Hướng dẫn đăng ký dự thi THPT Quốc gia tránh bị trượt oan

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đã có một số điều chỉnh, bổ sung so với năm trước, thí sinh cần lưu ý để tránh sai sót trong điền thông tin dự thi ảnh hưởng tới kết quả thi.

Hướng dẫn đăng ký dự thi THPT Quốc gia tránh bị trượt oan - 1

Thí sinh dự thi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 (Ảnh minh họa: Dân Việt)

Bắt đầu từ ngày 1 đến 30/4, thí sinh cả nước sẽ phải làm thủ tục để đăng ký dự thi (ĐKDT) kỳ thi THPT quốc gia 2016. Hiện tại, nhiều địa phương đã phát hành hồ sơ ĐKDT. Bộ GD&ĐT cũng đã bành hướng dẫn làm thủ tục đăng ký dự thi, nhằm tránh những sai sót có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của thí sinh trong kỳ thi.

Theo quy định, hồ sơ ĐKDT bao gồm hai phiếu đăng ký dự thi, bản photocopy hai mặt chứng minh thư nhân dân trên một mặt giấy A4, hai ảnh 4x6 và một phong bì thư ghi rõ họ tên địa chỉ nhận của thí sinh để trong túi đựng hồ sơ theo mẫu của Bộ. Trước khi khai phiếu đăng ký dự thi, thí sinh phải đọc kỹ các mục và hướng dẫn chi tiết các mục ở mặt sau phiếu số 2. Điều nào chưa rõ thí sinh phải hỏi cán bộ tiếp nhận đăng ký dự thi để được hướng dẫn đầy đủ.

Hướng dẫn cách ghi thông tin trên phiếu đăng ký dự thi:

Mục SỞ GDĐT……… MÃ SỞ: Thí sinh đăng ký tại đơn vị đăng ký dự thi thuộc sở nào thì ghi tên sở đó vào vị tri trống …..., sau đó điền 2 chữ số biểu thị mã sở vào 2 ô trống tiếp theo, mã sở giáo dục và đào tạo do Bộ quy định.

Mục Số phiếu: Nơi tiếp nhận đăng ký dự thi ghi, thí sinh không ghi mục này.

Mục 1, 2: Ghi theo hướng dẫn trên phiếu đăng ký dự thi.

Mục 3: a) Nơi sinh của thí sinh chỉ cần ghi rõ tên tỉnh hoặc thành phố, nếu sinh ở nước ngoài thí sinh chỉ cần ghi rõ tên quốc gia (theo tiếng Việt Nam). b) Dân tộc ghi đúng theo giấy khai sinh.

Mục 4: Đối với Chứng minh nhân dân mẫu cũ, ghi 9 chữ số vào 9 ô cuối bên phải, ba ô đầu để trống; đối với Chứng minh nhân dân mẫu mới hoặc Thẻ căn cước công dân, ghi đủ 12 chữ số vào các ô tương ứng.

Mục 5: Mã tỉnh (thành phố), mã huyện (quận) và mã xã (phường) chỉ đối với các xã thuộc Khu vực 1 sẽ do Bộ quy định. Thí sinh cần tra cứu tại nơi đăng ký dự thi để ghi đúng mã tỉnh (thành phố), mã huyện (quận), mã xã (phường) nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú hiện tại vào các ô tương ứng ở bên phải. Thí sinh không có hộ khẩu thường trú tại xã Khu vực 1 thì bỏ trống ô mã xã. Sau khi điền đủ các mã đơn vị hành chính, thí sinh ghi rõ tên tỉnh (thành phố), huyện (quận), xã (phường) vào dòng trống.

Đối với thí sinh thuộc diện ưu tiên đối tượng hoặc khu vực có liên quan đến hộ khẩu thường trú, đề nghị phải khẳng định thời gian có hộ khẩu thường trú trên 18 tháng tại khu vực 1 hoặc trên 18 tháng ở xã đặc biệt khó khăn trong thời gian học trung học phổ thông bằng cách đánh dấu vào ô tương ứng.

Hướng dẫn đăng ký dự thi THPT Quốc gia tránh bị trượt oan - 2

Phiếu số 1 Đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016.

Mục 6: Ghi tên trường và địa chỉ đến huyện (quận), tỉnh (thành phố) của trường vào dòng kẻ chấm. Ghi mã tỉnh nơi trường đóng vào 2 ô đầu, ghi mã trường vào 3 ô tiếp theo (mã trường ghi theo quy định của sở giáo dục và đào tạo, nếu mã trường có 1 chữ số thì 2 ô đầu tiên ghi số 0, nếu mã trường có 2 chữ số thì ô đầu tiên ghi số 0).

Đối với thí sinh là công an, quân nhân được cử tham gia dự thi để xét tuyển đại học, cao đẳng thì ghi mã tỉnh tương ứng với tỉnh nơi đóng quân và mã trường trung học phổ thông là 900. Đối với thí sinh có thời gian học ở nước ngoài thì những năm học ở nước ngoài ghi mã tỉnh tương ứng với tỉnh theo hộ khẩu thường trú tại Việt Nam và mã trường trung học phổ thông là 800.

Mục 7: Ghi rõ điện thoại, email (nếu có). Đối với thí sinh có yêu cầu đăng ký xét tuyển trực tuyến, cần đăng ký số điện thoại di động cá nhân để được cấp mật khẩu sử dụng một lần (OTP) qua tin nhắn đảm bảo cho sự bảo mật khi đăng ký xét tuyển trực tuyến.

Mục 8: Thí sinh phải ghi rõ họ tên người liên hệ, địa chỉ chi tiết: xóm (số nhà), thôn (đường phố, ngõ ngách), xã (phường), huyện (quận), tỉnh (thành phố).

Mục 9: Thí sinh đăng ký dự thi với mục đích chỉ lấy kết quả để xét tốt nghiệp, chỉ lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng hoặc cả hai mục đích. Thí sinh đăng ký dự thi với mục đích nào thì đánh dấu “X” vào ô tương ứng; nếu thí sinh dự thi với cả hai mục đích thì đánh dấu vào cả hai ô.

Mục 10: Thí sinh đăng ký dự thi tại cụm thi nào thì ghi tên cụm thi và mã cụm thi do Bộ quy định vào vị trí tương ứng. Tùy theo mục đích thi nêu ở Mục 9 thí sinh cần tham khảo hướng dẫn của nơi nhận đăng ký dự thi để xác định cụm thi phù hợp.

Mục 11: Học sinh đang học lớp 12 tại trường nào thì nộp đăng ký dự thi tại trường đó. Các đối tượng khác nộp đăng ký dự thi tại các địa điểm do sở giáo dục và đào tạo quy định. Mã đơn vị đăng ký dự thi ghi theo hướng dẫn của nơi nhận đăng ký dự thi.

Mục 12: Tất cả các thí sinh đăng ký dự thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng đều phải đăng ký môn thi ở mục này, thí sinh đăng ký dự thi môn nào thì đánh dấu “X” vào ô môn thi tương ứng.

Riêng đối với môn Ngoại ngữ thí sinh điền mã số tương ứng với ngôn ngữ cụ thể như sau: N1 - Tiếng Anh; N2 - Tiếng Nga; N3 - Tiếng Pháp; N4 - Tiếng Trung Quốc; N5 - Tiếng Đức; N6 - Tiếng Nhật.

Mục 13: Đối với thí sinh xin miễn thi ngoại ngữ, cần ghi rõ loại chứng chỉ đủ điều kiện miễn thi hoặc ghi rõ là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ theo quy định của Bộ.

Hướng dẫn đăng ký dự thi THPT Quốc gia tránh bị trượt oan - 3

Phiếu số 2 đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016.

Mục 14: Thí sinh đã dự thi trung học phổ thông những năm trước, nếu có những môn thi đủ điều kiện bảo lưu theo quy định, thí sinh muốn bảo lưu môn nào thì ghi điểm môn đó vào ô tương ứng.

Mục 15: Thí sinh xác định 4 môn dùng để xét tốt nghiệp trung học phổ thông (bao gồm các môn bắt buộc và môn tự chọn) bằng cách đánh dấu “X” vào các ô tương ứng. Bốn môn này phải nằm trong số các môn đã đăng ký tại Mục 12,13 và 14.

Mục 16: Thí sinh tự xác định đối tượng ưu tiên, ghi đúng ký hiệu các đối tượng ưu tiên theo quy định của quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Nếu khai thiếu trung thực sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành. Thí sinh thuộc diện ưu tiên phải nộp đủ giấy tờ minh chứng hợp pháp cho trường khi đến nhập học.

Mục 17: Đối với thí sinh dự thi có mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng cần ghi mã khu vực vào ô trống như sau: Khu vực 1 (KV1) điền chữ số 1, Khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) điền 2NT, Khu vực 2 (KV2) điền chữ số 2, Khu vực 3 (KV3) điền chữ số 3.

Trong 3 năm học trung học phổ thông hoặc tương đương, học ở đâu lâu hơn hưởng ưu tiên khu vực ở đó. Nếu mỗi năm học một trường có mức ưu tiên khu vực khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp trung học phổ thông ở đâu hưởng ưu tiên khu vực tại đó.

Đối với thí sinh được ưu tiên theo hộ khẩu thường trú, căn cứ vào quy định của quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của Bộ để ghi cho đúng khu vực ưu tiên được hưởng.

Phần mềm đăng ký dự thi sẽ tự động xác định mức hưởng ưu tiên khu vực theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy khi thí sinh khai đầy đủ Mục 5 và Mục 6; nếu thấy khác với thông tin khai trên phiếu ĐKDT, thí sinh cần kiểm tra lại thông tin đã khai tại các mục này.

Mục 18: Ghi theo hướng dẫn trên phiếu đăng ký dự thi.

Mục 19: Đối với thí sinh thi với mục đích lấy kết quả để xét học liên thông lên cao đẳng, đại học cần đánh dấu “X” vào ô đã tốt nghiệp ở bậc học nào tương ứng: Đã tốt nghiệp trung cấp (TC) hoặc Đã tốt nghiệp cao đẳng (CĐ)

Thí sinh lưu ý phải ghi đầy đủ, rõ ràng, sạch sẽ vào các mục theo yêu cầu và không sửa chữa, tẩy xoá. Nếu là số, ghi bằng chữ số Ả rập (0, 1, 2, 3,…), không ghi bằng chữ số La mã (I, V, X,…).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Hằng (Báo Gia đình & Xã hội)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN