Miễn thi Văn: Cần có sự giải thích rõ ràng

Dư luận xã hội vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh Đề án thi tuyển sinh ĐH - CĐ hệ chính quy vào các trường khối văn hóa - nghệ thuật năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), khi đưa ra phương án “miễn thi” môn Văn.

Dư luận xã hội vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh Đề án thi tuyển sinh ĐH - CĐ hệ chính quy vào các trường khối văn hóa - nghệ thuật năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), khi đưa ra phương án “miễn thi” môn Văn đối với những trường ĐH-CĐ này. Để làm rõ hơn vấn đề này PV đã có cuộc trao đổi với Nhà văn, Nhà lý luận phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên.

Là người chuyên nghiên cứu lý luận phê bình văn học, lại là một nhà văn, quan điểm của ông về việc không thi tuyển môn Văn tại 10 trường ĐH- CĐ thuộc khối văn hóa-nghệ thuật năm nay có ảnh hưởng như thế nào đối với thí sinh và các bậc phụ huynh?

Nhà văn Đỗ Ngọc Yên: Mọi người cần nhớ rằng, văn học là một trong số những môn khoa học xã hội cơ bản, có mặt sớm nhất trong hệ thống giáo dục phổ thông của nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới từ trước đến nay và nó sẽ theo suốt cuộc đời mỗi người. Bởi một lẽ đơn giản mà cha ông ta đã đúc kết hàng bao đời nay: “Văn là người”, còn Đại văn hào M. Goorky thì nói: “Văn học là nhân học”. Vậy mà khối ngành văn hóa - nghệ thuật lại loại môn Văn ra khỏi chương trình thi tuyển sinh CĐ- ĐH năm học 2013- 2014 thì quả là chuyện rất đáng quan ngại, không chỉ đối với các em học sinh mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng cảm thấy hoang mang, lo lắng vì không biết con em mình sẽ là các đạo diễn, biên kịch, diễn viên, ca sĩ, họa sĩ, nhà thiết kế,... tương lai sau khi học xong một số kỹ năng nghề nghiệp rồi sẽ làm gì, một khi chính họ là những người “ăn không nên đọi, nói không nên lời”.

Việc không thi tuyển môn Văn đầu vào, nhất là trong số 10 trường ĐH - CĐ chuyên ngành văn hóa-nghệ thuật liệu có đánh giá đúng chất lượng đầu vào của các thí sinh? Vậy việc xét tuyển môn Văn nêu trên, sẽ tạo “điều kiện” cho những tiêu cực, “chạy điểm” tại các cấp học phổ thông không thưa ông?

Tôi quả quyết là sẽ không bao giờ đánh giá đúng chất lượng đầu vào. Bởi lẽ, vào đầu năm Quý Tỵ, ngày 7/1/2013, tại TP Huế đã diễn ra Hội thảo quốc gia về “Dạy học ngữ văn ở trường Phổ thông Việt Nam”. Sau đấy 3 ngày, 10/1/2013, tại Hà Nội Bộ GD&ĐT và Hội Nhà văn Việt Nam đã ký kết văn bản hợp tác giữa hai cơ quan này về “Phát triển Văn học trong nhà trường và nhà trường với Văn học giai đoạn 2013-2020”. Điều này chứng tỏ việc dạy và học Văn trong nhà trường đang có vấn đề.

Miễn thi Văn: Cần có sự giải thích rõ ràng - 1

Còn nhiều tranh cãi xung quanh Đề án thi tuyển sinh ĐH - CĐ hệ chính quy vào các trường khối văn hóa - nghệ thuật năm 2013

Thế nhưng kỳ lạ thay, cũng trong thời gian này, Bộ GD&ĐT lại công bố Quyết định “Phê duyệt đề án Thi tuyển sinh ĐH - CĐ hệ chính quy vào các trường khối văn hóa - nghệ thuật”. Theo đó, đối với các trường có tuyển sinh các ngành khối nghệ thuật (khối H, N, S) thì môn ngữ văn chỉ “xét tuyển” dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm ở bậc học này; môn năng khiếu sẽ do hiệu trưởng các trường quyết định. Việc xét tuyển theo kết quả các năm học thực chất là tạo cơ hội cho học sinh chạy điểm.

Và mọi người không lạ gì những bài thi môn Văn “hãi hùng” mà năm nào cũng có, ở các kỳ thi tuyển sinh CĐ- ĐH. Cũng không ai còn lạ gì những phát ngôn gây sốc của các đạo diễn, diễn viên, người mẫu, ca sĩ,... trước bàn dân thiên hạ. Và nhiều người đã không ngại gắn cho những người ấy một cái mác thật đáng xấu hổ “chân dài, óc ngắn” để chỉ những hành vi thiếu văn hóa của họ trong phát ngôn, ứng xử xã hội, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu và quan trọng nhất là do dốt Văn. Chỉ có những người hoặc coi thường hoặc không thể học tốt môn Văn mới có những hành vi ứng xử về văn hóa như thế.

Vậy theo ông, quyết định trên ban hành vào thời điểm này liệu có phù hợp? Theo quan điểm của cá nhân ông, có nên bỏ thi môn Văn ở kỳ thi tuyển sinh CĐ- ĐH, đặc biệt là các trường ĐH  - CĐ chuyên ngành nghệ thuật?

 Tôi trả lời luôn là không có cái gọi là “thời điểm thích hợp” cho việc loại bỏ môn Văn ra khỏi kỳ thi tuyển sinh CĐ- ĐH. Và sẽ không bao giờ được loại bỏ thi môn Văn ở các khối ngành nói trên vì hai lẽ sau: Thứ nhất, bỏ đi như vậy, không rõ ngoài thi môn năng khiếu ra, thí sinh thuộc các khối ấy sẽ thi cái gì, trong khi đó, thí sinh ở các khối ngành khác bắt buộc phải thi đủ 3 môn. Đây có phải vì xã hội đang thiếu nguồn nhân lực từ các khối ngành văn hóa - nghệ thuật, nên thí sinh thi vào đây cần được Bộ GD&ĐT “ưu tiên”? Thứ hai, làm như vậy liệu có công bằng giữa các khối ngành và các em với nhau không, trong khi ở các khối ngành kinh tế, kỹ thuật các em đều bắt buộc phải thi môn Toán? Nên nhớ rằng Văn và Toán là hai môn khoa học cơ bản đối với tất cả các cấp học cũng như các quốc gia trên toàn thế giới, vậy hà cớ gì mà ở Việt Nam lại coi Văn chỉ là môn thứ yếu, không cần phải thi? Câu trả lời này dành cho Bộ GD&ĐT.

Với những cái gọi là “cải cách táo bạo”như thế này, nhiều người đồ rằng có thể tới đây Bộ GD& ĐT sẽ đưa ra “đề án” miễn thi môn Toán đối với các trường thuộc khối ngành Khoa học- Kỹ thuật chăng? Một quyết định thật sự khó hiểu của Bộ GD& ĐT (!?)

10 trường được thi tuyển sinh riêng theo Đề án miễn thi môn Văn gồm: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc TP HCM, ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật TP HCM, ĐH sư phạm Nghệ thuật Trung ương, CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, CĐ Múa Việt Nam, CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bằng Tường (Pháp luật & Xã hội)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN