Khó “thoát” học thêm!

Mặc dù Bộ GDĐT “Cấm dạy thêm dưới bất kỳ hình thức nào” nhưng xem ra “lệnh cấm” này bị các trường, GV ngó lơ khi các trường, giáo viên đã có nhiều cách để “lách luật”. Cả HS lẫn phụ huynh đều gồng mình với lịch học kín mít từ sáng tới 8 - 9 giờ tối mỗi ngày.

Tăng tiết, phụ đạo

Khi Bộ GDĐT cấm các trường phổ thông dạy thêm, học thêm tại trường và yêu cầu thực hiện nghiêm túc thì nhiều trường lại “lách luật” bằng các chiêu bài tăng tiết, phụ đạo tại các trung tâm văn hóa . HS gồng mình tăng số buổi học từ 1 lên 2 hoặc 3 buổi/ngày.

Với việc xin thành lập các Trung tâm văn hóa ngoài giờ ngay tại trường, các trường đã “đường đường chính chính” có thể tận dụng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cả nguồn học sinh của trường để tổ chức tăng tiết, các lớp phụ đạo. Từ trường THPT chuyên đến THCS các trung tâm này đều hoạt động một cách nhộn nhịp, có tổ chức.

Khó “thoát” học thêm! - 1

Sau ngày học mệt mỏi ở trường, học sinh lại phải gồng mình đến lớp học thêm

Đơn cử các trung tâm văn hóa ngoài giờ của trường THPT chuyên L.H.P, Q.5, trường THPT N.A.N, Q.10, THPT B.T.X... đều phân chia các lớp theo học lực giỏi, khá, trung bình. Mỗi lớp sẽ có thời khóa biểu, số tiết, số buổi riêng để phù hợp và đây cũng là “chiêu bài” biến từ dạy thêm sang phụ đạo để các trường “qua mặt” các đoàn thanh tra. So với mức học phí hiện hành là 15 - 30 ngàn đồng/tháng/HS như hiện nay thì mức phí phụ đạo cho 8-20 tiết/tuần là 150 - 450 ngàn/tháng/HS, cao gấp chục lần.

Theo báo cáo của Sở GDĐT TPHCM thì khoản thu từ học phí luôn thấp hơn tổng các khoản phí mà trường thu thêm. Ví dụ, năm học 2010-2011 học phí là 343 tỉ đồng thì các khoản thu khác là 862 tỉ đồng, năm học 2011-2012 học phí là 367 tỉ đồng thì các khoản ngoài quy định là 923 tỉ đồng.

Hiệu trưởng của một trường cho rằng, mức học phí mà ngành giáo dục áp dụng ở các trường hiện nay được xây dựng từ cách đây gần 15 năm, từ đó đến nay mọi thứ đều tăng giá đến chóng mặt mà trường chỉ trông chờ vào các khoản thu học phí thì sao mà trụ nổi nên phải “xoay” để có tiền trang trải chi phí mà nguồn thu từ các trung tâm bồi dưỡng văn hóa luôn giữ vai trò chủ đạo.

"Lách" bằng nhiều cách

Theo quy định dạy thêm học thêm của Bộ GDĐT: Tuyệt đối không được dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học. GV không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà GV đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý.

Tuy nhiên với lý do chương trình học quá nặng nề, đặc biệt yêu cầu các kỳ thi đầu cấp, chuyển cấp, ĐH-CĐ quá khó nhiều trường, GV cho rằng, phải có học thêm thì HS của mình mới cạnh tranh được với HS của các trường khác, lớp khác. Thầy N.V.Thanh, GV trường tiểu học quận 5 cho biết: “Vừa là giáo viên, vừa là phụ huynh tôi cũng muốn mình được dạy nhẹ nhàng, HS học nhẹ nhàng nhưng đâu có được.

Khi mà các kỳ thi đầu cấp, ĐH-CĐ có yêu cầu quá sức đối với khả năng tự học của HS. HS lớp 1 đã học tiếng Anh, tin học, rồi đánh giá thành tích của trường qua kết quả các kỳ thi, tỉ lệ lên lớp, HS khá, giỏi... Trường nào cũng dạy thêm, trường mình không dạy cũng không được. Phụ huynh, HS than khổ với học thêm nhưng chấp nhận đưa đón con đến lớp”.

Ngay từ ngày họp phụ huynh, đi kèm với thông báo các khoản phí, GV chủ nhiệm thông báo luôn việc mở lớp dạy thêm “ngoài trường”, cho số điện thoại để phụ huynh tiện đăng ký.

Tại nhiều trường, GV không dạy tại trường mà thuê địa điểm gần trường để dạy thêm. Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ, Q.10, nhiều phụ huynh cho biết sau giờ học trên lớp, sẽ đưa con sang lớp của cô chủ nhiệm nằm trên đường Ba Tháng Hai, HS của một số lớp Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, Q.5 cũng được “bố trí” học thêm tại một địa điểm trên đường Nguyễn Kim, Q.5 cách trường không xa...

Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm học thêm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

(Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GDĐT về ban hành quy định dạy thêm, học thêm)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Tuyết (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN