Nhiều bất cập trong dạy nghề bậc phổ thông
Học sinh bậc phổ thông chỉ chủ yếu được dạy nghề môn tin học trong khi có đến 11 ngành nghề có thể dạy cho học sinh.
Học sinh bậc phổ thông chỉ chủ yếu được dạy nghề môn tin học trong khi có đến 11 ngành nghề có thể dạy cho học sinh (Ảnh: Tiền Phong)
Theo Công văn số 10945 về hướng dẫn thi và cấp giấy chứng nhận nghề phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), thì sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) được giao trách nhiệm: “Tổ chức thi và cấp giấy chứng nhận nghề phổ thông cho học sinh THCS và THPT đã học nghề phổ thông ở trường hoặc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp, cơ sở dạy nghề được giao nhiệm vụ tổ chức dạy học theo chương trình nghề phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành hoặc cho phép thực hiện”.
Nhưng, hiện nay ở nhiều địa phương, không ít trường phổ thông gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ dạy nghề phổ thông cho học sinh, bởi có huyện không có trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; do đó hoàn toàn không có sự phối hợp nhau để thực hiện kế hoạch dạy nghề cho học sinh; mặt khác các trường phổ thông đó không đủ giáo viên môn công nghệ để dạy đủ các nghề mà học sinh chọn để đăng ký học .
Thế nên, nhiều trường phổ thông chỉ dạy cho học sinh một nghề duy nhất là tin học văn phòng, trong số 11 nghề mà Bộ GD-ĐT có ban hành tài liệu học tập gồm: Làm vườn, nuôi cá, trồng rừng, gò, điện dân dụng, điện tử dân dụng, sửa chữa xe máy, cắt may, nấu ăn, thêu tay và tin học văn phòng, bởi nhà trường có đủ giáo viên tin học và phòng máy vi tính đề dạy nghề này.
Do vậy, thiết nghĩ các sở GD-ĐT cần sớm hình thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên (GDTX) ở các huyện; với cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật được trang bị và giáo viên dạy nghề đủ tiêu chuẩn; thì trung tâm này sẽ phối hợp với các trường phổ thông không những hướng nghiệp cho học sinh mà còn tổ chức dạy tốt môn nghề phổ thông theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Mặt khác, thực hiện hướng dẫn 10945 của Bộ GD-ĐT, nhiều sở GD-ĐT giao Trung tâm GDTX cấp huyện tổ chức dạy nghề cho học sinh phổ thôngvới những nghề như điện dân dụng, thêu tay và tin học văn phòng; có địa phương dạy thêm nghề nấu ăn.
Tuy nhiên, do đội ngũ giáo viên dạy nghề của trung tâm phần đông là giáo viên phổ thông được Sở GD-ĐT tổ chức bồi dưỡng và cấp giấy chứng nhận để dạy những nghề trên đây; nên không thể nâng cao được kỹ năng thực hành nghề cho học sinh; mặt khác nhiều nghề phổ thông học sinh cần học đúng với sở thích và năng lực của bản thân thì Trung tâm GDTX không thể đáp ứng được.
Do vậy, thiết nghĩ, ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đã được đầu tư với quy mô lớn cho các Trung tâm GDTX cấp huyện để dạy nghề cho lao động nông thôn; sở GD- ĐT cần đầu tư đội ngũ giáo viên dạy nghề kể cả lãnh đạo các trung tâm GDTX phải là những giáo viên tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật hoặc trường CĐ nghề, để Trung tâm GDTX cấp huyện tổ chức dạy được nhiều nghề phổ thông cho học sinh có chất lượng, mà địa phương có nhu cầu sử dụng lao động.
Qua đó, học sinh phổ thông không chỉ học để thi lấy giấy chứng nhận nghề, để được hưởng điểm khuyến khích trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 công lập hoặc thi tốt nghiệp THPT, mà còn được chọn một nghề phù hợp để học, khi hết phổ thông các em có thể tham gia lao động hoặc tiếp tục theo học các trường nghề.