Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Nhiều thí sinh chọn môn địa lý

Khảo sát ban đầu của nhiều địa phương cho thấy ngoài 3 môn thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ, nhiều thí sinh năm nay chọn địa lý làm môn lấy điểm trong kỳ thi THPT quốc gia

Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hà Nội, các trường THPT trên địa bàn đã tổ chức khảo sát sơ bộ các môn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, kết quả cho thấy phần lớn thí sinh các trường đều có chung lựa chọn với môn địa lý.

Kiếm điểm nhờ môn địa

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho hay kết quả khảo sát ban đầu cho thấy 70% học sinh lớp 12 của trường chọn địa lý là môn tự chọn, sau đó là vật lý, hóa học, rất ít học sinh chọn sinh học và đặc biệt hiếm em chọn môn lịch sử.

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Nhiều thí sinh chọn môn địa lý - 1

Học sinh Hà Nội tìm hiểu thông tin tuyển sinh

Tương tự, tại Trường THPT Hồng Thái trong số 446 học sinh lớp 12, ngoài 3 môn bắt buộc toán, văn, Anh thì địa lý là môn thi tự chọn có số học sinh đăng ký nhiều nhất với 265 em, tiếp đó là môn hóa 147 em. Lịch sử và sinh học là 2 môn có số học sinh đăng ký thấp nhất. Theo bà Nguyễn Thị Thơm, phó hiệu trưởng nhà trường, đa số các em chọn môn địa vì cho rằng đây là môn dễ kiếm điểm cao. Cũng theo bà Thơm, các môn bắt buộc trường đã tổ chức ôn tập từ đầu năm. Đối với các môn tự chọn, tùy thuộc vào số lượng học sinh, trường sẽ bố trí lớp ôn tập vào giữa tháng 3. Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành, cho biết phần lớn thí sinh lớp 12 của trường chọn môn địa lý và vật lý. Số thí sinh chọn môn lịch sử là 11 và môn sinh là 10. Một số trường học khác của Hà Nội cũng rơi vào tình trạng giống như trên khi rất ít thí sinh chọn môn sinh học, lịch sử để thi tốt nghiệp như Trường THPT Lương Thế Vinh, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ…

Ghi nhận của nhiều địa phương khác cũng có kết quả khảo sát tương tự. Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc thông tin, trong số hơn 10.000 học sinh lớp 12 đăng ký khảo sát chất lượng kỳ thi THPT quốc gia 2016 thuộc 37 trường, chỉ có 219 học sinh thi môn sử (chiếm tỉ lệ 2,39%), đứng thấp thứ 2 là môn sinh có 501 em (chiếm tỉ lệ 5,47%). Trong khi đó, môn địa lý có số lượng thí sinh đăng ký cao nhất 4.916 em (chiếm 45,46%); môn lý có 2.658 học sinh (29,03%), môn hóa có 1.659 học sinh (18,12%). Tương tự, tỉnh Kom Tum cũng có số lượng thí sinh đăng ký dự thi môn địa lý cao nhất (khoảng 48%), môn hóa đứng thứ 2 (37%), sử và sinh học vẫn là môn ít thí sinh đăng ký nhất.

Chỉ nên thi 5 môn

Thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho thấy năm 2015, khoảng 70% thí sinh đăng ký dự thi 5 môn. Nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh cũng cho rằng với phương thức dự thi “2 trong 1”, vừa công nhận tốt nghiệp THPT và dựa vào điểm số để xét tuyển các trường ĐH, CĐ, thí sinh nên chọn đăng ký 5 môn. Lãnh đạo một trường ĐH chia sẻ để có cơ hội trúng tuyển ĐH, CĐ cao nhất, thí sinh trước hết cần chọn ngành nghề phù hợp năng lực bản thân mà mình đam mê. Cần nghiên cứu kỹ ngành nghề đó có bao nhiêu trường xét tuyển, mỗi trường xét tuyển dựa vào tổ hợp môn nào? Có môn nào nhân hệ số 2 không để lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia phù hợp. “Các em chọn 5 môn là vừa và hợp lý, không nên chọn thi 4 môn và cũng không nên chọn nhiều hơn 5 môn” - chuyên gia này cho hay.

Một chuyên gia của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng tư vấn thí sinh chỉ nên chọn môn thi trùng khớp với ngành học mà mình yêu thích để thuận lợi cho việc đăng ký xét tuyển. Hợp lý nhất là chọn những môn nào, số lượng phải thi các môn ít nhất mà lại có nhiều tổ hợp xét tuyển cao hơn. Tốt nhất thí sinh chỉ nên chọn 5 môn thi, nhiều nhất là 6 môn chứ không nên chọn tới 7-8 môn như dự tính “thử sức” của nhiều thí sinh.

Chọn nhiều môn dễ phân tán

Trên thực tế, do năm nay nguyện vọng 1 xét tuyển chỉ có 4 nguyện vọng nên tính may rủi cao hơn mọi năm nên nhiều thí sinh dự kiến thi thêm nhiều môn để tăng cơ hội xét tuyển vào các trường khác nhau, không được tổ hợp môn này thì còn tổ hợp khác.

Theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh, việc chọn nhiều môn thi sẽ khiến cho sức ôn tập của thí sinh không được tập trung, dễ phân tán. Kết quả thi chắc chắn sẽ không cao bằng chọn môn thi ít, phù hợp với sức mình, đặc biệt là trúng tổ hợp của ngành nghề mình yêu thích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh (Người lao động)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN