Nâng cấp bằng cấp quốc gia

Gấp rút xây dựng khung trình độ quốc gia thống nhất bao gồm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH để bằng cấp của Việt Nam được khu vực công nhận.

Hơn 40 đại biểu đến từ 20 quốc gia trong khu vực và Diễn đàn Hợp tác Á - Âu cùng đại diện các trường ĐH, CĐ trong nước đã tham dự hội thảo quốc tế và hội nghị bàn tròn của Mạng lưới Đảm bảo chất lượng ASEAN (AQAN) với chủ đề “Xây dựng văn hóa chất lượng và khung trình độ quốc gia”. Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì, diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/10 tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng đề cập nhiều vấn đề cấp thiết để bằng cấp của Việt Nam được các nước trong khu vực công nhận.

Văn bằng: Phức tạp, thiếu chuẩn

Đánh giá về hệ thống văn bằng ở Việt Nam hiện nay, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, cho rằng có nhiều văn bằng, chứng chỉ thiếu tính thống nhất về tên gọi và giá trị; văn bằng và trình độ được định nghĩa khó hiểu, khó phân biệt, thiếu rõ ràng, như: trình độ trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), TCCN và CĐ nghề, CĐ…

“Hệ thống trình độ của Việt Nam cho thấy sự phức tạp, thiếu định hướng, khó hội nhập. Vì vậy, văn bằng được cấp thiếu sự tin tưởng của xã hội và nhà tuyển dụng. Việc từ chối bằng cấp để học liên thông, trong tuyển dụng hệ vừa làm vừa học, trong việc trả lương… minh chứng rõ về hạn chế này” - ông Vinh nhận định.

Nâng cấp bằng cấp quốc gia - 1

Trao bằng ĐH, thạc sĩ ở Trường ĐH Bách khoa TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh

Các đại biểu cho rằng bằng cấp của nước ta hiện chưa gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng; không được kiểm duyệt chặt chẽ bởi cơ quan có thẩm quyền; thiếu thống nhất quốc gia về các tiêu chuẩn, thủ tục công nhận và cấp văn bằng; thiếu sự tham gia của đại diện người sử dụng lao động trong việc thiết lập cấp trình độ và mô tả trình độ… Vì vậy, việc công nhận văn bằng và trao đổi lao động với các quốc gia khác gặp khó khăn, đôi khi gây thiệt thòi cho người học và người lao động.

Ông Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết hằng năm có hơn 100.000 sinh viên Việt Nam du học ở nước ngoài, với sự đa dạng của các cơ sở giáo dục ĐH. Để tránh tình trạng bằng giả, việc công nhận văn bằng của người Việt Nam do các cơ sở giáo dục cấp là vô cùng cần thiết.

Cao đẳng chỉ còn 2 năm

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT lần đầu tiên công bố đề án xây dựng khung trình độ quốc gia như một giải pháp cấp thiết để nâng cấp hệ thống văn bằng hiện nay. Ông Hoàng Ngọc Vinh cho biết khung trình độ quốc gia được xây dựng dựa trên sự tiếp cận các hệ thống khung trình độ quốc gia của các nước, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á, từ đó rút kinh nghiệm thực tiễn cho Việt Nam.

Khung trình độ quốc gia sẽ thống nhất và chuẩn hóa một số trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH; được mô tả dễ hiểu, tin cậy, phù hợp với thực tiễn; gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng để tạo lòng tin trong xã hội về giá trị thực của văn bằng ở mỗi trình độ.

Theo đó, có 2 phương án khung trình độ quốc gia được Bộ GD-ĐT đưa ra. Phương án 1, chia khung trình độ gồm giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, giáo dục ĐH có 4 cấp độ: tiến sĩ (3 năm), thạc sĩ (1,5-2 năm), cử nhân (3,5-4,5 năm) và CĐ (gồm CĐ nghề và CĐ 2 năm sau THPT). Giáo dục nghề nghiệp gồm trung cấp (trung cấp nghề và TCCN 3 năm sau THCS), sơ cấp (4 trình độ, từ sơ cấp 1 đến sơ cấp 4).

Phương án 2, cũng gồm các cấp độ như trên nhưng tách CĐ thuộc giáo dục ĐH và CĐ nghề thuộc giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, trong cả 2 phương án thì hệ CĐ từ 3 năm rút xuống còn 2 năm; ghép TCCN và trung cấp nghề thành hệ trung cấp và chỉ dành cho đối tượng tốt nghiệp THCS.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết vấn đề xây dựng khung trình độ quốc gia bắt đầu hình thành từ 30 năm trước, đến nay đã có hơn 120 nước áp dụng. Theo ông Ga, việc xây dựng khung trình độ sẽ hỗ trợ sự hợp tác liên kết giữa các hình thức đào tạo, trao đổi sinh viên giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang gấp rút triển khai công việc này và hy vọng sẽ hoàn thành trong năm 2014.

Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành đề xuất lập ban biên soạn khung trình độ quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, đề xuất Bộ Nội vụ thành lập cơ quan có chức năng quản lý nhà nước trong việc xây dựng tiêu chuẩn các trình độ, tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, giám sát thực hiện, công nhận văn bằng và bảo đảm chất lượng để bảo đảm giá trị thống nhất của văn bằng chứng chỉ quốc gia.

Hướng tới khung trình độ khu vực

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng khung trình độ quốc gia, ông Megawati Santoso, Trưởng nhóm xây dựng chiến lược Khung trình độ quốc gia thuộc Ủy ban Giáo dục Indonesia, cho biết khung trình độ quốc gia của nước này hướng tới sự công nhận quốc tế dựa trên các nhu cầu của doanh nghiệp, giáo dục xuyên biên giới, công nghệ…

Ông Vipat Kuruchittham, Phó Giám đốc Trung tâm SEAMEO RIHED, cho rằng khung chương trình quốc gia cần hướng tới năng lực toàn cầu, chú trọng đến yếu tố công nhận trình độ lẫn nhau, sự chuyển đổi liên quốc gia. Việt Nam cần chú trọng xây dựng tín chỉ cho các môn học bắt buộc và tự chọn tương ứng khoảng 60%-70% so với các nước trong khu vực để các nước có thể công nhận tín chỉ và trao đổi sinh viên với Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Vinh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN