Kinh nghiệm ôn thi của thủ khoa đại học

Những chia sẻ của các thủ khoa kỳ thi đại học năm 2012 chắc chắn sẽ rất hữu ích với các bạn học sinh đang trong giai đoạn “chạy nước rút” cho kỳ thi sắp tới.

Dương Công Tráng (28,75 điểm, thủ khoa ĐH Kinh tế quốc dân): Không đến trung tâm luyện thi vẫn đạt thủ khoa

Kinh nghiệm ôn thi của thủ khoa đại học - 1

Dương Công Tráng (trái)

“Khi ôn thi, mình chia rõ làm 2 phần: 1 phần học và ôn lại kiến thức, 1 phần là giải đề thi. Hồi trước mình không đến trung tâm luyện thi mà chỉ học thêm trên trường, học hỏi bạn bè, tự học ở nhà, tự tìm kiếm tài liệu qua sách vở và internet.

Với mình, môn sở trường nhất là Vật Lý. Vì là môn trắc nghiệm nên đòi hỏi phải nhanh và chính xác. Vì vậy cần phải ôn tập kiến thức chặt chẽ, cũng như có một kỹ năng làm bài chắc chắn, tránh vì vội dẫn đến sai sót hoặc chỉ quá lo làm mà không để ý đến thời gian. Với môn này, cần học lý thuyết kỹ, cộng với việc nhớ một số công thức giải nhanh thì sẽ dễ đạt điểm cao.

Theo mình, điều quan trọng nhất lúc ôn thi là phải biết rõ năng lực bản thân, ước chừng số điểm mình chắc chắn có thể đạt được và chỉ ôn luyện những phần để đạt đủ số điểm đấy. Tránh ôn nhiều, lan man dẫn đến không chắc phần nào hết. Sau cùng, các bạn thí sinh nên tạo cho mình tâm lý tự tin khi gặp một đề thi, tránh tình trạng hoang mang khi gặp những câu khó cũng như chủ quan khi gặp những câu dễ. Trong quá trình ôn tập, các bạn nên thường xuyên thư giãn đầu óc bằng các hoạt động giải trí, tránh việc học quá nhiều càng làm tăng áp lực thi cử.

Tiêu Ngọc Linh (28 điểm, thủ khoa ĐH Ngoại Thương Hà Nội): Hãy luôn tin vào bản thân!

Kinh nghiệm ôn thi của thủ khoa đại học - 2

Tiêu Ngọc Linh: “Các bạn làm bài thi môn nào, cũng nên dành 10 phút đầu tiên để đọc qua đề thi”

“Theo kinh nghiệm của mình, nếu có phương pháp học tập hiệu quả, mình chắc chắn với lượng thời gian học tập như nhau, các bạn học ở nhà sẽ tiếp nhận được nhiều kiến thức hơn các bạn học tại trung tâm luyện thi. Thực tế, việc tự học sẽ giúp bạn nâng cao tư duy, linh hoạt thời gian biểu cũng như phạm vi kiến thức học của mình hơn. Ví dụ, khi tham gia các lớp học thêm, bạn hoàn toàn phụ thuộc vào giáo án của thầy cô nhưng khi bạn tự học ở nhà, bạn có thể tự do chọn phần bài tập mà mình chưa tốt để nâng cao.

Kinh nghiệm làm bài của mình đó là, bạn làm bài thi môn nào, cũng nên dành 10 phút đầu tiên để đọc qua đề thi. Thời gian ban đầu này rất quan trọng, nó không chỉ giúp não bạn có thời gian để khoanh vùng phạm vi kiến thức mà còn là thời gian để bạn thư giãn và giảm bớt căng thẳng. Bên cạnh đó, các bạn cũng cần xác định thời gian làm bài của từng phần cho hợp lý và đảm bảo có ít nhất 15 phút cuối giờ để soát lại bài làm”.

Vũ Thị Bích (26 điểm, thủ khoa ĐH Luật Hà Nội): Nên ôn tập trung, không học dàn trải

Kinh nghiệm ôn thi của thủ khoa đại học - 3

Vũ Thị Bích (trái)

“Ngay từ năm lớp 12, mình đã dành thời gian học đều cho 3 môn thi. Với 3 môn khối C, mình nghĩ yếu tố quan trọng nhất là sự chăm chỉ, cần cù. Trong giai đoạn chạy nước rút ôn thi, nên ôn tập trung, không học dàn trải kiến thức. Các bạn thí sinh nên hiểu kiến thức cơ bản trước, sau đó việc ghi nhớ kiến thức sẽ rất dễ. Mình cũng có mẹo nhỏ để nhớ kiến thức của những môn này, đó là viết những ý chính một cách ngắn gọn lên những tờ giấy A4 rồi dán lên chỗ học, cứ 2 ngày lại đứng đó ôn lại bằng cách coi như mình là giáo viên và giảng giải lại cho học sinh, như thế nhớ khá lâu.

Khi làm bài không nhất thiết là phải viết dài lan man, nhưng cũng không nên viết ngắn. Mỗi môn viết ước chừng khoảng 3 - 4 tờ giấy thi là được. Khi làm bài thi, nên chia các ý thành các đoạn rõ ràng, và để câu chủ đề ở đầu đoạn, sau đó triển khai ý ra”.

Nguyễn Thị Châu Loan (25,5 điểm, thủ khoa ĐH KHXH&NV Hà Nội): Hệ thống kiến thức bằng cách lập sơ đồ và bảng kẻ

Kinh nghiệm ôn thi của thủ khoa đại học - 4

Nguyễn Thị Châu Loan: “Trong quá trình ôn thi, mình nghĩ các bạn thí sinh nên hệ thống lại kiến thức bằng cách lập sơ đồ hoặc kẻ bảng”

“Đối với 3 môn thi đại học khối C, mình đều học theo dạng đề. Tức là, đối với một bài văn hay một sự kiện lịch sử nào đó sẽ có nhiều cách hỏi (dạng đề) khác nhau xung quanh vấn đề đó, mình cần nắm rõ. Học theo cách đó có thể học bao quát được mọi vấn đề, khi vào phòng thi không bị bất ngờ với câu hỏi. Học như vậy cũng giúp cho mình quen hơn với việc trình bày bài viết, có thể bấm giờ như đang ngồi trong phòng thi.

Khi học bài xong, vào ngày hôm sau mình thường sẽ tự tóm tắt lại những kiến thức mà mình đã học được ngày hôm trước để xem mình nhớ được đến đâu. Trong quá trình ôn thi, mình nghĩ các bạn thí sinh nên hệ thống lại kiến thức bằng cách lập sơ đồ hoặc kẻ bảng. Cách này giúp mình không bị quên nhanh và ghi nhớ kiến thức lâu hơn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Vương ([Tên nguồn])
Điểm thi đại học năm 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN