ năng và sáng tạo mới ở mức cao hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Đặc biệt với tính đặc thù của ngành An toàn thông tin khác với những ngành đào tạo khác, ngay trong quá trình đào tạo, Học viện sẽ có các nội dung bồi dưỡng nâng cao chuẩn mực hành vi đạo đức, tính kỷ luật, đam mê, tâm huyết với nghề cho sinh viên An toàn thông tin.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên có khả năng làm việc tại các đơn  vị/bộ phận chuyên về  công  nghệ  thông  tin  và mạng  cũng  như  các  cơ  quan, tổ  chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT như: các cơ quan chính phủ, các cơ quan thuộc các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, năng lượng điện, dầu khí, thương mại, giao thông vận tải…

Ngành học trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử


Đề án Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó ghi rõ phát triển nguồn nhân lực phải đi trước một bước.

Theo đề án, đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này trong thời gian đầu tập sẽ được giao tập trung cho 5 trường ĐH: ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN), ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGTPHCM), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Lạt, ĐH Điện lực và Trung tâm đào tạo hạt nhân tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Năm 2013, ngành Công nghệ hạt nhân của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN) sẽ tuyển sinh 70 chỉ tiêu, thi khối A, A1. Nhóm ngành Vật lí Kĩ thuật - Kĩ thuật hạt nhân của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển mới 160 chỉ tiêu (khối A, A1). Trường ĐH Điện lực năm 2013 sẽ cấp học bổng cho 30 trong số 60 chỉ tiêu tuyển sinh vào chuyên ngành Điện hạt nhân hệ ĐH, năm thứ nhất lấy theo điểm thi tuyển sinh ĐH từ cao xuống thấp; những năm học sau dựa theo kết quả học tập của các năm trước, khối thi vào chuyên ngành này của trường cũng là A, A1. Tại trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), ngành Kỹ thuật hạt nhân (mã ngành D520402) với các chuyên ngành: Năng lượng và điện hạt nhân, Kỹ thuật hạt nhân, Vật lý y khoa, các ngành này thi khối A với tổng 50 chỉ tiêu. Ngành Kỹ thuật hạt nhân – ĐH Đà Lạt tuyển khoảng 30 chỉ tiêu, thi khối A.

Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử do Bộ GD&ĐT xây dựng, sinh viên các cơ sở giáo dục ĐH được giao đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói trên sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như học bổng cao, miễn học phí, miễn phí ở KTX...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Bình (Giáo dục & Thời đại)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN