Kỳ thi THPT quốc gia: Trường ĐH lớn yêu cầu sơ tuyển như thế nào?

Với kỳ thi THPT quốc gia bắt đầu từ năm nay, nhiều trường ĐH đã đưa ra những yêu cầu sơ tuyển riêng trước khi xét tuyển thí sinh vào trường. Do đó, các thí sinh cần lưu ý trước khi nộp hồ sơ xét tuyển.

Qua trao đổi với PV Infonet, nhiều trường ĐH cho biết đưa ra yêu cầu sơ tuyển điểm trung bình các môn học ở các năm học THPT.

Kỳ thi THPT quốc gia: Trường ĐH lớn yêu cầu sơ tuyển như thế nào? - 1

Ảnh minh họa

Với Học viện Ngân hàng, theo TS. Trần Mạnh Dũng, trưởng phòng đào tạo, để đạt yêu cầu được xét tuyển thì thí sinh phải có điểm trung bình chung tích lũy tất cả các môn của từng năm học THPT từ 6,5 điểm trở lên.

“Chúng tôi muốn có được những sinh viên có nền tảng cơ bản về tất cả các môn, các lĩnh vực, có lực học đều, toàn diện. Đó như là những cái tối thiểu nhất, tất nhiên 3 môn thi chính vẫn là chủ đạo để xét tuyển vào Học viện Ngân hàng”, ông Dũng chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng lưu ý, thí sinh muốn dự tuyển vào trường thì tương ứng với từng môn của từng khối thi, phải đạt điều kiện tổng trung bình chung của 3 môn thi trong 6 học kỳ THPT phải trên 20 điểm.

“Ví dụ thi ngành theo khối A, thì tính điểm trung bình của lần lượt các môn Toán, Lý Hóa trong 6 học kỳ, rồi cộng điểm trung bình chung của 3 môn đó lại với nhau trên 20 điểm sẽ đạt điều kiện.

Thí sinh có điểm thi THPT quốc gia dù vượt xa điểm xét tuyển vào ĐH của trường nhưng nếu không thỏa mãn được điều kiện sơ tuyển thì đương nhiên vẫn bị loại. Bởi chúng tôi muốn hướng tới có một lứa sinh viên có phong độ ổn định, bền vững từ THPT”, ông Điền nhấn mạnh.

Còn ĐH Ngoại thương, TS Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng quản lý đào tạo, cho biết, điều kiện để thí sinh được nộp hồ sơ dự tuyển là điểm trung bình chung học tập của mỗi năm học THPT phải đạt từ 6,5 trở lên và hạnh kiểm đạt loại khóa trở lên. 

Cùng đó, các thí sinh đã tốt nghiệp năm ngoái thì ngoài xét qua điểm 3 môn khối thi, cũng phải đạt điều kiện này, tức học bạ của các năm học trước vẫn phải từ 6,5 trở lên.

“Điều này để đánh giá một cách toàn diện trong cả quá trình chứ không phải đến năm học cuối của phổ thông mới cố gắng để điểm trung bình chung được 6,5”, bà Thủy nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội thì trường dự kiến tổ chức sơ tuyển với tất cả các đối tượng, trừ đối tượng diện tuyển thẳng.

Tiêu chí sơ tuyển sẽ dựa vào tổng điểm trung bình của ba môn Toán, Hóa học và Sinh học của 5 học kỳ THPT, đối với các thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước là 6 học kỳ.

Để vượt vòng sơ tuyển, thí sinh phải đạt yêu cầu điểm trung bình của mỗi môn Toán, Hóa học và Sinh học phải trên 7 điểm đối với hệ bác sĩ, và trên 6 điểm đối với hệ cử nhân. 

Ở phía nam, ĐH Quốc gia TP.HCM yêu cầu trước khi xét tuyển, thí sinh phải đủ điều kiện hạnh kiểm khá và điểm trung bình 5 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 6,5 trở lên với bậc ĐH và 6,0 trở lên với bậc CĐ.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng sẽ sơ tuyển dựa vào tổng điểm trung bình học bạ 3 năm THPT với 2 môn cơ bản là toán và ngữ văn phải đạt 11 điểm trở lên (theo thang điểm 10).

Riêng với ĐH FPT, ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH FPT cũng cho biết trường vẫn giữ nguyên vòng sơ tuyển riêng truyền thống như những năm trước đây.

Thí sinh cũng cần lưu ý các trường khối ngành công an, quân sự thì vẫn tổ chức sơ tuyển như mọi năm, tuy nhiên tùy từng trường, ngành có thay đổi một số nội dung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hùng/Infonet
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN