Kỳ thi chuyển cấp: Căng như thi đại học

Còn khoảng vài tháng nữa mới đến kỳ thi chuyển cấp, nhưng đến thời điểm này, nhiều học sinh phổ thông năm cuối cấp tại Hà Nội đang căng mình học ôn, đặc biệt là những em dự thi vào trường chuyên.

Tăng tốc ôn tập

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm 2013 phương thức tuyển sinh với lớp 10 THPT không chuyên tiếp tục theo phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Tuyển sinh hệ chuyên theo phương thức vòng 1 sơ tuyển, vòng 2 thi tuyển. Học sinh dự tuyển vào lớp chuyên dự thi hai môn Ngữ văn và Toán cùng với kỳ thi vào lớp 10 không chuyên và phải dự thi thêm môn Ngoại ngữ và môn chuyên. Lịch thi cụ thể: Ngày 18/6 thi Ngữ văn, Toán; Ngày 19/6 thi Ngoại ngữ; Ngày 20/6 thi môn chuyên.

“Ôn thi chuyên cấp tốc”, “Chiêu sinh lớp ôn vào chuyên, trường điểm”… đó là những thông báo chiêu sinh nhan nhản trên trên các trang rao vặt, trang thông tin của các “lò” luyện thi, kèm theo những lời hứa tỷ lệ đỗ cao cộng với dàn giáo viên của các trường nổi tiếng. Dù còn vài tháng nữa kỳ tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội mới diễn ra, nhưng đến lúc này có thể cảm nhận được sức “nóng” của các kỳ thi này không thua kém gì thi đại học.

Để chuẩn bị, nhiều học sinh năm cuối cấp tại các trường Tiểu học, THCS ở Hà Nội đang phải căng mình vừa học, vừa ôn thi. Chủ động ôn thi, Mỹ Hạnh (lớp 9, Trường THCS Nguyễn Trãi) chia sẻ: “Ngay từ lúc sang đầu học kỳ 2, em đã phải tập trung cho việc học, chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. Dự định của em là thi vào lớp chuyên THPT của Trường ĐH Khoa học tự nhiên, mà thi đầu vào lại rất khó, lấy điểm cao, cạnh tranh cả với các bạn học sinh giỏi của các tỉnh khác nữa. Em phải đặc biệt dành thời gian ôn tập cho các môn thi vào chuyên, không thì sẽ khó đỗ”.

Kỳ thi chuyển cấp: Căng như thi đại học - 1

Thí sinh xem lại đề thi vào lớp 10 trường THPT Chu Văn An năm 2012. Ảnh: Q.A

Đức Hùng (lớp 9, Trường THCS Bế Văn Đàn) cũng đặt mục tiêu cho riêng mình: “Em dự định thi vào trường chuyên THPT Chu Văn An. Mọi năm trường lấy điểm rất cao, quy tụ toàn học sinh giỏi dự thi, “căng” như thi đại học ấy. Từ năm lớp 8, em đã theo các lớp ôn luyện của các thầy cô dạy để thi vào trường chuyên. Bây giờ, lịch học, ôn tập của em trong tuần gần như kín hết, ngoài giờ học chính khóa, em lại đi học thêm vào buổi tối, rồi về nhà tiếp tục học ôn đến khuya”.

Nhiều học sinh tiểu học cũng tăng cường “nhồi” kiến thức, chuẩn bị cho thi vào chuyên THCS. Đáp lại sự kỳ vọng của cha mẹ, Châu Anh (lớp 5, Trường Tiểu học Ban Mai) cũng đã phải tất bật “chạy sô” học thêm tại các lớp học do thầy cô trường chuyên đứng ra tổ chức. Châu Anh tâm sự: “Lịch học của em gần như kín đặc, cả ngày học ở trường, tối lại đi học thêm rồi về nhà học tiếp, nhiều hôm thức đến 1h sáng. Chủ yếu học ôn 2 môn Tiếng Việt và Toán”.

“Cửa hẹp” trường công

Theo lý giải của một số phụ huynh, việc họ “ép” con học nhiều như thế là bởi thi vào lớp 6 chuyên bây giờ chỉ tiêu ít, lại đông học sinh thi, đề ra “lắt léo” khiến học sinh nếu chỉ học trên lớp, tự học khó có thể thi đỗ được. Thế nên, nhiều học sinh từ lớp 2-3 đã phải theo học lớp ôn do thầy cô trường chuyên mở, thậm chí tới “lò” luyện thi. Ở cuộc đua vào lớp 10 THPT chuyên, các trường tốp đầu cũng có sự cạnh tranh rất khốc liệt, nên việc cho con em đi học thêm luôn được các bậc phụ huynh quan tâm.

Cuộc đua vào trường công lập năm nay được đánh giá là khá căng thẳng. Học sinh, phụ huynh không khỏi lo lắng khi mới đây Sở GD-ĐT Hà Nội công bố thống kê năm học 2012-2013, Hà Nội dự kiến có hơn 75.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong khi đó, số lượng chỉ tiêu vào lớp 10 năm học 2013-2014 đối với hệ THPT là gần 70.000 học sinh, trong đó các trường công lập 54.160 học sinh, các trường ngoài công lập 13.260 học sinh, các trung tâm GDTX 2.500 học sinh... Như vậy, sẽ có khoảng 1/3 số học sinh sẽ phải học trường dân lập, trung tâm GDTX, thậm chí học các trường nghề.

Năm nay, Hà Nội tiếp tục áp dụng phương thức tuyển sinh theo xét tuyển kết hợp với thi tuyển. Mỗi học sinh ngoài nỗ lực học tập, rèn luyện trong suốt 4 năm học THCS, các em còn phải cố gắng ôn thi để có kết quả thi tốt. Do mỗi học sinh chỉ được đăng ký 2 nguyện vọng vào các trường THPT công lập nên hầu hết các em và cả phụ huynh đều có tâm trạng lo lắng, muốn được ôn tập thật tốt. Cuộc đua vào các trường THPT công lập “khắc nghiệt” đối với học sinh vì ngoài điểm chuẩn còn phải đúng theo nguyện vọng đã đăng ký.

Một số phụ huynh chia sẻ, sẽ chọn nguyện vọng 2 vào các trường công lập “làng”, hay trường dân lập. Tuy nhiên, với cách tuyển sinh như hiện nay, cơ hội cho học sinh có học lực trung bình vào trường dân lập cũng khó, vì nhìn chỉ tiêu sẽ thấy, trong kỳ tuyển sinh năm nay sẽ có hàng nghìn học sinh phải “ngậm ngùi” học các hệ GDTX, TCCN.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh (Giadinh.net)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN