Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Nhiều cách chống gian lận

Sự kiện: Giáo dục

Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ có nhiều điều chỉnh về mặt kỹ thuật so với các năm trước. Trong đó, để hạn chế tiêu cực, dự kiến sẽ không sử dụng giáo viên địa phương (nơi tổ chức thi) để chấm thi, mã hóa bài thi, lắp camera tại các phòng chấm thi…

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Nhiều cách chống gian lận - 1

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ có nhiều cải tiến nhằm khắc phục tình trạng gian lận thi cử. Ảnh minh họa: Q.Anh

Kỳ thi hướng tới giảm áp lực thi cử

Thời gian qua, nhất là sau hàng loạt vụ việc sai phạm trong công tác chấm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm tới tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 diễn ra trong khoảng 8 tháng tới. Mới đây, giải trình với Quốc hội về kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Kỳ thi năm 2019 sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT Quốc gia, đảm bảo tính phân hóa hợp lý để đánh giá học lực của học sinh.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, kỳ thi cũng sẽ khắc phục việc nội dung đề thi có một số câu quá khó, đảm bảo đề thi phù hợp hơn với tính chất của kỳ thi và thời gian làm bài của thí sinh. Trong đó, ba nhóm giải pháp cho kỳ thi THPT năm 2019, gồm: Làm tốt ngân hàng đề sao cho đề thi phù hợp, có sự phù hợp vừa đánh giá được tốt nghiệp, vừa làm căn cứ để xét tuyển ĐH với những trường có nhu cầu; bảo đảm tính bảo mật để học sinh có một kỳ thi tốt hơn và giải pháp về kỹ thuật trong công tác coi thi, chấm thi bảo đảm an toàn, sao cho giáo viên chấm thi, nhất là trắc nghiệm, không phải giáo viên của tỉnh mình trực tiếp chấm thi học sinh của mình.

Liên quan kỳ thi năm tới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT khắc phục hạn chế, khuyết điểm của kỳ thi THPT năm học vừa qua. Về phía Bộ đã trình phương án lên Chính phủ theo tinh thần kỳ thi năm 2019 giảm áp lực, khó khăn với thí sinh nhưng đảm bảo độ tin cậy, đánh giá đúng chất lượng. Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ làm căn cứ xét tốt nghiệp của thí sinh và đánh giá năng lực của học sinh sau 12 năm phổ thông. Kết quả này cũng là cơ sở xét tuyển đại học, tuy nhiên sẽ trên tinh thần tự chủ, do các trường quyết định".

Bộ GD&ĐT khẳng định, Bộ sẽ sớm công bố đề thi tham khảo để giáo viên và học sinh làm quen với dạng đề trong quá trình dạy học lớp 12 năm học 2018 - 2019 và ôn thi. Ngoài ra, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Như vậy, các trường cần có kế hoạch ôn tập cụ thể từ sớm để học sinh hiểu và tập trung ngay trong quá trình học. Cần bám sát vào các đề thi minh họa, đề thi các năm vừa qua đã được công bố để ôn tập.

Áp dụng công nghệ ngăn chặn tiêu cực thi cử

Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 mỗi tỉnh tiếp tục tổ chức một hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì; điều động cán bộ giảng viên trường ĐH, CĐ tham gia theo nguyên tắc các trường địa phương nào thì không tham gia phối hợp tại địa phương đó. Quá trình tổ chức thi, để tăng cường bảo mật, Phó, Trưởng điểm thi là cán bộ trường đại học, thư ký và cán bộ PA03 có trách nhiệm quản lý đề thi, bài thi tại điểm thi và chuyển giao về hội đồng thi. Ngoài ra, túi đựng bài thi được niêm phong bằng giấy mỏng chuyên dụng, dùng một lần.

Tại các điểm thi và hội đồng thi sẽ đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi và bài thi 24/24 giờ. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm sẽ được sửa đổi, nâng cấp theo hướng phân quyền cụ thể và mã hóa dữ liệu để tránh người dùng can thiệp; cán bộ xử lý bài thi không thể biết được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân thí sinh với nội dung trả lời trắc nghiệm (đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm); người được cấp quyền truy cập có thể mở được nhưng không sửa được thông tin…

Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã triển khai 6 nhóm giải pháp tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2019, bao gồm: Sẽ rà soát lại toàn bộ quy chế, quy trình của kỳ thi; xác định rõ hơn trách nhiệm của các bên tham gia tổ chức kỳ thi, chế tài; xây đề thi chất lượng; cũng cố phần mềm, tăng cường bảo mật để chống tiêu cực trong chấm thi; cán bộ chấm thi không chấm bài của học sinh tỉnh mình; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra.

Theo TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT): “Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã bộc lộ nhiều “lỗ hổng”, một số cá nhân sai phạm đã chỉnh sửa điểm thi trên bài thi, máy tính. Do đó, cần phải khắc phục những kẽ hở nhằm tránh gian lận thi cử. Giải pháp hợp lý vẫn là tăng cường giám sát, chấm thi độc lập, các bài thi do cán bộ chấm thi ở nơi khác, hoặc bài thi được chuyển đến một nơi khác chấm. Nếu được mã hóa bài thi của thí sinh sẽ đảm bảo hơn, vì cán bộ chấm thi sẽ khó biết được bài nào của thí sinh nào để mà can thiệp. Mã hóa bài thi của thí sinh dạng mã vạch được nhiều nơi có nền giáo dục tiên tiến áp dụng, rất hiệu quả”.

Bộ GD&ĐT cho biết, đối với sai phạm thi cử tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, hiện nay đã phát hiện chính thức xử lý 11 người theo đúng quy định của pháp luật, xử lý với 151 trường hợp thí sinh theo quy chế và tới đây còn làm tiếp. Trong đó, số cán bộ giáo dục, nhà giáo đã bị xử lý kỷ luật, bắt giam là 11 (trong đó: Hà Giang 2; Sơn La 6; Hòa Bình 3). Số thí sinh đã bị xử lý là 151 trường hợp (trong đó: Hà Giang 114; Sơn La 29 và Lạng Sơn 8).

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Nỗi lo chất lượng “đầu vào” của các trường đại học

Thông tin Bộ GD&ĐT không coi kỳ thi THPT Quốc gia 2019 là kỳ thi “2 trong 1” (xét tốt nghiệp THPT và vào đại học) khiến một...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN