“Lớp 27 điểm” ở trường huyện có nhiều học sinh đỗ vào đại học top đầu cả nước

Một trường trung học phổ thông (THPT) cấp huyện có điểm đầu vào thấp nhưng lại có chất lượng đầu ra đứng thứ 2 toàn tỉnh. Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây, năm nào trường THPT Quảng Xương 1, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa cũng có học sinh đậu thủ khoa các trường đại học top đầu trong nước.

Bí quyết để có được thành tích khá ấn tượng này là do nhà trường đã xây dựng được “chiến lược” ôn tập riêng đối với từng nhóm đối tượng học sinh. Trong số này có cả lớp ôn cho học sinh đạt 27 điểm trở lên ở 3 môn thi đại học.

“Lớp 27 điểm” ở trường huyện có nhiều học sinh đỗ vào đại học top đầu cả nước - 1

Học sinh trường THPT Quảng Xương I đang “tăng tốc” chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Trong kỳ thi THPT quốc gia và xét và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017, Trường THPT Quảng Xương 1, Thanh Hóa đã có một học trò xuất sắc  đạt 30 điểm tuyệt đối 3 môn thi khối B là em Nguyễn Hải Đăng. Với điểm số tuyệt đối, Hải Đăng sau đó đã trúng tuyển vào ngành Bác sĩ đa khoa của trường Đại học Y Hà Nội, một trong những trường đại học top đầu của cả nước. 

Ngoài học sinh Nguyễn Hải Đăng, Trường THPT Quảng Xương 1 còn có 7 học sinh khác đỗ vào ngôi trường đại học danh giá này, đưa nhà trường trở thành cơ sở giáo dục phổ thông có số lượng học sinh trúng tuyển vào chuyên ngành Bác sĩ đa khoa nhiều nhất cả nước trong năm 2017. Cũng trong năm học này, toàn trường có 32 thí sinh có điểm thi THPT quốc gia đạt từ 27 trở lên.

Chia sẻ về bí quyết tạo nên thành tích giáo dục ấn tượng của nhà trường, thầy Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa) cho biết: Nhà trường đã có những chiến lược riêng để giúp học sinh lớp 12 phát huy tối đa năng lực nhận thức và đạt được mục tiêu đề ra. 

Ngay từ lúc học sinh bước vào lớp 11, nhà trường đã có những đánh giá, phân loại học sinh theo năng lực nhận thức của các em. Thầy cô không ép học sinh phải thi trường này, trường kia, nhưng sẽ có lời khuyên, định hướng và phương pháp riêng với từng đối tượng. 

Đặc biệt, sau khi đánh giá, nhà trường sẽ phân loại học sinh theo 4 nhóm: Học sinh có nguyện vọng phấn đấu đạt từ 27 điểm trở lên, nhóm có nguyện vọng vào đại học top trên, nguyện vọng đỗ đại học và cuối cùng là nhóm học sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp. 

Khi các em kết thúc chương trình lớp 12, các thầy cô trong trường sẽ thực hiện ôn luyện cho từng nhóm, mỗi nhóm có một chương trình, phương pháp khác nhau, phù hợp với khả năng nhận thức và mục tiêu của từng em. Những lớp học ôn này được triển khai từ 3 tháng trước kỳ thi THPT quốc gia bắt đầu.

Cũng theo thầy Lê Văn Dỵ, việc đăng ký ôn tập này hoàn toàn theo tinh thần tự nguyện. Các em được lựa chọn thầy cô, người được chọn sẽ phải phấn đấu để giúp học sinh đạt được mục tiêu mà không phải đi học thêm ở ngoài. 

Hằng năm, nhà trường thường tổ chức những kỳ thi thử THPT quốc gia, thu hút lượng lớn học sinh tham gia. Đây là bước đệm, vừa tập dượt cho học sinh, vừa giúp giáo viên trong trường nâng cao chuyên môn, khả năng ra đề và giải đề. Với chiến phương pháp đặc biệt này, trong những năm gần đây, nhà trường đã thu được kết quả rõ rệt về cả chất lượng mũi nhọn lẫn đại trà.

Chia sẻ thêm về “lớp học 27 điểm”, thầy Dỵ cho biết: Đây là lớp học tập trung được các học sinh có năng lực vượt trội dựa trên nguyện vọng của phụ huynh và học sinh. Sau một thời gian ôn tập, lớp 27 điểm này sẽ tiếp tục tách thành các nhóm nhỏ hơn như nhóm 26,5 điểm, nhóm 27 điểm và nhóm 27 điểm trở lên.

Giáo viên được phân công phụ trách từng bộ môn sẽ kèm riêng từng em một dựa trên năng lực cũng như theo phương pháp riêng của các thầy, cô. Tất nhiên, do đây là lớp tập trung học sinh giỏi nên giáo viên tham gia giảng dạy, ôn tập tại các lớp này cũng là thành phần xuất sắc của trường. Đầu năm, trường cho giáo viên đăng ký chỉ tiêu cần đạt. 

Chẳng hạn, giáo viên được dạy ở lớp 27 điểm phải đăng ký học sinh đạt được điểm bình quân các môn bao nhiêu điểm. Qua đó, đối chiếu với kết quả thật để kết luận đạt hay chưa đạt, hay vượt kế hoạch. Điều đó giúp giáo viên không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực chuyên môn, đồng thời coi việc hết mình vì học trò là nhiệm vụ hàng đầu.

Thầy Nguyễn Ngọc Tuấn, giáo viên phụ trách môn Vật lý của lớp 27 điểm cho biết: Do lớp học tập trung nhiều học sinh xuất sắc nên trong quá trình dạy,  có những thời điểm giáo viên không tránh khỏi việc rơi vào bị động khi có những bài tập khó, học sinh có thể giải nhanh và hay hơn cả mình. Đây thực sự cũng là áp lực đối với giáo viên, buộc giáo viên phải không ngừng bổ sung kiến thức và kỹ năng. 

Tuy vậy, điều này không làm giáo viên cảm thấy tự ti, thay vào đó, các thầy cô luôn cảm thấy có thêm động lực để phấn đấu. Với ý nghĩa đó, “lớp 27 điểm” không chỉ là môi trường tốt cho học sinh xuất sắc thực hiện được mục tiêu mà còn là cơ hội để chính đội ngũ giáo viên của nhà trường luôn phải phấn đấu để không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn.

Trường nào nằm trong top đầu bảng xếp hạng các trường ĐH Việt Nam?

Hôm nay, lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện bảng xếp hạng các đại học (ĐH) do nhóm Xếp hạng Đại học Việt Nam sẽ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huyền Thanh (Công an nhân dân)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN