Nên có nhiều mức điểm sàn?
TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết như vậy trước kiến nghị "bỏ điểm sàn". Theo ông, chỉ có thể có nhiều mức điểm sàn nhưng cần phải cân nhắc kĩ không sẽ ảnh hưởng đến các trường công vốn có vai trò đào tạo tinh hoa.
Thưa ông, trước thực trạng hàng loạt trường ĐH, CĐ NCL đang có nguy cơ phải đóng cửa do số lượng tuyển sinh quá thấp. Theo ông nguyên nhân là do đâu?
Theo tôi nguyên nhân tiềm ẩn lớn nhất khiến các trường NCL không tuyển đủ thí sinh là khả năng tài chính của người học. Hiện nay, người học vẫn có xu hướng chọn những trường nằm trong khả năng tài chính của mình.
Về uy tín, truyền thống của nhà trường, các trường công vẫn có nền móng lâu đời, chất lượng ổn định hơn.
Mặt khác, sự phát triển của trường NCL chưa được nhà nước quan tâm đúng mức. Như vậy, ở đây có vai trò và trách nhiệm của nhà nước, nhà nước phải tạo ra các kênh pháp lý, chính sách, đất đai để hỗ trợ các trường NCL.
Về phía nhà trường, các trường NCL có nguồn lực tài chính yếu. Để đầu tư cho một trường ĐH cần một mức đầu tư lớn, ổn định nhưng rất ít trường NCL có khả năng này, phần lớn các trường đều dựa hoàn toàn vào học phí. Trong khi càng tuyển sinh ít thì nguy cơ về tài chính càng bị đe dọa.
Sự ổn định trong nhân sự và đoàn kết nội bộ của các trường NCL cũng có nhiều vấn đề. Đội ngũ quản lý các trường NCL phần lớn dựa trên các cán bộ đã nghỉ hưu hoặc không còn công tác tại các trường công chuyển sang, họ không quen với cơ chế quản lý của trường NCL.
Những chính sách của Bộ GD-ĐT đưa ra có “trói chân” các trường NCL trong việc tuyển sinh không, thưa ông?
Tôi không bênh Bộ GD-ĐT, có những điểm tôi sẵn sàng phê phán...
Có thể thấy rằng, phương thức “ba chung” trong kì thi ĐH,CĐ tiến hành từ năm 2002 trong ba khâu: tổ chức thi, đề thi-chấm thi, xét tuyển thì hai khâu đầu khá ổn định nhưng cái bất cập lớn nhất hiện nay là ở khâu xét tuyển mỗi năm tuy chủ trương ít thay đổi nhưng kĩ thuật đều có thay đổi.
Đối với nhà trường, những chủ trương lớn của Bộ đưa ra không có tính ràng buộc, bởi những chủ trương này mang tính chất định hướng là chính, nhưng cách triển khai kĩ thuật nhiều lúc đi quá sâu, đụng đến quyền tự chủ của các trường.
Cụ thể, năm 2011 mỗi TS có mức điểm ngang hoặc trên điểm sàn nếu không đậu nguyện vọng 1 có 2 giấy chứng nhận kết quả thi tương ứng với hai đợt xét tuyển nguyện vọng 2 và 3. Năm 2012 có thể nói thí sinh có vô số đợt xét tuyển kéo dài từ 25/8 -31/10. Năm nay đổi lại TS dự thi có 3 giấy chứng nhận kết quả thi, thời gian xét tuyển mỗi đợt kéo dài 20 ngày.
Những kĩ thuật đó làm cho các trường không ổn định trong khâu xét tuyển, chưa kể những thông báo đó đến trễ, ảnh hưởng đến cả vấn đề tư vấn tuyển sinh, cẩm nang hướng nghiệp…
TS Nguyễn Đức Nghĩa
Nên có nhiều mức điểm sàn?
Hiện nay, các trường NCL cho rằng để tuyển đủ chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT nên bỏ quy định về điểm sàn. Ông cho rằng, kiến nghị này có hợp lý không?
Điểm sàn hiện nay được xác định theo các tiêu chuẩn, tiêu chí nhất định nên cũng có những hiệu quả nhất định.
Công dụng của điểm sàn hiện nay nên được nhìn nhận toàn diện. Theo tôi, mục tiêu của điểm sàn không phải đánh giá năng lực học ĐH của học sinh. Rất nhiều trường có chương trình liên kết với nước ngoài họ không đòi hỏi vào điểm thi ĐH mà vẫn đào tạo được các SV rất giỏi.
Mục tiêu của điểm sàn là để phân luồng. Trong bối cảnh người đi học nhiều, chỉ tiêu ít, tác dụng lớn nhất của điểm sàn là phân luồng học sinh. Nếu suy cho cùng kì thi tốt nghiệp THPT là mức sàn đầu tiên thì mức sàn hiện nay chỉ là sự phân luồng HS.
Những HS có điểm hơn mức sàn hiện nay sẽ được phân luồng vào các trường ĐH, những em có điểm thi dưới mức sàn sẽ được phân luồng vào các trường như CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN)...giữ được tính công bằng giữa đào tạo các nguồn nhân lực có trình độ cao và các nguồn nhân lực có trình độ chuyên nghiệp.
Các trường phải căn cứ vào điều này, đừng mong muốn tuyển đủ chỉ tiêu. Vấn đề không nằm ở chỗ điểm sàn, bởi nếu điểm sàn đối các trường NCL quá cao thì những thí sinh dưới điểm sàn sẽ chạy vào các bậc thấp hơn là các trường TCCN, nhưng bản thân các trường TCCN không tuyển đủ chỉ tiêu.
Kiến nghị bỏ điểm sàn là một vấn đề cực đoan, ảnh hưởng đến việc phân luồng. Nếu bỏ điểm sàn thì kịch bản là các trường CĐ, TCCN, TC nghề cũng sẽ không tuyển được thí sinh. Viễn cảnh thứ hai là những trường tuyển SV có năng lực thấp hơn thì chất lượng sẽ dần đi xuống.
Như vậy, kì thi tốt nghiệp THPT sẽ trở thành mức sàn cuối, kì thi tuyển sinh ĐH,CĐ sẽ có vai trò đến đâu? Trước đây không có điểm sàn nhiều trường ĐH chỉ tuyển đến mức 3- 4 điểm, liệu chúng ta có chấp nhận thực trạng này.
Chỉ có thể có phương án có nhiều mức điểm sàn để dung hòa nhưng cần phải cân nhắc kĩ lưỡng không sẽ ảnh hưởng đến các trường công vốn có vai trò đào tạo tinh hoa.
Ông có hiến kế gì để cho việc tuyển sinh năm 2013 của trường NCL không xảy ra tình trạng thừa nguồn tuyển, thiếu thí sinh?
Theo tôi, các trường không nên phân biệt công, tư mà phải chia sẻ trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực chứ không nên giành giật nhau để đào tạo. Tất nhiên trong trách nhiệm đó, một cách tự nhiên sẽ có sự phân tầng giữa các trường.
Vấn đề đổi mới quản lý cần đặt ra cho cả hai hệ công và tư. Cần phải quản lý trường ĐH theo đúng nghĩa quản trị các trường ĐH, các nhà quản lý ĐH có nghiệp vụ chuyên môn cao, huy động nhiều nguồn lực, tránh ỉ vào ngân sách nhà nước và học phí.
Đối với trường NCL, thử hỏi hiện nay có tập đoàn tư nhân nào có thể đảm bảo cho trường ĐH không có lợi nhuận trong 5 năm mà vẫn đảm bảo chất lượng?
Do đó, khi có cơ sở vật chất, nguồn lực rồi các trường cần quan tâm đến vấn đề tiếp thị hình ảnh của nhà trường đến với HS đúng với thực tế.
Cảm ơn ông!