Những kỷ niệm vui của PGS Văn Như Cương thời bao cấp

Nhà toán học Văn Như Cương mất đi, xung quanh ông vẫn có nhiều giai thoại, nhiều kỉ niệm vui từ thời bao cấp.

Sáng 9/10, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh qua đời ở tuổi 80, sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư.

PGS Văn Như Cương luôn được học sinh yêu mến và kính phục bởi tâm huyết với giáo dục, sự nghiêm khắc nhưng gần gũi và yêu thương học trò.

Nhà toán học Văn Như Cương mất đi, xung quanh ông vẫn có nhiều giai thoại, nhiều kỉ niệm vui từ thời bao cấp.

Những kỷ niệm vui của PGS Văn Như Cương thời bao cấp - 1

Xếp hàng mua dao cạo râu

Từng chia sẻ với phóng viên, PGS Văn Như Cương kể vào một buổi trưa nắng, Giáo sư Văn Như Cương đạp xe từ trường về nhà. Qua cửa hàng mậu dịch Cầu Giấy (Hà Nội), ông chợt thấy có rất nhiều phụ nữ đứng xếp hàng trước quầy.

Trông vẻ mặt ai cũng hớn hở, thấy lạ, giáo sư dừng xe lại hỏi: "Các chị xếp hàng mua gì đấy?" Một chị nhận ra nhà giáo nên nhanh nhẩu: "Xếp hàng mua dao cạo râu thầy ạ!”.

Giáo sư thắc mắc tại sao mua dao cạo râu mà lại toàn phụ nữ xếp hàng? Hỏi thêm vài câu mới biết, thì ra hôm nay cửa hàng mậu dịch có đợt hàng dao cạo râu mới về nên mở cửa bán theo tiêu chuẩn cho mỗi người một cái. Có người xếp hàng mua dao hộ chồng, có người là "con phe" mua ra ngoài để bán lại kiếm lời.

Ông vội chen chân bước lại gần quầy hàng, mấy chị em phụ nữ cũng nhường lối cho ông. Đến nơi, ông nói với cô mậu dịch viên: "Cô làm ơn bán cho tôi một hộp?" Cô mậu dịch viên trố mắt: "Mỗi người chỉ được mua một cái". "Cô cứ bán cho tôi một hộp?!".

PGS Văn Như Cương nhẹ nhàng: "Cô trông tôi có giống bọn đầu trộm đuôi cướp, hay dân con phe chợ đen không? Râu tôi nhiều thế này, chưa cạo dao đã mòn rồi. Không lẽ cạo một bên, trừ lại một bên".

Lúc này mấy người đằng sau cũng kêu lên: "Đúng đấy! Bán cho ông ấy đi!"

Kết quả, giáo sư Cương đã được cô mậu dịch viên bán cho một hộp dao cạo râu.

Nhưng đó cũng chỉ là một lần hy hữu giáo sư có nhiều dao cạo râu như vậy. Ông vốn nhiều râu, hồi đó món đồ này lại hiếm. Thành thử ông thường xuyên phải để râu. Có lần, bị cán bộ trường phê bình rằng, như vậy là làm xấu hình ảnh trước học sinh, ông bảo: "Tôi có muốn để vậy đâu, nhưng vì không có dao cạo". Lâu dần, ông để luôn râu như vậy không thèm cạo nữa.

Bị lập biên bản vì nuôi lợn

PGS Văn Như Cương từng chia sẻ với báo chí về giai thoại cách đây khoảng hơn 40 năm, lúc đó ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở Nga (Liên Xô cũ - 1971); trở về dạy học ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Ngày đó, do kinh tế còn khó khăn, để vượt qua cái “sĩ” của mình không phải dễ, nhưng thầy Cương không nề hà tìm cách tự cứu lấy mình bằng cách nuôi lợn kiếm tiền. Mỗi lứa lợn, tính toán tiền lãi và tiền cám dư còn được 70 đồng, bằng đúng tiền lương của một tiến sĩ ngày đó. Nên thầy Cương hay nói vui với đồng nghiệp, nhà có 2 tiến sĩ, một là tôi và một là lợn.

Thế rồi, sau những lần bị lập biên bản về chuyện làm “ảnh hưởng môi trường tập thể”, thầy Cương phải từ bỏ công việc cải thiện thu nhập của mình.

Khi bạn bè đến chơi, đùa hỏi: “Tiến sĩ nhà thầy đâu? Sao cho nó tốt nghiệp sớm thế?”. Thầy bèn cười và hóm hỉnh đùa lại rằng: “Hết đề tài cám (thực ra là không còn tiền mua cám nữa), tôi cho “tiến sĩ lợn” bảo vệ, tốt nghiệp sớm cho nhanh”.

Còn giai thoại kể khi bị lập biên bản, thầy cứ bắt người ta phải ghi lại câu chữ, rằng: “Các anh không được viết, tôi nuôi lợn làm ảnh hưởng tới môi trường, mà phải viết lợn nuôi tôi làm ảnh hưởng tới môi trường, thì tôi mới ký”.

Thiệp cưới năm 1961 của thầy Văn Như Cương

Mới đây, con gái PGS Văn Như Cương – cô Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng trường DL Lương Thế Vinh khoe trên trang cá nhân của mình tấm thiệp cưới của cha mẹ cô.

Những kỷ niệm vui của PGS Văn Như Cương thời bao cấp - 2

Thiệp cưới của PGS Văn Như Cương cách đây hơn 50 năm

Tấm thiệp vô cùng giản dị có ghi tên của cô dâu - chú rể. Mặt sau của tấm thiệp, PGS Văn Như Cương còn viết tay đơn giản: "Theo ý chúa, bọn mình sẽ cưới nhau vào tối ngày 30/6 tại Vinh. Cậu mừng cho bọn mình nhé".

Đăng kèm tấm thiệp mời cưới của Thầy Văn Như Cương là tấm ảnh thuở mới cưới của hai vợ chồng thầy. Gương mặt hạnh phúc của hai vợ chồng trong tấm ảnh đen trắng khiến nhiều người ao ước.

Ngày ấy, chàng sinh viên Bách Khoa quê Nghệ An về trường nữ sinh Trưng Vương thực tập thì gặp cô học trò Đào Kim Oanh. Hai bên cảm mến nhau. Tình yêu cứ thế nảy nở giữa thầy giáo nghèo và cô tiểu thư Hà thành.

Được gia đình đồng thuận, cô Oanh theo thầy Cương vào Nghệ An khi thầy được giao nhiệm vụ xây dựng trường Đại học đầu tiên tại Vinh năm 1959. Năm 1961, cô Oanh tốt nghiệp, thầy Cương xin bố mẹ đôi bên cho phép 2 người được về chung một nhà. Năm 2017 này, họ đã là vợ chồng của nhau được 56 năm.

Cõng mẹ đi chơi

PGS Văn Như Cương từng chia sẻ câu chuyện ông về quê cõng mẹ 94 tuổi đi chơi Tết. Chuyện xảy ra cũng đã hơn 20 năm.

Ai cũng nhớ hôm ấy trời mưa, đường đất rất trơn. Mùng 1 Tết, theo thường lệ thầy theo gia đình ra nhà thờ họ và đi chúc Tết bà con láng giềng, họ hàng. Đường trơn ướt mưa, mẹ không đi được, thầy bèn cúi lưng đòi cõng mẹ cho dù trước đó đã bị ngã đau chân. Khi tới nhà thờ họ, ai cũng bất ngờ xúc động với hình ảnh người con đã râu tóc bạc phơ vẫn cõng mẹ đi chơi.

Thấy mẹ nhẹ bỗng trên lưng mình, thầy Cương bồi hồi xúc động vì thương mẹ gầy gò, ốm yếu. Đó cũng là câu chuyện thành thơ cuối cùng giữa hai mẹ con thầy giáo Văn Như Cương.

Thầy Văn Như Cương qua đời, học sinh bàng hoàng không tin đó là sự thật

Thông tin thầy Văn Như Cương qua đời ở độ tuổi 80 vào buổi sáng ngày 9/10 như một cú sốc mạnh khiến toàn bộ học sinh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
PGS Văn Như Cương Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN