Năm học mới và lời giải cho bài toán 200.000 cử nhân thất nghiệp

Sự kiện: Giáo dục

Theo báo cáo của bộ GD&ĐT, hiện cả nước đang có khoảng 200.00 cử nhân thất nghiệp, không loại trừ khả năng con số ấy lại tăng lên trong bối cảnh chỉ tiêu tuyển sinh của các trường năm sau lại cao hơn năm trước.

Mặc cho số cử nhân, thạc sĩ không có việc làm ngày càng gia tăng, nhưng theo báo cáo từ bộ GD&ĐT hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học vẫn gia tăng. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT cho rằng việc trước mắt cần thắt chặt lại chỉ tiêu để có thể sử dụng hết 200.000 cử nhân vẫn còn đang trong tình trạng thất nghiệp.

PV: Thưa ông, kỳ thi THPT Quốc gia vừa diễn ra. Bên cạnh tâm trạng sốt ruột, chờ đợi của các thí sinh và gia đình về kết quả thi, xã hội vẫn còn đó lo âu về chất lượng đào tạo và “đầu ra” của những cử nhân đại học, bởi trước đó, con số 200.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp được phát đi từ Bộ trưởng bộ GD&ĐT trong báo cáo ở Quốc hội. Ông nghĩ sao về con số này?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Đây là con số đau lòng. 200.000 nhân lực không có việc làm là một sự lãng phí lớn trong nguồn lực đất nước. Nó phản ánh lên một bức tranh rối ren trong quản lý, xác định nhu cầu nhân lực. Đau lòng hơn, khi hàng năm, những gia đình có tiềm lực tài chính đành chấp nhận bỏ ra khoảng 3 tỷ USD cho con em đi du học - bằng với số tiền của gần 1 triệu người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài chuyển về nước hàng năm. Đã đến lúc chúng ta cần có những giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, bởi hệ quả mà nó để lại cho xã hội là rất lớn.

Năm học mới và lời giải cho bài toán 200.000 cử nhân thất nghiệp - 1

Ông Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT.

PV: Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Đó là do lỗi của 3 bên: Người học, đơn vị đào tạo và cơ quan quản lý Nhà nước. Trước hết là lỗi của đơn vị đào tạo, lâu nay có một thực tế nhiều trường đào tạo ồ ạt, không đúng nhu cầu thực tế. Có nhiều trường chỉ mải miết tuyển sinh mà không cần biết khả năng đào tạo, cơ sở vật chất của mình đến đâu. Họ vơ vét sinh viên bằng các hình thức hạ chuẩn đầu vào, đưa ra các tổ hợp “lạ” trong tuyển sinh.

Cách đây 8 năm, tôi có cảnh báo về sự khủng hoảng thừa nhân lực ngành Sư phạm nếu như tiếp tục tuyển sinh và đào tạo tràn lan. Khi đó, có rất nhiều trường, đào tạo giáo viên từ hệ thống ĐH Quốc gia, trường trọng điểm, trường địa phương, thậm chí cả trường tư thục và dân lập... Tôi nghĩ không thể cho phép bất kỳ trường nào cũng có thể đào tạo giáo viên, thậm chí cả trường sư phạm trọng điểm cũng cần có đủ tiêu chuẩn mới được đào tạo. Tuy nhiên bộ GD&ĐT đã không lắng nghe các ý kiến cảnh báo, để rồi sự việc năm ngoái như một giọt nước tràn ly (năm trước, có trường tuyển sinh ngành sư phạm với 9 điểm cho 3 môn-PV).

Tiếp theo là cơ quan quản lý Nhà nước, chúng ta đã cho phép mở quá nhiều trường đại học. Hiện có tới 235 trường đại học, đây là con số quá lớn, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu cơ chế giám sát. Tôi lấy ví dụ, riêng vụ Giáo dục đại học và Thanh tra của Bộ chỉ đi kiểm tra thôi thì cả năm cũng không kiểm tra hết từng đó trường.

Cuối cùng, cũng phải nói đến lỗi của người học. Chất lượng đào tạo kém thì ai cũng đã biết. Trường ấy, lớp ấy, thầy ấy, cách đào tạo ấy mà có được nhân lực chất lượng cao mới là chuyện lạ. Thế nhưng, họ vẫn lựa chọn. Để rồi, khi ra trường, đi loanh quanh tìm việc làm mà vẫn không được.

Có bằng cử nhân trong tay, ai cũng muốn chọn việc nhẹ nhàng, thanh nhã, thu nhập cao. Nhiều khi cũng do “sĩ hão”, vì mình là cử nhân thì phải được làm bàn giấy, ngồi phòng máy lạnh, chấp nhận “ăn bám”, ở nhà để bố mẹ nuôi “báo cô” còn hơn đi bán hàng, chăn gà, thả cá...

PV: Rõ ràng chỉ tiêu đào tạo của các trường năm sau luôn cao hơn năm trước. Đã có nhiều cảnh báo, nhưng tại sao bộ GD&ĐT vẫn không siết chỉ tiêu tuyển sinh?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Đó cũng là điều tôi đang băn khoăn, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh các trường đại học cao hơn năm ngoái khoảng 2%. Một điểm mới, là Bộ cho các trường tự quyết định chỉ tiêu tuyển sinh của trường dựa vào cơ sở vật chất mình có. Mặc dù Bộ lấy lý do là tự chủ đại học, tuy nhiên tôi cho rằng không phải tự chủ là muốn đào tạo bao nhiêu cũng được.

Cơ chế tự chủ tài chính nửa vời như hiện nay đã dẫn tới đa số các trường đại học chạy theo số lượng quy mô đào tạo để có nguồn tài chính bù đắp các khoản chi thường xuyên. Hệ quả là một số trường đua nhau tuyển giảng viên để tăng số lượng theo quy chế của bộ GD&ĐT mà coi nhẹ chất lượng giảng dạy, để từ đó có điều kiện tuyển số lượng sinh viên mà không quan tâm tới nhu cầu của xã hội và chất lượng đào tạo.

Bộ GD&ĐT nói rằng sẽ hậu kiểm, tuy nhiên với cách làm việc còn thiên về tình như ở ta hiện nay thì việc hậu kiểm ấy có thành công? Kể cả khi hậu kiểm diễn ra nghiêm túc, thì khi đó hậu quả đã có là những lứa sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường.

PV: Vậy theo ông chúng ta cần phải làm gì để giảm con số này?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Giải pháp thì có lẽ là rất nhiều, rất rộng, tuy nhiên tôi chỉ nói dưới góc độ đào tạo và định hướng. Trước hết phải có đánh giá một cách tương đối về nhu cầu nhân lực trong tương lai để có phương án đào tạo thực tế. Lâu nay các trường vẫn hay có những câu như “nhu cầu nhân lực lớn”, “cơ hội việc làm lớn”, nhưng mà những cái cơ hội ấy chỉ là câu quảng cáo để thu hút người học, chứ chẳng có một nghiên cứu cụ thể nào.

Khi đã xác định được nhu cầu xã hội rồi, bộ GD&ĐT cần phải đưa ra chỉ tiêu hợp lý để đào tạo. Nếu trường nào chất lượng đào tạo kém thì nhất quyết phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí là dừng đào tạo để nâng cao chất lượng.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Trường sư phạm đóng cửa giảng đường: Đổi mới tránh sao được xáo trộn?

Kết thúc đợt tuyển sinh đầu tiên, nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên đã không tuyển đủ thí sinh....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Luân ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN